Tiền Giang: Nâng cao kỹ năng phòng, chống sốt xuất huyết và sởi

Thứ ba, 10/12/2024 15:07
(ĐCSVN) - Ngày 9/12, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Tiền Giang tổ chức tập huấn kỹ năng phòng, chống sốt xuất huyết (SXH) và sởi cho gần 200 cán bộ chuyên trách SXH, côn trùng tuyến huyện, xã cùng nhân viên y tế tại 11 huyện, thị, thành của tỉnh.
BSCKI Lê Hữu Quyền, Phó Giám đốc CDC Tiền Giang phát biểu tại buổi tập huấn.
(Ảnh: Thanh Hoàng)

Phát biểu tại buổi tập huấn, Bác sĩ Chuyên khoa I (BSCKI) Lê Hữu Quyền, Phó Giám đốc CDC Tiền Giang cho biết, tình hình dịch SXH đang có chiều hướng giảm nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Trong tuần 48 (từ ngày 25/11 đến 1/12/2024), toàn tỉnh ghi nhận 48 ca mắc SXH, giảm trên 27% so với tuần trước. Từ đầu năm đến nay, số ca mắc SXH cộng dồn là 1.777 ca, giảm 41,5% so với cùng kỳ năm 2023, ghi nhận 1 ca tử vong do SXH.

Theo BSCKI Lê Hữu Quyền, từ đầu năm đến nay, Tiền Giang đã ghi nhận 75 ca mắc sởi, không có trường hợp tử vong. Tỷ lệ tiêm vắc xin sởi trong tỉnh đạt kế hoạch, tuy nhiên cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm vét để đảm bảo miễn dịch cộng đồng.

Tại lớp tập huấn, các bác sĩ dịch tễ và côn trùng của CDC Tiền Giang đã hướng dẫn các nội dung gồm: Phương pháp thống kê và báo cáo ca bệnh SXH; kỹ năng kiểm tra, theo dõi dữ liệu dịch bệnh; quy trình xử lý ổ dịch SXH tại cộng đồng; kiến thức về sinh thái, hình thái và cách phòng, chống véc tơ truyền bệnh; kỹ thuật phun hóa chất và sử dụng hóa chất an toàn. Các nội dung này nhằm nâng cao năng lực điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch và chẩn đoán, điều trị SXH tại cơ sở y tế, góp phần giảm thiểu số ca mắc và tử vong do SXH.

Ngoài nội dung về SXH, lớp tập huấn còn cung cấp kiến thức chuyên sâu về phòng, chống bệnh sởi như: Quy trình phát hiện sớm và báo cáo ca bệnh sởi; xử lý ổ dịch sởi tại cộng đồng, đặc biệt là trong trường học và khu vực đông dân cư; đánh giá tỷ lệ bao phủ vắc xin sởi, lập danh sách đối tượng chưa được tiêm để thực hiện tiêm vét; cách truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của tiêm chủng sởi, đặc biệt đối với trẻ nhỏ.

 Quàng cảnh lớp tập huấn. (Ảnh: Thanh Hoàng)

Lớp tập huấn không chỉ trang bị kiến thức, mà còn khuyến khích các cán bộ y tế xây dựng kế hoạch tham mưu cho UBND các cấp trong phòng, chống SXH và sởi. Việc phối hợp chặt chẽ giữa ngành Y tế và các ban, ngành, đoàn thể trong diệt lăng quăng, tiêm phòng vaccine và xử lý ổ dịch sẽ giúp kiểm soát dịch bệnh hiệu quả, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Theo CDC Tiền Giang, bệnh SXH xuất hiện quanh năm nhưng thời gian cao điểm dịch bùng phát thường tập trung từ tháng 5 đến tháng 11. Đồng thời dự báo, trong những tháng còn lại của năm 2024, số ca mắc SXH có thể tăng do đang là mùa mưa, đây là điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của muỗi truyền bệnh.

Do vậy, CDC Tiền Giang khuyến cáo các đơn vị y tế tuyến cơ sở cần giám sát chặt chẽ, phát hiện sớm các ổ dịch xuất hiện trên địa bàn để xử lý kịp thời, tránh bùng phát. Đẩy mạnh chiến dịch truyền thông phòng, chống dịch bệnh SXH. Tổ chức các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng phòng SXH. Người dân cần tiếp tục duy trì và thực hiện thường xuyên, liên tục các biện pháp phòng bệnh như: Diệt muỗi, lăng quăng, loại bỏ các dụng cụ chứa nước đọng không cho muỗi truyền bệnh có môi trường sinh sôi, phát triển. Ngoài ra, người dân không nên tự ý mua thuốc điều trị tại nhà khi thấy triệu chứng sốt, phát ban.

 Tiêm vaccine phòng sởi cho trẻ em tại Trạm Y tế cơ sở. (Ảnh: Thanh Hoàng)

CDC Tiền Giang cũng cho biết, các cơ quan y tế ở Tiền Giang đang nỗ lực kiểm soát sự lây lan của bệnh sởi – một bệnh truyền nhiễm do virus gây ra, thường ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi và những người lớn chưa được tiêm phòng đầy đủ. Bệnh có khả năng lây lan qua đường hô hấp và tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ người bệnh, đặc biệt dễ bùng phát ở những nơi tập trung đông người như trường học.

Hiện nay, không có thuốc điều trị đặc hiệu cho bệnh sởi, vì vậy tiêm vaccine được xem là biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất.

Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Sở Y tế Tiền Giang đã chỉ đạo các đơn vị tăng cường giám sát, lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ và đẩy mạnh công tác tiêm chủng, đặc biệt là tiêm vét cho trẻ dưới 2 tuổi. Đồng thời, người nhà bệnh nhân, cán bộ y tế và giáo viên cũng được khuyến cáo tiêm phòng sởi nếu chưa được tiêm ngừa./.

M.Phương (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực