Khôn khéo, cương quyết vì chẳng ai muốn bị phạt ngay đầu năm mới
|
CSGT kiểm tra nồng độ cồn trên địa bàn TP Hà Nội (Ảnh minh họa: VH) |
Chia sẻ với phóng viên, Đại uý Nguyễn Hoàng Ninh, Đội trưởng Đội CSGT Đường bộ số 1 (Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội) cho biết, có một “đặc thù” là những dịp lễ, Tết, khi nhiều người được nghỉ ngơi, vui chơi thì lực lượng CSGT phải ứng trực hầu như toàn bộ quân số để đảm bảo việc đi lại của nhân dân thông suốt, an toàn.
Đơn vị được phân công nhiệm vụ bảo đảm TTATGT trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, nơi diễn ra rất nhiều sự kiện vào các dịp lễ, đặc biệt là đêm Giao thừa với hàng vạn người dân, du khách đổ về nên theo Đại uý Ninh, đơn vị luôn phải ứng trực 100% quân số để đảm bảo phục vụ người dân vui chơi, đi lại an toàn.
“Trên địa bàn có nhiều tuyến đường trục chính chạy vào trung tâm thành phố, như tuyến Trần Nhật Duật - Hàng Bài - Quang Trung - Cửa Nam - Hai Bài Trưng - Lý Thường Kiệt- Trần Hưng Đạo… Chúng tôi luôn có phương án bố trí để giải quyết ùn tắc, đảm bảo phân luồng phục vụ nhân dân đi lại được thông suốt”, Đại uý Ninh cho biết, trong những ngày đầu năm mới, những hành vi vi phạm giao thông như: vi phạm nồng độ cồn, không đội mũ bảo hiểm… đều được lực lượng của đơn vị xử lý nghiêm với tinh thần không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Đồng thời, kết hợp tuyên truyền để người tham gia giao thông tự giác chấp hành, đảm bảo an toàn cho chính họ và người tham gia giao thông.
“Nếu du di, linh động với vi phạm, có khi vô hình chung lại khiến người tham gia giao thông chủ quan và có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc khác”, Đại úy Ninh chia sẻ.
Cũng theo Đại uý Ninh, vào những dịp Tết đến, xuân về người dân thường có thói quen chúc rượu nhau, thậm chí ép nhau quá chén. Khi đã uống say, không làm chủ được bản thân nên khi tham gia giao thông nhiều người đã gây ra những vụ TNGT nghiêm trọng để lại hậu quả đau lòng. Những năm gần đây, khi lực lượng CSGT kiên quyết xử lý vi phạm nồng độ cồn, nhiều người dần hình thành ý thức đã uống rượu, bia không lái xe. “Xử lý vi phạm nồng độ cồn khá phức tạp, nhất là dịp đầu xuân, năm mới chẳng ai muốn gặp xui xẻo nên cán bộ thực thi nhiệm vụ khi tiếp xúc với quần chúng nhân dân vừa phải khôn khéo, vừa cương quyết để làm sao người vi phạm nhận thức được hành vi vi phạm của mình, ủng hộ việc xử lý của lực lượng chức năng để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông”, anh Ninh cho hay.
“Những ngày đầu năm mới, người vi phạm bị lập biên bản xử phạt chắc hẳn sẽ “ấn tượng” và nhớ mãi, từ đó thay đổi hành vi của chính mình và khi chuyện đó đến tai người thân, gia đình, bạn bè cũng sẽ góp phần lan tỏa ý thức tự giác khi đi đường”, Đại úy Ninh cười nói thêm.
Còn với Thiếu tá Nguyễn Văn Kết, cán bộ Đội CSGT Đường bộ số 1 (Phòng CSGT Công an TP. Hà Nội), đến nay anh đã có 13 năm chưa đón Giao thừa cùng gia đình. Thiếu tá Kết vẫn nhớ như in một vụ việc vào trưa 30 Tết năm 2012.
“Khi đó, tôi đang làm nhiệm vụ tuần tra trên tuyến QL5 qua địa bàn Sài Đồng và Thạch Bàn. CSGT tuần tra 2 - 3 lượt vẫn thấy một bác đứng bên đường không di chuyển gì, cứ hướng mắt về phía nội thành. Chúng tôi dừng xe, tiến lại gần hỏi chuyện thì được biết bác là người làm thuê, nghỉ Tết rồi mà nhà thầu trốn mất tăm, tiền công không thanh toán. Trong người bác lúc đó chỉ còn mấy nghìn đồng… Bác nói đang đợi con gái từ nhà trọ ra để bố con cùng về Thái Bình, chứ bác không có tiền để đi vào nội thành đón con về”, anh Kết kể.
Lần ấy, Thiếu tá Kết đã biếu bác 300.000 đồng để về quê ăn Tết. “Ngạc nhiên và xúc động biết bao khi 24h đêm, vừa về đến nhà sau ca trực thì nhận được một cuộc điện thoại. Đầu giây bên kia, người đàn ông quê Thái Bình bảo rằng may quá, nếu hôm nay không gặp cháu thì hai bố con bác không về được...”, Thiếu tá Kết kể.
Đêm Giao thừa tiếp nhận bệnh nhân say, không có người thân đi cùng
Bác sĩ Bùi Hồng Giang, Trưởng khoa Cấp cứu Bệnh viện Giao thông vận tải cho biết, vào đêm Giao thừa, khoa cấp cứu bệnh viện đã từng tiếp nhận bệnh nhân say rượu, ngất nhưng không có người thân đi cùng. Có trường hợp, sau 2 ngày phối hợp với các lực lượng chức năng thì bệnh viện mới liên lạc được với người nhà bệnh nhân. “Trong thời gian tìm người nhà của bệnh nhân, các bác sĩ, điều dưỡng của bệnh viện thay phiên nhau vừa trực cấp cứu vừa chăm sóc cho bệnh nhân, lo từng bữa ăn, sức khỏe đến thuốc men...”, bác sĩ Giang chia sẻ.
|
Một ca trực cấp cứu nạn nhân tai nạn giao thông tại Bệnh viện Việt Đức (Ảnh minh họa: VH) |
Trong gần 20 năm làm bác sỹ, có 10 năm anh Giang trực Tết. Trong những ngày Tết, Bệnh viện phân công và bố trí các bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên trực cấp cứu 24/24h. Trong đó, bố trí cả lịch trực thường trú cho tất cả các chuyên khoa để đáp ứng kịp thời với mọi tình huống bệnh nhân cấp cứu tại viện, ngoại viện và cả trường hợp có thảm họa, thiên tai.
“Trong những ngày nghỉ Tết, thông thường là các trường hợp bệnh nhân cấp cứu nặng, người già, người có bệnh lý diễn biến đột xuất và người bị tai nạn giao thông”, anh Giang thông tin và cho biết, với các bệnh nhân cấp cứu do bị TNGT, sau khi thăm khám sẽ được phân loại theo mức độ tình trạng bệnh. Đối với trường hợp bị nhẹ, sau khi các bác sĩ thăm khám toàn diện, xử lý vết thương (nếu cần thiết) sẽ cho về. Còn trường hợp nặng sẽ yêu cầu nhập viện và theo dõi diễn biến sức khỏe.
“Những trường hợp rất nặng, đa chấn thương, cần can thiệp chuyên khoa sâu thì Bệnh viện sẽ chuyển bệnh nhân lên Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức. Riêng đối với các trường hợp bệnh nhân tử vong ngoại viện, bệnh nhân bị tai nạn giao thông nghiêm trọng, bệnh nhân không có người nhà đi cùng hay trường hợp ngộ độc hàng loạt với thực phẩm, dương tính chất gây nghiện, Bệnh viện Giao thông vận tải sẽ liên hệ với công an để phối hợp xử lý”, bác sĩ Giang cho hay.
Theo bác sĩ Giang, trong 2 năm trở lại đây, số ca cấp cứu do tai nạn giao thông vào Bệnh viện Giao thông Vận tải tăng so với các năm trước. Trong đó, các ca tai nạn có nồng độ cồn giảm tuy nhiên trong dịp Tết, số ca cấp cứu do tai nạn giao thông có nồng độ cồn lại tăng so với bình thường.
“Trực cấp cứu ngày Tết dù vất vả nhưng cũng vô cùng đặc biệt. Không được sum vầy bên gia đình là một nhẽ, nhưng mỗi khi giúp được bệnh nhân vượt qua cơn nguy kịch, điều trị ổn định, giúp các bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện về nhà, đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng và nhân viên của Bệnh viện đều cảm nhận được niềm vui, hạnh phúc lan tỏa. Đây cũng là động lực để các bác sĩ, điều dưỡng tiếp tục cống hiến, thực hiện tốt sứ mệnh của mình”, bác sĩ Giang chia sẻ thêm.
Trong khi đó, bác sĩ Quách Văn Kiên, Khoa Tiêu hóa, Bệnh viện Việt Đức cho biết, qua theo dõi những dịp Tết gần đây, số bệnh nhân tai nạn giao thông giảm hơn nhưng có xu hướng tăng dần từ mùng 1 đến mùng 4 Tết.
“Số lượng bệnh nhân có nồng độ cồn chỉ chiếm dưới 15% tổng số ca tai nạn giao thông nhập viện. Nhìn chung, tỷ lệ bệnh nhân có nồng độ cồn khi nhập viện giảm hơn nhiều từ khi siết chặt quy định điều khiển phương tiện khi đã sử dụng rượu bia. Tỷ lệ bệnh nhân tai nạn giao thông nhập viện giảm, chỉ chiếm khoảng 50% trên tổng số ca nhập viện cấp cứu, trong khi những năm trước dao động từ 70 - 80%”, bác sỹ Kiên chia sẻ.
Cũng theo bác sỹ Kiên, kíp trực cấp cứu các ngày Tết thường gồm khoảng 20 bác sĩ thuộc tất cả các chuyên khoa, cùng 15 - 17 bác sĩ nội trú, 16 điều dưỡng. Riêng trong khu vực phòng mổ có khoảng 20 nhân viên viên y tế, trong đó có 6 bác sĩ./.