Thương nhớ chuyến tàu phía Tây

Chủ nhật, 03/02/2019 11:25
(ĐCSVN) – Cùng tiếng xình xịch đặc trưng của bánh xe ma sát trên đường ray tàu, xen lẫn tiếng còi tàu vang lên báo hiệu mỗi khi vào điểm ga mới, chúng tôi đã có những tâm sự sẻ chia đầy thương yêu mà cũng không kém phần trăn trở về ngành đường sắt hiện nay.

Thương nhớ chuyến tàu phía Tây

Thương nhớ chuyến tàu phía Tây

Quang cảnh tàu tại ga Hà Nội, có mái che, có đường trên cao dẫn ra tận tàu... (Ảnh: HNV)

Đường sắt vài năm trở lại đây đang chững lại, hầu như tốc độ phát triển không cao. Sự cạnh tranh của các phương tiện giao thông khác cùng với kết cấu hạ tầng phục vụ các phương tiện giao thông đó không ngừng được nâng cấp, mở rộng và phát triển khiến cho sự cạnh tranh với ngành ngày càng cao và khốc liệt hơn. Nhu cầu của hành khách khi di chuyển không phải ưu tiên hàng đầu cho ngành đường sắt nữa, có chăng lượng khách là người nước ngoài vẫn duy trì ổn định và thậm chí tăng trưởng cao hơn do nhu cầu khám phá và trải nghiệm của họ khi đến Việt Nam.

Trong không gian khá ấm cúng của toa phục vụ ăn uống của chuyến tàu SP3, lái chính Nguyễn Ngọc Tâm, trong lúc chờ đến chuyển ca, đã có gần 32 năm gắn bó với nghề cho hay: “để được lên lái chính tàu, phải trải qua nhiều công đoạn lắm. Lái tàu đòi hỏi phải có một cái đầu lạnh và tay lái chắc, xử lý linh hoạt các tình huống”- anh hóm hỉnh giãi bày. Yêu cầu đầu tiên là phải có bằng chính quy, sau đó trải qua 2 bậc phụ trong đó, lái phụ bậc 1 kéo dài khoảng chừng 3-4 năm, nếu không để xảy ra vi phạm gì trong nghề thì được xét lên bậc 2. Giai đoạn này kéo dài khoảng 5 năm, căn cứ vào tiêu chí: đủ cây số chạy tàu, chấp hành nội quy nghiêm túc, đầy đủ, không vi phạm và sai sót gì được xét lên lái chính. “Mình vào nghề từ năm 1987 nhưng đến 1992 đã được xét lên lái chính, cũng khá nhanh so với quy định bình thường. Cũng có thể tự hào là trưởng thành khá nhanh trong nghề” – anh Tâm nói.

Hạ tầng vật chất tại ga Hà Nội được nâng cấp khá hiện đại (Ảnh: HNV)

Còn hai năm nữa là nghỉ theo chế độ, ở tuổi 53, chàng trai Hà Nội, quê gốc Long Biên ngày nào mới tập tành vào nghề nay đã trở thành một trong những lái tàu dạn dày kinh nghiệm, gắn bó 1/3 thế kỷ và dành cả thanh xuân cho ngành đường sắt. “Nghề lái tàu cực kỳ nguy hiểm, không vất vả nhưng căng thẳng đầu óc, bình thường không có chướng ngại vật và các phát sinh thì rất đơn giản nhưng thực tế, hệ thống giao thông đường sắt ở Việt Nam khá phức tạp, giao cắt với hệ thống đường bộ, nhà dân, đường quốc lộ…” – anh tâm sự.

“Cũng trải qua mọi cung bậc cảm xúc khi gắn bó với nghề rồi đấy, từ sự háo hức khi mới đầu chập chững vào nghề đến tâm lý tự hào, phấn khởi khi ngành ở đỉnh vinh quang rồi cả sự chán chường do một thời kỳ ngành thu nhập thấp nhưng đến nay thì đã thành tâm lý quen thuộc, gắn bó lâu dài” – anh Tâm nói.

Theo mạch câu chuyện, anh tiếp lời: “Nói lại nhớ, trong hơn 30 năm làm nghề, mình có một kỷ niệm không bao giờ quên được, đó là chuyến tàu năm 2008 bị cô lập trong biển nước ở ga Yên Bái, đúng ngày sinh nhật của tàu trưởng Tuấn hiện nay. Khi đó, ở trong ga Yên Bái, nếu tàu đỗ trong ga là bị ngập đến nóc. Hôm đó, khi đi vào điểm chuẩn bị, thấy có nước, mình đã báo anh Tuần lùi nhưng chỗ đường tàu bị xói, vỡ đập, tràn ngược từ đập xuống. Cuối cùng đầu máy và toa xe sau dứt rời nhau. Còn mỗi hai anh em, mình và phụ lái ngồi trên đầu máy, giữa nước mênh mông như ở biển, khi đó cũng sợ hãi nhưng vẫn yên tâm là khách ở trên các toa sau đều an toàn do phần các toa đã được đẩy vào khe núi ở trên cao. Đoạn tàu gặp nạn đó là đoạn 145+400km chuyến tàu phía Tây”.

 

Nhân viên tàu kiểm tra hồ sơ, lịch trình (Ảnh: HNV)

Xác định đã gắn bó với nghề là chuyên môn phục vụ, do đó, càng dịp Tết càng phải làm. Và với mình, chuyến tàu cảm xúc nhất chính là những chuyến tàu chạy vào đêm 30 vào thời kỳ chưa cấm đột pháo “Nói thật, những chuyến đó, mỗi dịp lúc giao thừa, nghe tiếng pháo thì cảm xúc dồn nén, chỉ muốn bỏ nghề để về nhà mà thôi” – anh cười hiền.

Không thiếu những câu chuyện về các cặp đôi nên duyên, gắn bó với nhau từ ngành đường sắt, như ngay trên chuyến tàu SP3 này, cũng có một đôi chồng phó tàu, vợ nhân viên phục vụ trên tàu, cả hai đôi cùng nhau đi làm… Họ đã gắn bó với nhau từ khi yêu đến giờ chỉ đi với nhau. Hay như câu chuyện của tàu trưởng SP3 Đoàn Anh Tuấn hiện tại. Quê ở Ứng Hòa, Hà Tây (nay là Hà Nội), vào ngành từ năm 2000 và đến năm 2008 thì gặp gỡ với một nữ hành khách đi chuyến tàu từ Hà Nội lên Lào Cai. Cô gái quê ở Lào Cai nhưng học dưới Hà Nội. Họ gặp nhau trong một tình huống khá éo le khi cô gái bị đau bụng mà lại mua vé giường tầng cao rồi bất ngờ được anh trưởng tàu giúp đỡ. Từ sự cảm mến ban đầu rồi thường xuyên qua lại, trao đổi thông tin, chuyện trò, họ đã nên duyên vào năm 2009. Giờ thì hai vợ chồng đã chào đón mở rộng thêm thành viên với một cậu con trai và một cô con gái đáng yêu, kháu khỉnh.

Trưởng tàu Đoàn Anh Tuấn, trước khi lên tàu làm, đã làm trực ban – bộ phận dưới ga - ở ga Yên Bái. Cơ duyên đưa anh đến với ngành cũng khá thú vị khi trong gia đình không có ai làm ngành đường sắt, chỉ duy nhất có người chú rể làm trong ngành và sau kỳ nghỉ hè của kỳ thi chuyển lớp 9, bước vào cấp 3, được tham gia trải nghiệm trên chuyến tàu Hà Nội – Yên Bái rồi về Vinh đã để lại ấn tượng không thể phải mờ trong lòng cậu bé. Để rồi, đến khi tốt nghiệp cấp 3, cậu bé đó đã lựa chọn thi vào ngành đường sắt mà điểm khởi đầu là Trường Trung cấp vận tải đường sắt rồi sau này là Đại học Giao thông Vận tải. “Tôi xin vào ngành đường sắt từ năm 2000 và được phân công vào bộ phận mặt đất từ năm 2000. Tuy nhiên, ấn tượng mạnh mẽ từ chuyến tàu năm chuyển cấp đã thôi thúc tôi phấn đấu không ngừng và có cơ hội bày tỏ nguyện vọng lên tàu vào năm 2003. Chính xác là tháng 3/2003, tôi tham gia vào chuyến đi tàu đầu tiên với nhiệm vụ nhân viên phục vụ trên tàu. Khoảng gần nửa năm sau thi lên chức danh Phó tàu và đến 2008 bắt đầu đi thay trưởng tàu chính để đến 2009 chính thức tiếp quản nhiệm vụ Trưởng tàu.

Phải kể đến tâm sự của anh Trần Quang Hòa, chủ yếu theo chuyến tàu Thống Nhất, được điều động tăng cường phụ trách an ninh trên tàu SP3. Sinh năm 1965, làm nghề từ năm 1983, 1986 đi bộ đội, 1989 ra quân rồi lại quay về ngành, trước là công nhân kỹ thuật của tàu. Mặc dù sắp đến tuổi phải nghỉ theo quy định của ngành (55 tuổi với lao động nặng nhọc), nhưng anh Hòa vẫn mong muốn được ở lại vì thấy bản thân vẫn đủ sức khỏe để cống hiến…”Biết khả năng mình đến đâu và biết đủ, tập trung làm tốt và hài lòng với công việc của mình-  đó là phương châm sống của tôi” – anh Hòa thủ thỉ.

Hay tâm sự của Tàu trưởng SP4 Trần Hữu Xuyên khi đưa chúng tôi từ Lào Cai về Hà Nội, đã có 5 năm liền không ăn tết ở nhà, trong đó có hai lần vợ sinh con đều đang trên tàu làm nhiệm vụ, không kịp về nhà. Có bố và hiện cả hai anh em (em trai cũng đang làm trên tàu SP1) đều làm trong ngành, Trần Hữu Xuyên luôn giữ gìn một tình yêu gắn bó với ngành đường sắt. 

Ghi chép của Hà - Lan
Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực