Chú trọng tới 4 lĩnh vực “nhạy cảm”: đầu tư, thuế, đất đai và chi tiêu công

Thứ sáu, 16/04/2010 20:57

 

 Phiên họp BCĐ Trung ương PCTN lần thứ 11
(Ảnh: Cát Tường)

(ĐCSVN) - Đây là những điều mà hầu hết các thành viên trong Ban chỉ đạo quốc gia phòng chồng tham nhũng (PCTN), đặc biệt là nội dung mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo rất lưu tâm.

Vừa qua, trong phiên họp thứ 11 diễn ra cuối năm 2009, Ban Chỉ đạo PCTN Trung ương nhận định: Những kết quả bước đầu của công cuộc PCTN thời gian qua là thiết thực, nhiều mặt tiến bộ, đáng khích lệ nhưng không vì thế mà chủ quan, lơ là, mất cảnh giác. Việc đặc biệt lưu tâm đến các lĩnh vực “nhạy cảm” ở trên cũng là một trong nhiều biểu hiện của việc các cấp ủy Đảng, chính quyền từ Trung ương xuống địa phương đang chủ động trong việc triển khai PCTN.

Đối với lĩnh vực đầu tư, chú trọng tới các nguồn vốn: vốn nước ngoài, vốn trong nước, vốn của các thành phần khác; đối với thuế, hơn lúc nào cần phải cải tiến khâu thủ tục liên quan vừa đảm bảo tính chính xác, vừa kịp thời, nhanh gọn; minh bạch hơn trong vấn đề liên quan tới đất đai; có thái độ quyết liệt và mạnh mẽ hơn trong việc minh bạch về chi tiêu công, chi tiêu ngân sách.

Thời gian tới, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, các cấp bộ, ngành, địa phương phải giữ quyết tâm, cương quyết, kiên trì, liên tục, đồng bộ trong triển khai các hoạt động PCTN, làm đúng chính sách, pháp luật của Nhà nước, quyết định của Đảng, chú ý dư luận nhưng cũng lưu ý nhiều động cơ dư luận khác nhau. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đã phân tích: Việc tăng cường tuyên truyền để xã hội nhận thức được rằng tham nhũng là một hiện tượng tiêu cực gắn liền với mọi nhà nước, từ đó hiểu và chấp nhận tính tương đối là một đòi hỏi khách quan. Phải lưu ý đối phó với các trạng thái tâm lý dư luận xã hội, không quá hoảng loạn nhưng cũng không thờ ơ, vô trách nhiệm và càng tránh hơn tâm lý, thái độ trung dung, chủ quan, cá nhân chủ nghĩa trong công cuộc PCTN. Thực tế, với tình cảm, lợi ích, nhận thức của mỗi người khác nhau do đó, sẽ có những tâm lý và phản ứng khác nhau.

Triển khai 5 nhóm giải pháp trong PCTN

 

 Thủ tướng đề cao tinh thần chủ động trong PCTN của các cấp, ngành, địa phương (Ảnh: Cát Tường)

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng lưu ý: Trong quá trình xét xử các vụ, việc tham nhũng nói riêng và xét xử các vụ án nói chung, án tại hồ sơ, tội từ chứng cứ, đã là cơ quan pháp luật phải làm đúng pháp luật và khi xét xử phải làm sao đúng người, đúng tội. Đối với PCTN, cần ghi nhớ phòng và chống luôn luôn gắn bó nhau, trong đó phòng là chính. Hơn bao giờ hết, cần hướng vào các giải pháp nhằm tạo sự công khai để các thành viên toàn xã hội giám sát.

Cụ thể, tập trung vào 5 nhóm giải pháp cơ bản gồm: Một là, tiếp tục Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” gắn với trách nhiệm của người đứng đầu (cán bộ phải gương mẫu). Hai là, tiếp tục kiểm tra đôn đốc, cải cách thể chế, thủ tục hành chính (thuế, đất đai, chi tiêu công, đầu tư…) theo hướng công khai, minh bạch, phân cấp làm rõ trách nhiệm. Ba là, tích cực trong thanh tra, kiểm tra, kiểm toán: thường xuyên, trọng tâm, trọng điểm, qua đó kiến nghị hoàn thiện thêm, sửa đổi bổ sung, chính sách… đặc biệt trong bối cảnh đang triển khai Đại hội Đảng các cấp cơ sở tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng lần thứ XI hiện nay, việc làm này càng trở nên cấp thiết. Đồng thời cũng cần đảm bảo khách quan, nghiêm túc đề nghị trong xử lý vụ án, quan tâm tồn đọng, phối hợp các cơ quan liên quan (Tòa án, viện kiểm sát, cơ quan điều tra). Bốn là, ban hành quy chế phối hợp nội bộ. Năm là, Ban chỉ đạo Trung ương cố gắng thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ của mình.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: Thời gian qua, PCTN đã được các cấp ủy, lãnh đạo các cấp, ngành đặc biệt quan tâm. Công tác này tiếp tục được duy trì, được kiểm tra đôn đốc. Nhiều mặt, nhiệm vụ PCTN tiếp tục được triển khai thực hiện và đạt được những kết quả nhất định, thiết thực. Công tác tuyên truyền nâng cao, trách nhiệm, nhận thức và ý thức tự giác, trách nhiệm từng người, từng cấp ủy… cũng được chú trọng và từng bước được triển khai một cách sâu rộng. Thêm vào đó, còn tập trung xây dựng thể chế trong ngăn chặn, phòng ngừa tham nhũng và điều này được tất cả các ngành, các cấp tích cực và nghiêm túc làm.

Sự đồng thuận và quyết tâm cao của toàn cấp, bộ, ngành, địa phương   

 

 Nhiều đại biểu đồng tình PCTN cần quá trình dài lâu (Ảnh: Cát Tường)

Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết: Hiện, Thanh tra Chính phủ đã và đang hoàn thiện báo cáo trình Quốc hội về công tác PCTN thời gian qua. Sau 2 năm thực hiện Nghị quyết 03 (khóa X) về PCTN, đã có những chuyển biến tương đối tích cực, trước hết hoàn thành thể chế, hệ thống, triển khai nhiều giải pháp, nhiều vụ việc liên quan đến tham nhũng được thanh tra, điều tra, truy tố và xét xử, có tính chất răn đe kịp thời.

Dưới góc độ đánh giá và khảo sát, theo dõi của Thanh tra, những vụ việc tố cáo đang gia tăng, nổi cộm là trong lĩnh vực đất đai, mua sắm công, cổ phần hóa doanh nghiệp (liên quan tới định giá tài sản, cổ phần ưu đãi) và việc tố cáo có tính chất tập thể nhiều. Điều này đòi hỏi không chỉ ngành Thanh tra mà tất cả các cấp bộ ngành có liên quan cũng phải phối kết hợp để tiếp tục tích cực giải quyết. Tuy nhiên, cũng phải khẳng định sẽ vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp.

Đối với vấn đề kê khai tài sản, Thanh tra Chính phủ cũng kiến nghị việc kê khai tài sản với các nội dung về hướng dẫn, xác định đối tượng cần thực tế hơn; việc chuyển đổi công tác, luân chuyển cán bộ phải chú ý là theo yêu cầu, nhiệm vụ của công tác PCTN, chế độ trách nhiệm của người đứng đầu, chú trọng giải quyết đơn thư tố cáo. Cũng liên quan tới trách nhiệm của người đứng đầu, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Nguyễn Văn Được chia sẻ kinh nghiệm từ việc xử lý các vụ, việc thấy rằng, việc xử lý nhanh hay chậm đều có liên đới tới vai trò, vị trí và trách nhiệm của người đứng đầu. Nếu người đứng đầu cương quyết, không can thiệp quá sâu vào công việc của cơ quan chức năng thì việc điều tra xét xử, diễn tiến sẽ nhanh và kịp thời. Cũng liên quan tới nội dung về người đứng đầu và trách nhiệm của người đứng đầu, Bộ trưởng Bộ Công an Lê Hồng Anh đã kiến nghị cần có quy chế cụ thể hóa cho phù hợp.

 

Các đại biểu tại phiên họp về PCTN
(Ảnh: Cát Tường)

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp cho rằng: Cần phải bổ sung phát triển các chính sách mới để tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trên nền tảng hệ thống phát luật phù hợp và đảm bảo. Trong bối cảnh kinh tế thị trường, thiết nghĩ, hệ thống pháp luật cũng cần có hướng mở để cho chính các doanh nghiệp tự bào chữa cho những thiếu sót của mình, tập trung vào việc khắc phục hậu quả kinh tế hơn là “hình sự hóa” một số vụ việc, vụ án kinh tế, giải quyết theo hướng nhân văn – một nét đẹp truyền thống của dân tộc ta.

Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Trần Quốc Vượng tâm tư: Phải khẳng định PCTN là công việc lâu dài. Mong muốn loại trừ, ngăn chặn tham nhũng là đúng nhưng cần quá trình, không thể “một sớm một chiều”. Không thể phủ nhận có một sự chênh nhau giữa mong muốn với thực tế triển khai. Đó là điều không thể tránh khỏi bởi còn liên quan tới nhiều yếu tố tác động.

Từ tâm tư trên, có thể thấy rằng: PCTN là cả một quá trình, đòi hỏi sự kiên trì, bền bỉ và quyết tâm cao trong toàn cấp, bộ, ngành, địa phương cũng như sự ủng hộ của toàn xã hội./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực