Năm 2010: Tiếp tục phát huy hiệu quả của công tác phòng chống tham nhũng

Chủ nhật, 14/02/2010 15:24

 

Toàn hệ thống chính trị quyết tâm ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng - Ảnh: Cát Tường

(ĐCSVN) – Năm 2010 do ý nghĩa quan trọng, là năm cuối của kế hoạch 5 năm 2006-2010, năm tiến hành đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, do đó, hơn lúc nào hết, trong năm 2010 này, toàn Đảng, toàn dân cần tiếp tục nêu cao quyết tâm "ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí" góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của năm 2010 và của cả nhiệm kỳ.

Điều này được đưa ra trong Báo cáo tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2009 và phương hướng, nhiệm vụ công tác năm 2010 tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN 2009, triển khai công tác năm 2010 diễn ra cuối tháng 1 vừa qua.

Tập trung cho 8 nhiệm vụ trọng tâm

Mặc dù công tác PCTN đã có những chuyển biến tích cực nhưng so với yêu cầu nhiệm vụ của cuộc đấu tranh PCTN, công tác này trong năm 2009 và nhìn lại 3 năm triển khai Nghị quyết thì hiệu quả vẫn còn thấp, kết quả đạt được chưa như mong đợi và hầu hết các ý kiến đều nêu bật quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn quân và toàn dân trong công cuộc PCTN trong năm 2010, tiếp tục tổ chức triển khai có hiệu quả tinh thần Hội nghị TW 9 (khóa X) về công tác PCTN, lãng phí với 8 nhiệm vụ trọng tâm: 1- Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; 2- khẩn trương xây dựng, hoàn thiện các đề án, văn bản chương trình, kế hoạch đã đề ra đồng thời nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung hoặc cụ thể hóa các quy định đã ban hành nhằm hoàn thiện thể chế phòng, chống tham nhũng; 3- tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả các quy định về PCTN; 4- tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán, thanh tra, điều tra, truy tố, xét xử và sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phát hiện, xử lý các vụ việc tham nhũng; 5- tiếp tục kiện toàn tổ chức, nâng cao năng lực, chất lượng và hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo các cấp; 6- nâng cao trách nhiệm của người đứng dầu trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống tham nhũng; 7- tăng cường công tác giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp, MTTQ và các tổ chức thành viên; tăng cường công tác giám sát; 8- rà soát, xử lý kịp thời các vụ việc tham nhũng tồn đọng, các vụ việc mới phát sinh và các trường hợp tố cáo hành vi tham nhũng, làm rõ trách nhiệm cá nhân và tập thể vi phạm…

Nếu không thực hiện nghiêm sẽ làm mất lòng tin của nhân dân

Nếu công tác PCTN không được triển khai thực hiện hiệu quả thì không chỉ bị mất cán bộ; gây lãng phí, thiệt hại cho ngân sách nhà nước mà cái mất lớn nhất là mất đi lòng tin của nhân dân vào hệ thống chính quyền.

Bởi thế, phát biểu của đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư tại Hội nghị đã chỉ ra: về tình hình tham nhũng, Đảng ta đã nhiều lần nhận định: Tham nhũng gây hậu quả xấu về nhiều mặt, làm giảm sút lòng tin của nhân dân, là một trong những nguy cơ lớn đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ ta. Chính vì vậy, công tác phòng, chống tham nhũng luôn được Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong chỉ đạo, điều hành với mục tiêu được xác định đến năm 2010 là “Ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí…” .

Đồng chí Trương Tấn Sang cũng nêu rõ: Cần phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác PCTN; vai trò của các cơ quan báo chí trong PCTN. Công tác PCTN là một trọng tâm công tác lớn trong chỉ đạo, điều hành của cấp uỷ đảng, chính quyền; kiểm điểm việc thực hiện theo định kỳ, gắn với kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của cấp uỷ, chính quyền các cấp; là một trong các nội dung cần được quan tâm trong đại hội đảng bộ các cấp. Các cấp ủy phải trực tiếp chỉ đạo và thường xuyên kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu và chất lượng sinh hoạt các tổ chức cơ sở đảng và tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên; phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị; thực hiện tự phê bình và phê bình; chủ động phòng ngừa và phát hiện, xử lý kịp thời các vụ việc tham nhũng ngay trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị; cần cụ thể hóa tiêu chuẩn cấp ủy ... không tham nhũng và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng...

Phát huy hiệu quả từ chính công cuộc PCTN 2009

Năm 2009, PCTN đã có nhiều chuyển biến tích cực trên cả hai mặt phòng ngừa và xử lý các hành vi tham nhũng. Cụ thể trên từng lĩnh vực đều có những chuyển biến tích cực, đáng khích lệ.

Về công tác tuyên truyền, giáo dục PCTN: các cấp ủy đảng, chính quyền và các cơ quan chức năng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục PCTN, gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” về chống tham ô, lãng phí, quan liêu. Trong thông tin, tuyên truyền đã áp dụng nhiều hình thức thông tin phù hợp. Nhiều bộ, ngành, địa phương đã mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ chủ chốt và cơ sở, đưa nội dung PCTN vào chương trình bồi dưỡng ở các trường chính trị cấp tỉnh và Trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện. Đặc biệt, trong năm 2009, đã tổ chức 3 cuộc gặp mặt, biểu dương các nhân tố có thành tích trong PCTN, qua đó động viên kịp thời và nhân rộng các điển hình tốt, những người dũng cảm tố cáo, đấu tranh chống tham nhũng. Cũng trong năm 2009, có trên 40 tờ báo Trung ương và địa phương đưa 3955 tin, bài phản ánh về công tác PCTN, tăng nhiều so với năm 2008 (2773 tin, bài), đã thể hiện được vai trò và tính tích cực của báo chí trong PCTN. Mặc dầu vậy, các hoạt động tuyên truyền về PCTN vẫn còn chưa đồng đều, ở các cấp cơ sở còn hạn chế, một số cơ quan, đơn vị nhận thức chưa sâu về các giải pháp phòng ngừa tham nhũng; đưa tin của báo chí vẫn còn nặng về vụ việc, vụ án, cá biệt có tin, bài còn đưa một chiều, suy đoán, không phản ánh đúng bản chất của vụ việc, vụ án.

Về xây dựng hoàn thiện thể chế PCTN: Sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến, Chính phủ đã ban hành Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020 và Chủ tịch nước ký Quyết định phê chuẩn Công ước của Liên hợp quốc về PCTN, đến nay đã có 30 bộ, ngành, cơ quan ở TW và 59 tỉnh, thành phố trực thuộc TW ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược quốc gia PCTN đến năm 2020. Các ngành, các cấp theo thẩm quyền tiếp tục trình và ban hành nhiều văn bản để cụ thể hóa: ban hành 3 Quy chế phối hợp; phê duyệt Đề án đưa nội dung PCTN vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng; ban hành Quyết định về tổ chức, tên gọi, nhiệm vụ và quy chế hoạt động của bộ phận giúp việc Ban chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN. Nhiều văn bản đang được triển khai xây dựng. Đến nay, về cơ bản, hệ thống thể chế về PCTN đã được hoàn thiện, tạo cơ sở chính trị và pháp lý quan trọng cho công tác PCTN trước mắt cũng như lâu dài. Bạn bè quốc tế đánh giá cao nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong lĩnh vực này.

Về thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng: triển khai đồng bộ và hiệu quả việc công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; việc xây dựng và thực hiện các chế độ, định mức tiêu chuẩn; việc xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp; tiến hành chuyển đổi vị trí công tác của cán bộ, công chức, viên chức; xem xét sự minh bạch tài sản, thu nhập; xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra tham nhũng và cải cách hành chính, tất cả phục vụ cho mục tiêu cuối cùng PCTN thật sự có hiệu quả, mang lại niềm tin trong nhân dân và quốc tế đối với công cuộc đấu tranh PCTN, nâng cao tính liêm chính của hệ thống công quyền và uy tín quốc gia.

Về phát hiện và xử lý các hành vi tham nhũng: đảm bảo tính hiệu quả, sát sao và tính thống nhất trong phối kết hợp giữa công tác thanh tra, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, công tác kiểm toán cũng như công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nhằm giải quyết dứt điểm, kịp thời các vụ, việc liên quan đến tham nhũng, giải quyết tốt khâu khiếu nại, tố cáo. Tuy nhiên, so với yêu cầu nhiệm vụ đấu tranh chống tham nhũng, công tác này vẫn còn một số hạn chế, bất cập, vẫn còn đó một số vụ án nghiêm trọng, phức tạp do chất lượng điều tra trước đây còn hạn chế và sự phối hợp chưa đồng bộ giữa các cơ quan tiến hành tổ tụng dẫn đến thời gian xử lý còn kéo dài; một số địa phương phát hiện và xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng còn ít, chưa tương xứng với tình hình thực tế.

 

Hứa hẹn hiệu quả cao của công tác PCTN 2010 -
Ảnh: Cát Tường

Về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong PCTN: MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã có nhiều hoạt động phối hợp với các cơ quan nhà nước trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, nhất là các văn bản liên quan đến tổ chức bộ máy nhà nước, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức và công tác PCTN. Đồng thời đóng góp quan trọng trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về PCTN đến tận cơ sở và tăng cường giám sát hoạt động của bộ máy chính quyền và giám sát cán bộ, công chức, đảng viên ở khu dân cư.

MTTQ Việt Nam cùng cấp và các tổ chức thành viên đã chủ động phối hợp với Ban Chỉ đạo về PCTN ở nhiều địa phương trong xây dựng chương trình kiểm tra, đôn đốc về công tác PCTN trên địa bàn; tăng cường chỉ đạo thực hiện Nghị quyết chuyên đề về công tác PCTN, lãng phí; tập trung giám sát những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, vận động nhân dân giám sát, phát hiện, lên án, tố cáo, đấu tranh với các hành vi tham nhũng.

Trong năm 2009, Ban Chỉ đạo TW về PCTN đã tích cực phối hợp với Ủy ban TW MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên nhằm thúc đẩy công tác PCTN.

Về hợp tác quốc tế PCTN: sự kiện nổi bật nhất của năm 2009 được các quốc gia và quốc tế đánh giá cao chính là việc Việt Nam phê chuẩn Công ước của LHQ về chống tham nhũng, đưa nước ta tham gia vào khuôn khổ pháp lý toàn cầu cho sự hợp tác PCTN. Đã tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế, các đoàn đi học tập, trao đổi, nghiên cứu kinh nghiệm về PCTN ở nước ngoài, phối hợp với các cơ quan chức năng của nước ngoài trong việc xem xét, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng. Qua đó, giúp cho các nhà tài trợ và bạn bè quốc tế thấy rõ quyết tâm chính trị và những cố gắng của Việt Nam trong công tác PCTN.

Bước sang năm 2010, hy vọng với những cố gắng và quyết tâm của toàn hệ thống chính trị, công tác PCTN sẽ tiếp tục tạo được sự chuyển biến tiến bộ và hiệu quả tốt hơn, khẳng định tính đúng đắn trong chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về PCTN là đúng đắn và khả thi.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực