Giữ vững thương hiệu đặc sản “Mắm Châu Đốc”

Thứ ba, 21/04/2015 16:24

Được thiên nhiên ưu đãi với sông ngòi chằng chịt, 4 tháng mùa nước nổi (từ tháng 8 - 11 hàng năm) cho nguồn tôm, cá nước ngọt dồi dào, phong phú. Tiêu dùng không hết, người dân tỉnh An Giang đã nghĩ ra cách làm khô, làm mắm để dành sử dụng quanh năm.

 

 Đặc sản mắm các loại được bán tại chợ Châu Đốc. (Nguồn: nld.com.vn)

Từ một vài cơ sở ban đầu, ngày càng phát triển đến trên trăm cơ sở, đã biến con cá nước ngọt thành sản phẩm đặc sản “Mắm Châu Đốc” với hơn 30 loại mắm cá linh, cá lóc, cá trèn, cá sặc, cá chốt, cá sửu, mắm thái, mắm ruột... để sử dụng hoặc làm quà biếu.

Nghề làm mắm ở thành phố Châu Đốc đã có trên 100 năm, hiện có trên 100 hộ làm nghề nổi tiếng như: mắm Bà Giáo Khỏe, mắm Bà giáo Khỏe năm số 5, sáu số 6, mắm Cô Tư Ấu, mắm Bà Giáo Thảo, mắm cô Hai Xuyến... Ngoài cung cấp cho người tiêu dùng hàng ngày, đặc sản mắm Châu Đốc còn được các nhà hàng, quán ăn trong, ngoài tỉnh sử dụng, chế biến nhiều món ăn ngon đặc trưng.

Theo ông Nguyễn Phụng Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH MTV mắm Bà giáo Khỏe năm số 5, kiêm Chủ nhiệm CLB hỗ trợ doanh nghiệp Châu Đốc: Nghề làm mắm Châu Đốc phát triển trên nền truyền thống và nỗ lực của các cơ sở, doanh nghiệp. Sản phẩm Mắm Châu Đốc nổi tiếng là chú trọng an toàn vệ sinh thực phẩm, nhờ vậy đã giữ vững được thương hiệu đặc sản “Mắm Châu Đốc” xuất khẩu và tiêu thụ trong nước, thông qua các chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng... Trong mùa Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam (thành phố Châu Đốc) năm nay, sản phẩm tiêu thụ rất mạnh, tăng trên 50% lượng hàng so với các tháng bình thường.

Ông Nguyễn Phụng Hoàng cho biết thêm: sản xuất chế biến mắm bây giờ đã từng bước công nghệ hóa nhiều khâu, như: bào đu đủ, đánh vẩy cá, rang thính, cắt cá, dán nhãn... đáp ứng nhu cầu sử dụng tại chỗ hay mang đi xa, kéo dài thời hạn sử dụng từ 6 tháng đến 2 năm. Tuy qua nhiều thế hệ làm mắm, nhưng các cơ sở đều chọn lọc rất kỹ nguồn nguyên liệu thủy sản nước ngọt dồi dào có trong mùa lũ, là thời điểm cá có thịt thơm ngon, trắng, chắc hơn so với các tháng trong năm, được chao, ướp với đường thốt nốt và thính lấy từ gạo đặc sản của vùng Bảy Núi. Hiện mỗi năm Công ty sản xuất, chế biến, tiêu thụ trên 200 tấn sản phẩm mắm các loại, trong đó 70% xuất khẩu sang các nước châu Mỹ, châu Âu, Australia, Hàn Quốc và Campuchia, số còn lại tiêu thụ nội địa... Trong mùa Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam năm nay, sản phẩm của Công ty tiêu thụ tăng 40% lượng hàng so những tháng bình thường.

Ông Nguyễn Hoàng Ân, chủ cơ sở đặc sản Mắm Bà Ba Vui, ở xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú thì cho rằng: Hầu hết các loại cá nước ngọt đều làm được mắm, đặc biệt tất cả các khâu trong quá trình sản xuất mắm đều quan trọng, mới cho ra sản phẩm ngon đặc trưng. Đó là kinh nghiệm 3 đời làm mắm của gia đình ông. Cơ sở mắm Bà Ba Vui sản xuất 10 loại như: mắm cá linh, cá trèn, cá lóc, cá sặc, cá chốt, cá sửu.... nguyên con, cắt khúc, với trên 80 tấn mắm mỗi năm, tiêu thụ chủ yếu trong nước. Từ đầu mùa lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam đến nay, sản phẩm tiêu thụ tăng 50% so những tháng trước. Đây là cơ sở nhỏ, chỉ có 5 - 6 lao động, làm theo thời vụ từ tháng 8 đến tháng 12, sau đó mang ra bán phục vụ Tết Nguyên đán kéo dài đến qua Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam. Ông Nguyễn Hoàng Ân chia sẻ, gia đình ông đang hướng tới đưa công nghệ vào các khâu sản xuất để vừa rút ngắn thời gian vừa khắc phục thiếu nhân công lao động hiện nay.

Theo ông Mai Minh Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Châu Đốc, Châu Đốc nổi tiếng với Lễ Hội Vía Bà Chúa Xứ Núi Sam, hàng năm thu hút trên 4 triệu lượt du khách trong, ngoài tỉnh và quốc tế đến tham quan, hành hương, cùng với nhiều đặc sản đặc trưng, đặc biệt trong đó có thương hiệu “Mắm Châu Đốc” hiện tiêu thụ rất mạnh. Ông Hùng khẳng định, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất mắm muốn đứng vững, phải đảm bảo nhiều tiêu chuẩn trong nước và quốc tế, vì vậy thành phố Châu Đốc quan tâm tạo mọi điều kiện cho các cơ sở hoạt động, phát triển. Bên cạnh đó cũng xiết chặt công tác quản lý, kiểm tra nghiêm ngặt vệ sinh an toàn thực phẩm cho sản phẩm, đã được Bộ Y tế công nhận đạt dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm, không chứa các chất phụ gia độc hại. Bên cạnh đó hỗ trợ cho 40 doanh nghiệp, cơ sở xây dựng nhãn hiệu tập thể, đã được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu độc quyền số 4-0093984-000 ngày 03/01/2008 gồm 6 màu: vàng tươi, đỏ tươi, xanh dương, đen, trắng, xám…. Trong thời gian tới, thành phố Châu Đốc tiếp tục phối hợp với Chi Cục an toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, duy trì hàng tháng, hàng quý kiểm tra, nhắc nhở các cơ sở thực hiện đúng các tiêu chuẩn.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực