Kỹ sư nông nghiệp với tình yêu cây lúa

Thứ sáu, 23/05/2014 17:44

Hơn 30 năm gắn bó với ruộng đồng, kỹ sư Hồ Quang Cua, nguyên Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng và các cộng sự đã nghiên cứu thành công hơn 10 giống lúa thơm nổi tiếng, trở thành sản vật của địa phương mang thương hiệu "lúa thơm Sóc Trăng", ký hiệu ST.

Sinh ra và lớn lên tại vùng quê nghèo thuộc xã Hòa Đông, huyện Vĩnh Châu (nay là thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng), thấu hiểu nỗi vất vả của người nông dân, “một nắng hai sương", chàng trai trẻ Hồ Quang Cua quyết tâm thi vào khoa Nông nghiệp Trường Đại học Cần Thơ với mong muốn tìm cách giúp người nông dân thoát nghèo nhờ cây lúa. Ông chia sẻ: “Tôi cũng không biết mình bắt đầu mê cây lúa từ khi nào, chỉ biết đau đáu nhớ về tuổi thơ của mình gắn liền với những ngày lội ruộng kéo mạ, cấy lúa với cha anh”.

Ra trường, ông về công tác tại phòng Nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Cơ duyên đến với cây lúa thơm đối với ông là vào đầu thập niên 90, lúc đó Sóc Trăng còn là một tỉnh nghèo, kinh tế chưa phát triển. Ngày ấy, những kỹ sư trồng trọt lội đồng cùng bà con đã cảm nhận được nhu cầu bức bách trước mắt là làm sao có được giống lúa thích nghi với vùng nước lợ và cận nước lợ. Từ tâm huyết ấy, năm 1991, nhóm cán bộ ngành nông nghiệp Sóc Trăng, trong đó có ông đã bắt tay vào việc chọn tạo lúa thơm ở Sóc Trăng.

Giai đoạn khởi đầu từ năm 1991 đến 1997, ông và các cộng sự bắt đầu việc trồng và so sánh tập đoàn lúa mùa thơm tại địa phương với giống lúa thơm Khao Dawk Mali 105 của Thái Lan. Kết quả, nhóm nghiên cứu của ông đã chọn được KDM105 để phát triển tại vùng nước lợ Vĩnh Châu với quy mô lên đến 5.000 ha. Tiếp tục nghiên cứu, cuối năm 1997, ông và các cộng sự nhận được nguồn VĐ20 từ ngoài Bắc chuyển vào. Giai đoạn tiếp theo, nhóm của ông tiếp tục sưu tập tuyển chọn, đến năm 2001, từ giống VĐ20 đã phát hiện một dòng biến dị tự nhiên, đặt là ST3. Giống ST3 được trồng thử nghiệm lên đến hàng vạn ha từ Nam ra Bắc và duy trì ở vùng ven biển.

Từ năm 2003 đến 2007, nhóm nghiên cứu của ông đạt được nhiều thành tựu, hàng loạt giống ST mới ra đời như ST5, ST8. Bên cạnh đó, nhóm còn chủ động tổ chức lai tạo được các giống lúa có phẩm chất cao cấp như ST16, ST19, ST20, ST21. Riêng ST20, cho hạt gạo thon dài, cơm mềm dẻo, thơm hương dứa và hương cốm.

Để chọn được những giống lúa thơm phù hợp với người tiêu dùng, ngoài việc áp dụng các tiêu chí, ông Cua và các cộng sự còn tổ chức những cuộc hội thảo, tham quan đánh giá giống và những cuộc thi “cơm nào ngon hơn”, “cơm ngon thương hiệu Việt”... tại các cuộc triển lãm, hội chợ trong và ngoài tỉnh nhằm quảng bá cho lúa thơm ST. Nhờ đó, cây lúa thơm đã được nông dân lựa chọn gieo trồng trên những cánh đồng mẫu lớn, tạo nên những vùng sản xuất quy mô liên xã, diện tích lên đến vài ngàn hecta. Nhiều mô hình mẫu được hình thành từ các giống lúa thơm Sóc Trăng như mô hình áp dụng các biện pháp sinh học bảo vệ thực vật trên ruộng lúa thơm ST5 luân canh với nuôi tôm sú; mô hình cánh đồng mẫu liên hoàn hàng ngàn hecta trồng lúa thơm ST ở vùng chuyên lúa; mô hình thu nhập 40 – 50 triệu đồng/ha/vụ với giống lúa thơm ST được triển khai hàng vạn hecta.

Các mô hình trên đã được lãnh đạo Đảng, Nhà nước và ngành Nông nghiệp đến thăm quan, động viên, khích lệ, giúp ông và các cộng sự có thêm động lực tiếp tục nghiên cứu cho ra đời những giống lúa mới cho năng suất, chất lượng cao…

Lúa thơm ST đã góp phần đưa sản lượng lúa ở tỉnh Sóc Trăng có sự bứt phá ngoạn mục. Năm 2011, sản lượng lúa ở Sóc Trăng đạt hơn hai triệu tấn, vươn lên tốp đầu những tỉnh sản xuất lúa lớn nhất trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Mang lại hiệu quả kinh tế cao, các giống lúa thơm Sóc Trăng đã đạt được giải thưởng Bông Lúa Vàng năm 2002; giải nhất hội thi Gạo Ngon Việt Nam năm 2011; giải thưởng Bông Lúa Vàng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2012; Bằng chứng nhận top 100 sản phẩm nổi tiếng của Việt Nam cho sản phẩm gạo thơm ST năm 2013.

Với những thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo, góp phần vào sự nghiệp xây dựng xã hội chủ nghĩa và bảo vệ Tổ quốc, năm 2011, Kỹ sư Hồ Quang Cua vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương lao động hạng Nhất.

Là 1 trong 19 cá nhân được vinh danh tại Chương trình “Vinh quang Việt Nam” lần thứ XI tổ chức ngày 23/5, tại Thủ đô Hà Nội, ông chia sẻ: Đây là phần thưởng cao quý góp phần khích lệ, động viên các tập thể, cá nhân tiếp tục nỗ lực vượt khó cống hiến nhiều hơn nữa cho xã hội trên tất cả các lĩnh vực…/.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực