Cô giáo Hòa của học trò Ma Nới

Thứ hai, 05/12/2022 11:37
(ĐCSVN) - Công tác tại trường mẫu giáo Hoa Đào, xã miền núi Ma Nới thuộc huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận tới nay đã 8 năm, cô giáo Mang Thị Hồng Hòa chia sẻ, mỗi ngày đến trường cô luôn mang theo tâm trạng vui tươi, tràn đầy tình yêu thương con trẻ dù học trò của cô rất nghèo và mái trường nơi cô gắn bó còn nhiều lắm những khó khăn.

Huyện Ninh Sơn quê hương của cô giáo Hồng Hòa là huyện miền núi của tỉnh Ninh Thuận. "Nơi đây nghèo lắm, hơn 95% dân số là dân tộc Raglay nên đa số người dân vẫn thiếu thốn cả về vật chất, lẫn tinh thần. Các em học sinh hầu hết thiếu cái ăn, cái mặc, thiếu đồ dùng học tập, có em thiếu cả sự quan tâm từ cha mẹ", cô giáo sinh năm 1993 xót xa khi nghĩ tới học trò.

Tuy vậy, cô Hòa cho biết, được sự hỗ trợ, quan tâm kịp thời của các cấp lãnh đạo địa phương, trên hết là tình cảm với học trò nghèo, đội ngũ giáo viên trường mẫu giáo Hoa Đào đã không bỏ cuộc, nỗ lực vì học sinh thân yêu bằng những việc làm thiết thực như: thành lập ban vận động, động viên, chia sẻ với học sinh, gần gũi để nắm bắt tình hình kịp thời có hướng giúp đỡ các em; duy trì đủ sĩ số lớp và vận động các ban ngành, đoàn thể, hội cha mẹ học sinh cùng chung tay, góp sức với nhà trường để thực hiện tốt việc chăm sóc trẻ.

Cô giáo Hòa bên những học trò nhỏ của mình 

Không chỉ giúp đỡ động viên, hỗ trợ các gia đình để trẻ được tới trường, cô Hoa còn tích cực hỗ trợ ngay chính đồng nghiệp của mình. "Giáo viên có nhà ở ngay tại huyện như tôi thì ít mà chủ yếu là giáo viên từ đồng bằng lên công tác. Việc đi lại của thầy cô gặp nhiều khó khăn, đường xá xa xôi, cách trở, vượt qua núi cao, rừng sâu nên phải ở lại thì thầy cô mới có thể làm tốt công tác giảng dạy cũng như vận động học sinh ra lớp đảm bảo sĩ số. Đặc biệt, với thầy cô mới nhận nhiệm vụ, cùng với dành thời gian chia sẻ để thầy cô vơi đi nỗi nhớ nhà, nắm được địa bàn sớm nhất, tôi còn giúp các thầy cô hiểu về phong tục, tập quán của đồng bào. Có thầy cô không biết tiếng dân tộc, tôi đã nhiệt tình hướng dẫn để thầy cô có thể giao tiếp được bằng tiếng Raglay với phụ huynh, học sinh", cô Hồng Hòa cho hay.

Ngược lại với thầy cô, học trò nhỏ ở trường mầm non thì hầu hết lại không biết tiếng Việt nên lúc đầu, các em vô cùng bỡ ngỡ. "Tâm trạng chán lớp, chán trường ở những ngày đầu tiên đi học không có gì lạ lẫm!", cô Hòa kể.

Gần gũi, động viên trẻ, với vai trò là tổ trưởng chuyên môn, cô còn truyền cảm hứng học tập cho học trò, được nhà trường cũng như phụ huynh học sinh ghi nhận. Đặc biệt, cô đã không ngừng sáng tạo, tìm giải pháp phù hợp để học sinh tiến bộ trong học tập, giao tiếp, cũng như rèn luyện kĩ năng trong đó có sáng kiến “Một số biện pháp xây dựng môi trường chữ viết cho trẻ 5-6 tuổi phù hợp với bối cảnh địa phương tại trường mẫu giáo Hoa Đào”.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ngô Thị Minh và Bí thư thường trực Trung ương Đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam Nguyễn Ngọc Lương trao bằng khen và biểu trưng của chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2022 cho cô Mang Thị Hồng Hòa 

Trong 8 năm công tác, nhiều năm liên tiếp cô Hòa luôn duy trì sĩ số đạt 100%, chất lượng học sinh đảm bảo. Cô là giáo viên có thành tích xuất sắc trong “thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc trên địa bàn huyện Ninh Sơn” giai đoạn 2014-2019 và là Chiến sĩ thi đua cấp huyện.

Với thành tích đó, cô vinh dự được là 1 trong 68 giáo viên tiêu biểu được tuyên dương trong chương trình "Chia sẻ cùng thầy cô" năm 2022 do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tập đoàn Thiên Long tổ chức nhân 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam.

"Tôi cảm thấy rất may mắn khi được làm việc trong môi trường đầy yêu thương. Vì thế, mỗi ngày đến trường, tôi luôn mang theo tâm trạng vui tươi, phấn khởi, tràn đầy tình yêu thương con trẻ, luôn trân quý công việc mình đang đảm nhiệm và thầm hứa tiếp tục góp công sức nhỏ của mình vào sự nghiệp "trồng người" tại quê hương Ninh Sơn.

Vì trường mẫu giáo Hoa Đào đóng trên địa bàn xã đặc biệt khó khăn, 100 học sinh của tôi chủ yếu đều là hộ nghèo nên tôi chỉ mong chế độ ăn trưa và chế độ ưu đãi cho trẻ được duy trì cũng như có chính sách ưu đãi cho cán bộ giáo viên để yên tâm ổn định cuộc sống, toàn tâm, toàn ý cho công việc", cô giáo công tác tại xã vùng sâu xa, cách trở nhất của tỉnh Ninh Thuận bày tỏ./.

Cẩm Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực