Giải pháp thúc đẩy đầu tư, xúc tiến thương mại sản phẩm nông nghiệp vùng sâu, vùng xa

Thứ năm, 15/12/2022 12:15
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Nhằm thay đổi phương thức “tự cung tự cấp”, kích hoạt khả năng phát triển kinh tế vùng sâu, vùng xa, cả trung ương và địa phương đều đề ra nhiều giải pháp thu hút đầu tư, xúc tiến nhằm đưa hàng hoá vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào các hệ thống phân phối uy tín trong và ngoài nước, tạo thương hiệu sản phẩm, tạo vùng sản xuất có uy tín.

Những sản phẩm mang đậm dấu ấn riêng

Đến với Tà Xùa – một vùng núi cao nhất của tỉnh Sơn La vào một ngày tháng 11, ngồi trò chuyện với chị Phạm Thị Việt Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc bên ly trà Shannam – sản phẩm của công ty, chúng tôi cảm nhận hương vị của núi rừng Tây Bắc được chắt lọc trong tách trà ấm nóng, và càng thấy mình may mắn bởi nhờ có sự quảng bá, mới được biết đến một đặc sản của vùng núi cao này. Chị Hà cho biết, năm 2015, Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc – TAFOOD được thành lập, khởi động cho hành trình mang trà Shannam Tà Xùa xuống núi. Cây chè trên vùng núi cao ngon nổi tiếng, nhưng do chưa có quảng bá nên chỉ có người địa phương biết đến và sử dụng. Thời gian đầu mới thành lập vô cùng khó khăn, đồng thời với việc phát triển thương hiệu, công ty còn phải tham khảo ý kiến chuyên gia để hướng dẫn bà con cách chăm sóc cây chè, thu hái, sao chè.... Đến nay, thương hiệu Chè shannam của Công ty được tổ chức Tea Epicure của Hoa Kỳ xếp vào top 1 dòng trà xanh trên thế giới, đã tạo được thương hiệu riêng, nhiều người biết đến và đón đợi sản phẩm...

Các sản phẩm của Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc mang đậm hương sắc núi rừng.

Chị Hà cho biết, để đưa sản phẩm của bà con ra ngoài không dễ, thứ nhất, cần định hình được một cái tên riêng, bảo lãnh cho vùng đó và đưa được ra phẩm trà tốt nhất, chuẩn nhất. Bên cạnh đó cũng phải quan tâm đến việc gắn phát triển thương hiệu vào phát triển đời sống của người dân trong khu vực. “Công ty chủ trương xây dựng thương hiệu trà SHANAM với mục tiêu phát triển cây chè Shan Tuyết và giúp bà con vùng cao Tà Xùa ( Sơn La) và Văn Chấn (Yên Bái) có thể ăn no mặc ấm nhờ cây chè”. Do đó, toàn bộ sản phẩm của công ty đều được khai thác từ vùng chè shan tuyết cổ thụ từ 100 năm tuổi, được thu hái thủ công. Đến nay, công ty đã phát triển ra hàng chục dòng sản phẩm mang giá trị gia tăng cao, phục vụ nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng; đồng thời xuất khẩu ra một số nước.

Ngoài ra, kết hợp với du lịch, công ty đã xây dựng một homstay, để khách du lịch vừa được khám phá vùng núi Tà Xùa xinh đẹp, được hít thở không khí trong lành của những cánh rừng chè cổ thụ hàng trăm tuổi, vừa được thưởng thức hương vị chè đặc sản được kết tinh từ tinh túy của trời đất; lại vừa có thể mang về tặng bạn bè những món quà quý giá này.

Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động của công ty. Mặc dù Nhà nước có rất nhiều các Chương trình thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tỉnh cũng đưa ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhưng để tiếp cận chính sách hỗ trợ cũng là bài toán nan giải - Bà Hà chia sẻ.

Giới thiệu sản phẩm tới du khách ở Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc .

Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc chỉ là một trong hàng nghìn doanh nghiệp có đầu tư tại vùng đồng bào DTTS và miền núi, hưởng các cơ chế thu hút của Chính phủ cũng như của địa phương. Tính chung trong 10 năm qua (2011-2021), các cơ chế, chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ phát triển thương mại ở vùng đồng bào DTTS & MN được triển khai đồng bộ, có hiệu quả, trong đó chú trọng phát triển hạ tầng thương mại, khuyến khích phát triển thương nhân, các loại hình doanh nghiệp đầu tư, phát triển hoạt động thu mua, quảng bá sản phẩm hàng hóa nông lâm thủy sản tại các địa phương, đáp ứng phần lớn nhu cầu cho sản xuất và đời sống của nhân dân; đào tạo nguồn nhân lực cho hơn 4.000 doanh nghiệp; hình thành vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả cao, xây dựng và phát triển được một số thương hiệu nông sản hàng hóa được thị trường trong nước và quốc tế biết đến như: mật ong rừng Sơn Động, Chè san tuyết, Cam Cao Phong, miến dong Bắc Kạn; đã xây dựng hàng trăm Điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP; xây dựng và phát triển hoạt động đối với chợ miền núi, vùng sâu, vùng xa theo hướng kết nối, phát triển hạ tầng thương mại.

Đồng thời với đó, Chính phủ cũng đã ban hành 11 Chương trình KH&CN có liên quan đến vùng đồng bào DTTS đã thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển ở vùng này.

Trong vòng 10 năm, ngành Công Thương cũng đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư khu vực này; hỗ trợ đưa hàng hoá vùng đồng bào DTTS&MN vào các hệ thống phân phối lớn, lồng ghép vào các Chương trình kết nối hàng hoá sản xuất trong nước, thúc đẩy tiêu thụ hàng hoá cho đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm hàng hoá theo chuỗi cung ứng, hỗ trợ ổn định về giá….

Mặc dù có nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, tuy nhiên, việc kêu gọi đầu tư vào vùng dân tộc thiểu số và miền núi còn chưa được như kỳ vọng. Theo nhiều doanh nghiệp, những vùng đặc thù này đất đai hạn chế, manh mún do là vùng núi; dân cư thưa thớt dẫn đến khó tuyển nhân công; chi phí vận chuyển hàng hóa cao; suất đầu tư lớn. Bên cạnh đó, tiếp cận với các chính sách ưu đãi lại không dễ dàng bởi những điều kiện đi kèm... gây khó cho doanh nghiệp. Việc hỗ trợ giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm được chú trọng hơn cả, tuy nhiên, vẫn phải trông chờ vào sự năng động của doanh nghiệp.

Hỗ trợ để doanh nghiệp nâng cao năng lực quảng bá và tiêu thụ sản phẩm

Chia sẻ kinh nghiệm trong việc thu hút đầu tư và quảng bá sản phẩm, ông Lộc Kim Liễn, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tuyên Quang cho biết, tỉnh luôn quan tâm đến chất lượng hàng hóa, cũng như phát triển thương hiệu hàng hóa cho sản phẩm nông sản. Ngoài các chính sách hỗ trợ chung, tỉnh còn hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tiêu thụ hàng hoá qua rất nhiều kênh phân phối, cả truyền thống và hiện đại. Đặc biệt là trong năm vừa qua, tận dụng việc phát triển du lịch - văn hóa, tỉnh coi đây là kênh tiêu thụ hữu ích, giúp cho bà con nông dân ở vùng sâu vùng xa có thể bán cũng như giới thiệu được sản phẩm đến với thị trường cả nước. Nhiều sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đã tạo được thương hiệu và chỉ dẫn địa lý như cam sành, bưởi, chè shan tuyết tỉnh Tuyên Quang, được nhiều khách hàng ưa chuộng và tin dùng.

Cam Hàm Yên (Tuyên Quang) đã được chỉ dẫn địa lý. 

Tuy nhiên, ngoài việc trung ương và địa phương có chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp vùng dân tộc thiểu số, theo bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, doanh nghiệp và người dân khu vực này cần phải tận dụng hơn nữa thế mạnh về tiềm năng sản phẩm, không chỉ là sản phẩm xanh, sạch, hữu cơ mà còn ở giá trị quý hiếm và đặc sắc, mang đậm bản sắc, truyền thống văn hoá dân tộc và phần nào phản ánh thương hiệu của Việt Nam.

Còn theo TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng, để sản phẩm của bà con vùng đồng bào DTTS&MN có chỗ đứng trên thị trường, lên tầm cao mới thì các sản phẩm cũng phải đáp ứng được xu hướng tiêu dùng xanh, an toàn, chất lượng, đáp ứng được với xu thế tiêu dùng mới. Đây là áp lực và đòi hỏi của thị trường. “Nếu sản phẩm mang tính nhân văn, trách nhiệm xã hội cao, chữ “xanh” của doanh nghiệp càng đậm thì chắc chắn được thị trường đón nhận”, TS Thành nhận định.

Còn theo Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, việc kết hợp giữa du lịch và nông nghiệp sẽ cho ra hiệu quả rất lớn. “Sự kết hợp như vậy giúp cho thay đổi dần quy mô cũng như tính chất và hiệu quả của hoạt động du lịch, cũng như tạo điều kiện cho sự phát triển của nông nghiệp”. Thông qua du lịch, du khách thưởng thức nông sản tại vườn tạo nên sự trải nghiệm mới, đây cũng là một kênh tiêu thụ tại chỗ, giúp cho hoạt động sản xuất nông nghiệp có đầu ra một cách đều đặn hơn và hiệu quả cao hơn. Hơn nữa điều này còn giúp quảng bá trực tiếp thông qua những phản ánh của du khách về các đặc sản đó và từ đó làm tăng giá trị, sức hấp dẫn của các sản phẩm nông nghiệp gắn với vùng du lịch – ông Thông nêu ý kiến.

 Các sản phẩm phải đáp ứng được xu hướng tiêu dùng xanh, an toàn, chất lượng. Ảnh: TQ

Theo bà Lê Việt Nga, hiện nhiều công ty đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện mô hình thương mại hai chiều: cung cấp những hàng hóa thiết yếu cho bà con ở vùng sâu, vùng xa, đồng thời thu mua lại những sản phẩm hàng hóa cho bà con làm ra để tạo thu nhập cho họ. Đây cũng là một cách để doanh nghiệp thu được hiệu quả sản xuất kinh doanh được tốt hơn. Ngoài ra, doanh nghiệp cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, ứng dụng công nghệ sinh học trong chế biến; kiểm soát về an toàn thực phẩm.

Cơ quan chức năng cũng cần chú ý đào tạo nguồn nhân lực về quản lý nhà nước, về kinh doanh cho bà con DTTS, cho các doanh nghiệp hoạt động tại vùng để hỗ trợ cho việc tiêu thụ hàng hóa một cách thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, tiếp tục kết nối đưa hàng hóa là lợi thế của các khu vực này vào các kênh phân phối trên thị trường trong nước và ngoài nước; thúc đẩy và thực hiện các chính sách khuyến khích, ưu đãi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển hạ tầng thương mại vùng đồng bào DTTS&MN, qua đó thúc đẩy hoạt động thương mại, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao thu nhập của người dân, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực đặc biệt quan trọng này./.

Thương Huyền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực