Nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình mục tiêu quốc gia đã giúp đồng bào DTTS an cư

Thứ tư, 06/09/2023 11:11
(ĐCSVN) - Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 được chia thành 10 dự án thành phần với các tiểu dự án. Trong đó, Dự án 1 về giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt nhằm hướng tới mục tiêu giúp đồng bào dân tộc thiểu số nghèo.

Ngày 23/2/2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang thay mặt Thủ tướng đã ký Quyết định 04/2023/QĐ-TTg, trong đó có quy định về mức hỗ trợ và cơ chế hỗ trợ sử dụng vốn đầu tư công để thực hiện một số nội dung thuộc Dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025. Cụ thể là hỗ trợ tối đa 40 triệu đồng/hộ để xây dựng một căn nhà theo phong tục tập quán của địa phương, bảo đảm 3 cứng (nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng). Ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách trung ương và bố trí từ ngân sách địa phương, các địa phương huy động thêm các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện hỗ trợ về nhà ở, bảo đảm hoàn thành các mục tiêu của chương trình.

Trên cơ sở chủ trương này, nhiều địa phương đã đẩy nhanh triển khai dự án nhằm kịp thời hỗ trợ người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn về nhà ở sớm được an cư, phấn khởi xây dựng cuộc sống mới.

Sóc Trăng: Đẩy nhanh tiến độ giải ngân hỗ trợ đồng bào DTTS nghèo xây nhà

Triển khai dự án, huyện Trần Đề (Sóc Trăng) đã tập trung triển khai đầu tư nhiều công trình cấp thiết, trong đó có nhà ở cho hộ nghèo. Qua đó, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, giúp đồng bào an cư, vươn lên thoát nghèo.

Bàn giao nhà mẫu cho người dân ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Ảnh: XC 

Tại thị trấn Lịch Hội Thượng, nhiều căn nhà tường mới đã được xây dựng kịp thời trong mùa mưa năm nay, giúp nhiều hộ dân là đồng bào Khmer không còn lo nhà dột khi vào mùa mưa bão. Là một trong những hộ dân được hỗ trợ nhà ở từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, gia đình ông Thạch Tương ở ấp Hội Trung, thị trấn Lịch Hội Thượng vui mừng khi căn nhà mới của gia đình sắp hoàn thiện. Là cựu chiến binh tuổi đã cao, sức yếu, nhiều năm qua, ông Tương cùng gia đình chung sống trong căn nhà đã cũ, xuống cấp nặng. Khi được Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng (bao gồm 40 triều đồng là nguồn hỗ trợ của Trung ương và 4 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ thêm của địa phương), gia đình ông góp thêm hơn 10 triệu đồng để xây nhà mới.

Ông Thạch Tương chia sẻ niềm vui: “Được Nhà nước quan tâm hỗ trợ để xây dựng nhà mới, tôi và gia đình rất cảm động và biết ơn. Bây giờ gia đình tôi không còn lo lắng khi tới mùa mưa phải lấy xô, chậu hứng nước trong nhà do mái bị dột nhiều nơi”. Hiện căn nhà tường đảm bảo 3 cứng: nền cứng, khung - tường cứng, mái cứng của gia đình ông Tương đã cơ bản hoàn thành, chỉ còn lót gạch nền cho căn nhà khang trang hơn.

Nói về căn nhà vừa được xây xong, chị Liêu Thị Phết ở thị trấn Lịch Hội Thượng chia sẻ: “Cuộc sống gia đình khó khăn, nguồn thu nhập chính của hai vợ chồng từ làm công nhân, làm thuê. Việc lo cái ăn, cái mặc cho con cũng được chúng tôi ưu tiên hàng đầu”. Vì vậy, dù phải sống trong ngôi nhà cấp 4 dột nát, song gia đình cũng không có điều kiện để sửa chữa, cải tạo. Đúng lúc khó khăn nhất, gia đình chị Phết được hỗ trợ 44 triệu đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia để xây nhà ở. “Từ số tiền này, gia đình tôi đã xây được căn nhà mới với diện tích 32m2. Giờ đây, vợ chồng tôi chăm chỉ làm ăn để chăm lo cho cuộc sống” - chị Phết thổ lộ.

Trên địa bàn huyện Trần Đề có hơn 200 hộ được thụ hưởng nguồn vốn hỗ trợ nhà ở từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Ngoài nguồn vốn được hỗ trợ, từng gia đình có thể đối ứng thêm chi phí để xây nhà khang trang hơn.

Theo ông Thạch Văn Mến - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Trần Đề cho biết, hiện nay, 10 xã, thị trấn có người dân thiểu số được thụ hưởng chương trình đang tích cực đẩy nhanh tiến độ thực hiện, ước có khoảng 60 căn nhà được xây dựng hoàn thành. Thời gian qua, Phòng Dân tộc đã phối hợp các ban, ngành, đoàn thể của huyện thẩm định danh sách các hộ được thụ hưởng, khảo sát thực tế để đảm bảo các hộ nghèo được hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng. Sắp tới, Phòng Dân tộc huyện sẽ thành lập đoàn đi kiểm tra, giám sát các địa phương thực hiện nhằm đảm bảo việc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Gia đình anh Triệu Si Nê, sống tại ấp Sóc Bưng thuộc xã Thạnh Phú - là 1 trong 3 ấp đặc biệt khó khăn của huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng). Gia đình không đất sản xuất, anh sống cùng mẹ nay bệnh mai đau, ai thuê gì làm nấy nên chỉ đủ trang trải qua ngày. Nhờ được hỗ trợ căn nhà trị giá 44 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với anh em đi làm xa phụ thêm ít vốn, căn nhà nay đã trở nên khang trang. Ngoài nhà ở, từ dự án 1 của Chương trình mục tiêu quốc gia này, anh còn được hỗ trợ dụng cụ chứa nước lên đến 2.000 lít, trị giá 3 triệu đồng. Lồng ghép cùng với Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, anh còn được hỗ trợ 1 con bò cái sinh sản, thế là anh đề nghị xã cho anh tiếp cận với tín dụng ưu đãi để mua thêm bò và xin thoát nghèo. Anh chia sẻ: Nhà không còn bị dột mỗi khi trời mưa, có bò để chăn nuôi, có bồn nước sử dụng… Tôi rất mừng và sẽ cố gắng nhân lên nhiều con bò nữa để cuộc sống ổn định.

Căn nhà mới hoàn thành cách nay không lâu trong niềm hạnh phúc vỡ òa của 4 thành viên gia đình chị Lâm Thị Khung. Không đất sản xuất, chị Khung thì giúp việc trong xóm, anh thì làm hồ, hai đứa con nhỏ cũng đi làm thuê. Dù cố gắng nhưng cũng chỉ đủ sống qua ngày, ước mơ xây căn nhà mới để thoát khỏi tình cảnh dột trước dột sau vào những ngày mưa giông là điều xa vời lắm. Thế nhưng, nhờ Dự án 1 Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chị Khung không chỉ có căn nhà vững chắc mà còn được hỗ trợ dụng cụ chứa nước. Chị Khung chia sẻ: Tôi vô cùng biết ơn đối với chính sách chăm lo của Đảng và Nhà nước dành cho những hộ Khmer còn khó khăn như gia đình tôi. Có được sự quan tâm này là nguồn động viên tinh thần vô cùng to lớn để gia đình tôi chí thú làm ăn, thoát khỏi hộ nghèo.

Xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên có gần 58% hộ Khmer sinh sống, trên địa bàn có 4 dự án thụ hưởng gồm: Dự án 1, dự án 3, dự án 4 và dự án 8. Đối với Dự án 1, xã được hỗ trợ 17 căn nhà. Hiện xã đang khẩn trương triển khai đến các hộ thụ hưởng. Đồng chí Phú Việt Bền - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Phú, huyện Mỹ Xuyên cho biết: Xã đã làm các bước công khai, bình nghị ra dân chọn xét đối tượng và đã đề nghị lên huyện ra quyết định phê duyệt. Xã sẽ cố gắng triển khai đúng tiến độ, phấn đấu đến cuối tháng 9 triển khai dứt điểm.

Đối với nội dung hỗ trợ nhà ở từ Dự án 1 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, năm 2022 huyện Mỹ Xuyên được hỗ trợ 38 căn nhà và năm 2023 được hỗ trợ 48 căn nhà. Hiện huyện đã xây dựng hoàn thành 14 căn.

Ông Thạch Dương Nhanh - Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mỹ Xuyên cho biết: Năm 2022, huyện Mỹ Xuyên được phân bổ 5 dự án, năm 2023 được phân bổ 6 dự án. Được sự quan tâm của các đồng chí lãnh đạo cấp trên đã chỉ đạo trực tiếp, giao các ngành, các xã phải thực hiện giải ngân từ đây đến cuối tháng 9/2023 cho xong các dự án.

Tính đến cuối tháng 7/2023, tiến độ giải ngân Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt 27,59%. Tuy nhiên, do cơ chế hướng dẫn đối với nhiều dự án của Trung ương ban hành còn chậm, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tiến độ giải ngân còn chậm, cùng một số nguyên nhân chủ quan. Hiện Ban Dân tộc tỉnh đang tập trung chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, đẩy mạnh tiến độ giải ngân nguồn vốn cả trong năm 2022 chuyển tiếp và trong năm 2023 này.

Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng Lý Rotha cho biết: Để đẩy mạnh tiến độ giải ngân theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Ban Dân tộc được giao nhiệm vụ là cơ quan Thường trực tham mưu UBND tỉnh triển khai Chương trình. Do đó, rất mong các địa phương quan tâm đẩy mạnh truyền thông chính sách về chương trình, hằng năm rà soát ban hành văn bản cơ chế quản lý theo thẩm quyền để tổ chức triển khai kịp thời cho đối tượng thụ hưởng, chủ động đẩy nhanh triển khai các nội dung thành phần mang tính chất hỗ trợ trực tiếp, như hỗ trợ nhà ở, đất ở, hỗ trợ chuyển đổi nghề, hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán, triển khai các mô hình đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người dân. Trong quá trình triển khai, nếu gặp vướng mắc thì báo cáo kịp thời để tháo gỡ. Hằng năm, UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các ngành chuyên môn rà soát và đăng ký vốn đầu tư phát triển phải sát với các công trình thực tế, tránh tình trạng thừa vốn khi triển khai mà phải điều chỉnh nguồn vốn đã được phân bổ. Giai đoạn 1 (2021 - 2025), Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số gồm 10 dự án, 14 tiểu dự án, 36 nội dung thành phần với 180 hoạt động. Tổng kinh phí thực hiện Chương trình ở tỉnh Sóc Trăng dự kiến trên 2.130 tỷ đồng. Hiện tỉnh đang đẩy mạnh tiến độ giải ngân Chương trình mục tiêu quốc gia này để đồng bào dân tộc thụ hưởng kịp thời chính sách, góp phần ổn định cuộc sống và phấn đấu, nỗ lực vươn lên.

 Những căn nhà mới đã tạo động lực cho các hộ dân thoát nghèo, góp phần phát triển kinh tế- xã hội xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, Đăk Nông

Đăk Nông: Chăm lo nhà ở cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số

Được sống trong căn nhà mới, kiên cố, ấm áp, gia đình anh Y Sơn Buôn K’rông, bon Jarah xã Nâm Nung, huyện Krông Nô (Đăk Nông) rất phấn khởi. Niềm vui càng được nhân lên khi căn nhà được hoàn thành với sự giúp đỡ của người dân và chính quyền các cấp được đưa vào sử dụng trước mùa mưa. Do kinh tế khó khăn, nhiều năm qua, gia đình anh Y Sơn phải sống trong căn nhà tạm, xuống cấp. Được hỗ trợ 40 triệu đồng từ nguồn ngân sách Trung ương và hỗ trợ vay 40 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội, anh Y Sơn đã làm được căn nhà trị giá 110 triệu đồng".

“Căn nhà cũ đã xuống cấp nhưng chúng tôi không có điều kiện để sửa chữa. Nhờ sự quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền và ngân hàng, vợ chồng tôi đã xây dựng được một căn nhà mới. Có căn nhà này, chúng tôi sẽ yên tâm, nỗ lực hơn trong lao động sản xuất, quyết tâm thoát nghèo” - anh Y Sơn Buôn K’rông, bon Jarah, xã Nâm Nung, huyện Krông Nô chia sẻ.

Tương tự, gia đình chị H’Vân, bon Yốk Ju được hỗ trợ xây nhà ở từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Căn nhà cấp 4 có diện tích 60m2 gồm 1 gian bếp, 2 phòng ngủ và phòng khách rộng rãi. Mái ấm này là điểm tựa vững chắc giúp gia đình chị sớm vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống.

Chị H’Vân phấn khởi: “Trước đây ở nhà gỗ cũ, xuống cấp, mùa mưa dột khắp nhà. Nay được chuyển về sống trong nhà mới, vợ chồng và con cháu rất phấn khởi và hạnh phúc. Chúng tôi sẽ tập trung làm ăn để trả nợ ngân hàng. Nếu có điều kiện, tôi sẽ giúp các hộ dân khác để cùng thoát nghèo như gia đình tôi”.

Được biết, trong tháng 4/2023, UBND xã Nâm Nung đã nghiệm thu, bàn giao 5 căn nhà cho 5 hộ nghèo trên địa bàn. Việc bình xét hỗ trợ xây nhà ở được tiến hành dân chủ, công khai, đúng đối tượng. Từ đó, mang lại hiệu quả tích cực, để lại ý nghĩa lớn trong công tác giảm nghèo tại địa phương.

Với phương châm “Nhà nước hỗ trợ, hộ gia đình tự làm” các căn nhà được xây đều có trị giá trên 100 triệu đồng, bảo đảm yêu cầu về diện tích và các tiêu chuẩn. Bước đầu đi vào sử dụng, các căn nhà đều phù hợp nhu cầu sử dụng của người dân.

Theo bà H’Thương, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm Nung, huyện Krông Nô, không chỉ giúp các hộ nghèo có nhà ở ổn định, từng bước nâng cao mức sống, góp phần giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 còn góp phần củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước”.

Cũng theo lãnh đạo UBND xã Nâm Nung, trong thời gian tới, tranh thủ các nguồn lực xã hội và nguồn vốn thoát nghèo, địa phương tiếp tục hỗ trợ nhà ở cho các hộ gia đình đang gặp khó khăn. Song song với đó, chính quyền các cấp tiếp tục triển khai các chương trình cụ thể, tạo sinh kế và khơi gợi tinh thần vươn lên thoát nghèo của người dân./.

Mai Chi (t/h)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực