|
Trao chứng nhận học nghề dệt thổ cẩm cho phụ nữ. |
Thanh Hóa là tỉnh có đông dân số (3,6 triệu người) với 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 6 dân tộc thiểu số: Dân tộc Mường (401.967 người), dân tộc Thái (258.506 người), dân tộc Mông (19.166 người), dân tộc Thổ (12.675 người), dân tộc Dao (6.551 người), dân tộc Khơ Mú (1.024 người) sinh sống tập trung tại 11 huyện miền núi phía tây của tỉnh. Phụ nữ hiện chiếm gần 50% lực lượng lao động ở hầu hết các ngành nghề, lĩnh vực, họ hiện đang là nguồn lực to lớn, có vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh.
Để phát huy tiềm năng của phụ nữ đóng góp cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (Hội LHPN) tỉnh Thanh Hoá xác định hỗ trợ Phụ nữ phát triển kinh tế, làm giầu chính đáng cho bản thân, gia đình và xã hội; xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc là mục tiêu trọng tâm của tổ chức Hội. Bám sát chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhất là chủ trương xây dựng nông thôn mới; Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn 1: từ năm 2021 đến năm 2025..., Hội LHPN tỉnh đã phát động trong các cấp Hội, hội viên, phụ nữ và nhân dân nhiều phong trào thi đua, cuộc vận động phát triển kinh tế, chú trọng xây dựng và phát triển bền vững các mô hình sinh kế là một trong những giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện có hiệu quả phong trào. Đồng thời đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế bền vững; quan tâm chăm lo cho đối tượng phụ nữ yếu thế và trẻ em dân tộc thiểu số; phối hợp với các Ngân hàng tín chấp vốn vay hỗ trợ cho Phụ nữ lao động, sản xuất, kinh doanh; tổ chức các lớp dạy nghề, “Ngày phụ nữ sáng tạo – Khởi nghiệp” để kích lệ, động viên và tạo điều kiện cho hội viên Phụ nữ tự tin lập nghiệp, khởi sự kinh doanh, thành lập doanh nghiệp, tổ hợp tác do phụ nữ làm chủ. Riêng năm 2022, toàn tỉnh đã thành lập được 149 doanh nghiệp nữ; 86 hợp tác xã, 100 tổ hợp tác do Phụ nữ làm chủ hoạt động hiệu quả. Theo đó, đã xuất hiện nhiều phụ nữ tiêu biểu trong phong trào làm kinh tế giỏi ở tỉnh Thanh Hóa với những cách làm thiết thực, hiệu quả, rất đáng để tham khảo, nhân rộng:
Làm mới cho nghề cũ
Doanh nghiệp Mỳ Quảng qua bao trăn trở và suy nghĩ đã quyết định khơi lại nghề truyền trống và tạo công ăn việc làm cho bà con nông dân, đặc biệt là phụ nữ nghèo trong huyện, góp phần hạn chế phụ nữ đi làm ăn xa và thu hút hội viên tham gia sinh hoạt vào tổ chức Hội phụ nữ. Được sự quan tâm của hội phụ nữ, chị Phạm Thị Mỳ, xã Thiệu Long, huyện Thiệu Hóa đã được tham gia lớp học nghề mây tre đan, kể từ đó sản phẩm hàng thủ công mỹ nghệ mây tre đan trở thành nguồn thu nhập chính của gia đình chị và hàng nghìn hộ dân nơi đây.
Quá trình khởi nghiệp của chị Mỳ cũng gian nan như bao người phụ nữ nông thôn làm kinh tế, thời gian đầu sau khi được học nghề chị nhận hàng về làm thêm tại nhà, nhận thấy sau những ngày mùa vụ, thời gian nông nhàn rất nhiều, phụ nữ nơi đây không biết làm gì để kiếm thêm thu nhập, nếu không tận dụng nguồn lao động dồi dào này sẽ rất lãng phí. Nghĩ là làm, chị Mỳ tự đi tìm kiếm nơi nhập nguyên liệu, tổ chức sản xuất và tìm đầu ra cho sản phẩm. Với bản tính cần cù, chịu thương, chịu khó…những khó khăn buổi đầu rồi cũng qua đi. Chị Mỳ tâm sự: “Vẫn dùng nguyên liệu mây tre đan là những nguyên liệu có sẵn trong tự nhiên, rất thân thiện với môi trường, nhưng chúng tôi phát triển ở mức độ cao hơn thành hàng thủ công mỹ nghệ, đó không chỉ là đồ dùng trong sinh hoạt hàng ngày mà còn dùng làm đồ trang trí trong mỗi gia đình, không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới”.
Áp dụng sáng tạo, làm mới cho nghề cũ đã mang lại thành công cho doanh nghiệp của chị, vì thế cũng tạo thêm nhiều việc làm cho người lao động. Không chỉ tận dụng lao động nhàn rỗi tại địa phương, doanh nghiệp của chị Mỳ còn tạo việc làm tại chỗ cho nhiều chị em phụ nữ yếu sức và khuyết tật; trung bình thu nhập của một lao động đạt từ 1,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Giờ đây, sản phẩm được làm từ đôi bàn tay khéo léo cùng với sự chịu thương, chịu khó của những người phụ nữ nơi đây theo những đơn đặt hàng đi đến với thị trường của đất nước Nhật Bản và các nước châu Âu đã mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao, giúp người dân địa phương có điều kiện cải thiện cuộc sống.
Quyết tâm làm giàu trên quê hương
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo, đông con của một xã miền núi, chị Vũ Thị Chung, sinh năm 1968, hội viên phụ nữ thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành là một trong những điển hình về sự quyết tâm làm giàu trên quê hương. Năm 1992 chị Chung xây dựng gia đình, vợ chồng ra ở riêng, tài sản chẳng có gì ngoài mấy bộ xong nồi, bát đĩa. Rồi những đứa con của anh chị lần lượt chào đời, chị luôn trăn trở “phải làm gì đây để có điều kiện chăm lo cho con cái học hành, gia đình bớt đi cảnh nghèo khó?”. Sau một năm làm lụng vất vả, dành dụm được 2 triệu đồng, chị quyết định mua một số đồ dùng gia đình như xô, chậu, kiềng, nồi bằng nhôm, bằng sắt về bán. Chị lấy hàng được một lần thì hết vốn vì những người khách hàng của chị đều nghèo như vợ chồng chị, họ đến cửa hàng của chị mua nợ nhưng anh chị vẫn phải bán.
|
Hội LHPN Thanh Hóa với các hoạt động hỗ trợ vật nuôi, dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ. |
Qua đó, nhận thấy nhu cầu của người dân về đồ gia dụng trong gia đình tại địa phương là rất lớn, chị bàn với chồng nhờ hội phụ nữ đứng ra tín chấp để vay tiền ngân hàng đầu tư vào kinh doanh. Những ngày đầu, chị đi mua hàng tận Hải Phòng, Nam Định để mong giảm giá thành sản phẩm cho người tiêu dùng, mặt khác để quay vòng đồng vốn nhanh chị đã đi đến từng làng, xã trong huyện để bán hàng. Tưởng chừng như công việc cứ thế thuận buồn xuôi gió, năm 1997 trận lụt lịch sử đã làm cho việc buôn bán của chị tiêu tan. Bao vất vả lại trở về lúc ban đầu, không vì thế mà nản chí, chị bàn bạc với chồng chuyển sang buôn đồ nhựa và được sự giúp đỡ của Hội phụ nữ cấp trên, gia đình chị tiếp tục được vay nguồn vốn ưu đãi để đầu tư mở rộng kinh doanh. Ngày tháng trôi đi, bao khó khăn vất vả dần qua, từ nguồn vốn 2 triệu đồng lúc lập nghiệp, giờ đây tổng nguồn vốn của gia đình chị đã lên tới 2.5 tỷ đồng; công việc kinh doanh cho thu nhập 1,2 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động nữ với mức thu nhập 4 triệu đồng/tháng.
Nói về chị Vũ Thị Chung, chủ tịch Hội LHPN thị trấn Kim Tân cho biết cho biết: "Ở đây, chị Chung được bà con làng xóm rất yêu quý bởi chị không chỉ năng động, sáng tạo trong phát triển kinh tế mà còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội tại địa phương. Hàng năm chị dành khoản tiền 10 triệu đồng ủng hộ Hội khuyến học để tặng quà cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học giỏi; tặng quà tết cho hội viên phụ nữ khó khăn trong khu phố. Bên cạnh đó chị còn giúp đỡ khoảng 10 hộ trong xã bằng cách cho vay vốn không lấy lãi từ 10 - 15 triệu đồng để các hộ khó khăn có vốn mua cây, con giống, giúp họ có động lực vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; hỗ trợ vật liệu xây dựng để làm nhà cho phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; cùng chị em trong chi hội trao đổi kinh nghiệm về cách làm ăn… Những việc của chị đã mang lại nhiều tác động tích cực cho phụ nữ địa phương, chị Chung được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành như: Hội khuyện học huyện Thạch Thành, UBND Thị trấn Kim Tân, Hội LHPN huyện Thạch Thành. Chị là phụ nữ tiêu biểu của huyện tham dự Hội nghị giao lưu điển hình làm kinh tế giỏi do Hội LHPN tỉnh tổ chức.
Làm giàu bằng nghề nuôi tôm
Câu chuyện làm giàu bằng nghề nuôi tôm của chị Lê Thị Nga thôn 10, xã Quảng Thái, huyện Quảng Xương đã khích lệ tinh thần khởi nghiệp của nhiều chị em phụ nữ địa phương. Chị Nga nhớ lại những tháng ngày khó khăn đầu tiên của mình, đó là thời điểm của 8 năm trước. Trước sự đeo bám của cái đói, cái nghèo, chị cùng chồng đã quyết “liều” vay vốn ngân hàng, phát triển kinh tế gia đình bằng nghề nuôi tôm thẻ chân trắng trên cát. Được chị Nga giới thiệu về cơ ngơi của mình, ai cũng trầm trồ thán phục. Đó là những ô nuôi tôm được bê tông hóa nối dài. Ao nào cũng có những bộ máy sục khí ô xy tung bọt trắng xóa, tấp nập hoạt động của những công nhân thăm nuôi, cho tôm ăn... Hạ tầng vùng nuôi tôm được chị chú trọng đầu tư, xây dựng hệ thống đường điện chiếu sáng và các trạm biến áp, kho lưu thức ăn, kho chứa hóa chất... Từ 4 ha nuôi tôm ban đầu, đến nay chị đã mở rộng diện tích nuôi tôm lên 7 ha mang lại lợi nhuận hàng tỷ đồng mỗi năm.
Hiện nay, trang trại nuôi tôm thẻ chân trắng của gia đình chị Nga đang tạo việc làm cho hơn 20 lao động thường xuyên với mức thu nhập từ 5 đến 7 triệu đồng/tháng. Khi được hỏi về bí quyết thành công, chị khiêm tốn chia sẻ: “Không có bí quyết nào bằng sự chăm chỉ và quyết tâm thoát nghèo”. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Nga còn gương mẫu trong các hoạt động phong trào hội phụ nữ địa phương. Bên cạnh việc tích cực chia sẻ những kinh nghiệm nuôi tôm của mình cho các chị em trong hội, chị còn đóng góp vào quỹ để giúp đỡ chị em có hoàn cảnh khó khăn, tạo việc làm cho lao động tại địa phương.
Vươn lên thoát nghèo, tạo việc làm cho lao động nữ tại địa phương
Chị Đậu Thị Xuân - là hội viên phụ nữ xã Hoàng Giang, huyện Nông Cống xuất thân từ một gia đình nông dân nghèo tại xã Vạn Thắng, năm 1991 chị lập gia đình về làm dâu tại xã Hoàng Giang huyện Nông Cống, hoàn cảnh hai bên gia đình đều rất khó khăn. Với vùng đất chiêm trũng chưa mưa đã ngập, chưa nắng đã hạn, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn, nghề nghiệp chủ yếu làm nông nghiệp. Lúc đầu chỉ có 3 sào ruộng, cơ bản vợ chồng phải đi làm thuê kiếm sống và chăm lo cho 3 đứa con. Năm 2003 khi có chủ trương của Đảng, nhà nước cho đấu thầu đất trong thời gian 30 năm, được sự giúp đỡ của Chính quyền địa phương gia đình chị đã mạnh dạn xin thầu 10ha khu vực núi đá vôi Yên Thái tại địa bàn xã Hoàng Giang. Nhưng để thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh cần phải có vốn đầu tư trong khi gia đình lại khó khăn về kinh tế, chị đã bày tỏ và được sự giúp đỡ của Hội phụ nữ xã làm hồ sơ vay vốn ngân hàng nông nghiệp với số tiền là 50 triệu đồng và vay mượn của anh em, bạn bè từ đó gia đình đã bắt tay vào việc khai thác sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng.
Năm 2005 gia đình chị thành lập doanh nghiệp với quy mô nhỏ chuyên khai thác vận chuyển cung ứng vật liệu xây dựng; đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi tổng hợp với quy mô 10 ha. Bước đầu thành lập doanh nghiệp, bản thân gia đình gặp không ít những khó khăn do thiếu vốn đầu tư, nhân công lao động; xây dựng công xưởng, máy móc, cơ sở vật chất… Thời gian trôi đi, bao khó khăn vất vả đã được đền đáp, hiện nay doanh nghiệp của gia đình chị ngày càng phát triển với thu nhập bình quân trừ chi phí hàng năm lãi hơn 100.000.000đ, tạo công ăn việc làm từ 80-120 lao động là phụ nữ tại địa phương ổn định việc làm với mức lương hàng tháng từ 1.500.000 – 2.000.000đ/tháng.
Không dừng lại ở đó, chị Xuân đã bàn bạc với chồng tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh, đầu tư xây dựng trang trại tổng hợp nuôi 1.000 con lợn thịt, 110 mẹ lợn nái, 100 con gia cầm; cấy 0,7 ha lúa, trồng 1.000 cây ăn quả và 2 ha ao thả cá, làm máy xay đá, máy làm gạch xi măng và các loại xe vận tải, máy xúc, máy gạt… đã góp phần tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt là lao động nữ với mức lương từ 4.500.000 – 8.000.000đ/ người/ tháng. Năm 2017, gia đình chị đã thành lập công ty TNHH Xuân Hiếu với tổng số vốn là 40 tỷ đồng, hiệu quả từ sản xuất kinh doanh, sau khi trừ chi phí, gia đình chị có thu nhập hơn 1 tỷ đồng lợi nhuận mỗi năm.
Với vai trò là hội viên phụ nữ, chủ doanh nghiệp, bản thân chị Xuân luôn quan tâm đến đời sống chị em phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, các đối tượng chính sách; tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo từ thiện, hỗ trợ chị em phụ nữ trong xã vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng. Chị luôn đồng hành ủng hộ xây dựng mô hình: “Mái ấm tình thương; Hỗ trợ con giống niềm tin” cũng như các hoạt động tặng quà cho học sinh nghèo, học sinh có thành tích cao trong học tập; ủng hộ xây dựng làng văn hóa, các công trình phúc lợi của xã… với tổng số tiền hỗ trợ hằng năm khoảng 70 triệu đồng. Ngoài việc làm tốt công tác từ thiện, bản thân chị là hội viên gương mẫu đi đầu thực hiện trong các phong trào thi đua: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, tích cực tham gia sinh hoạt các tổ chức đoàn thể, nuôi con khỏe dạy con ngoan…
Khởi nghiệp làm giàu từ cây nấm
Là cán bộ Quỹ tín dụng, chị Lê Thị Trinh, hội viên phụ nữ của xã Hoằng Đạt, huyện Hoằng Hóa đã rẽ ngang, từ bỏ công việc và quyết tâm làm giàu với nghề trồng nấm. Năm 2015, chị tham gia lớp học bồi dưỡng quy trình trồng nấm và mộc nhĩ, trực tiếp học hỏi những hộ gia đình trồng nấm thành công tại các địa phương trong tỉnh, sau đó chị Trinh đã nhập bịch ươm sẵn từ 1 cơ sở khác mang về trồng những lứa đầu tiên, bước đầu hiệu quả chưa cao. Song với quyết tâm, chị đã dồn hết vốn liếng, vay mượn thêm, đầu tư hơn 200 triệu đồng mua thiết bị hấp ủ khử trùng, giàn phun nước tự động, xây dựng nhà mô hình nấm sò và mộc nhĩ trên 2 sào ruộng gần làng khó canh tác, để tiện chăm sóc và trông coi, với quy trình khép kín từ A – Z: từ khâu làm túi mùn cưa tới hấp tiệt trùng, cấy giống, chăm sóc theo dõi nấm, bán sản phẩm.
Vụ thí điểm đầu tiên, chị đã rất thành công khi thu hoạch được 1 tấn/3.000 bịch đối với nấm sò và 7 tạ/10.000 bịch đối với mộc nhĩ. Một mình chị tần tảo cả ngày cùng nấm, đến mùa thu hoạch chị phải thuê thêm lao động ngay tại địa phương để thu hoạch. Chị cho biết “trồng nấm và mộc nhĩ mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với trồng lúa. Tuy trồng nấm không khó nhưng phải tuân thủ những quy trình một cách nghiêm ngặt”.
Nhiều thời điểm chị cũng mắc những sai lầm trong quy trình trồng như phun nước quá nhiều khiến cây nấm bị ngập úng, thương lái chê và mua với giá thấp. Nhưng với kinh nghiệm đã đúc kết qua các vụ sản xuất trước, chị đã biết cách chăm sóc, hái nấm đúng độ để đạt được lượng chất dinh dưỡng cao và phòng tránh mầm bệnh cho nấm và mộc nhĩ. Nhờ vậy cơ sở của chị đã trở thành một điểm cung cấp sản phẩm tin cậy cho những thương lái trong tỉnh, vì chất lượng nấm tốt, tươi ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và rất được lòng người tiêu dùng. Chị cho biết, “mặc dù đã trồng xen, gối lứa nhưng sản phẩm làm ra cung không đủ cầu. Ngày nào các lái buôn cũng gọi điện đặt hàng, hiện nấm, mộc nhĩ không đủ để xuất đi. Chị Trinh mong trong xã sẽ phát triển thêm các cơ sở nấm sạch để đáp ứng đủ cho người tiêu dùng”.
Hiện tại, cơ sở trồng nấm và mộc nhĩ của chị Lê Thị Trinh có khoảng 3,5 vạn bịch nấm và mộc nhĩ. Năm 2017, riêng nấm sò cho thu khoảng 3 tấn và 5 tạ mộc nhĩ. Trừ chi phí, mỗi năm cho thu lãi 150 - 200 triệu đồng. Ngoài ra, các bịch nấm và mộc nhĩ trồng và thu hoạch xong có thể làm phân bón cho cây ăn quả rất tốt. Sau gần 3 năm gắn bó với nấm và mộc nhĩ, giờ đây chị có thể một mình đứng vững trên con đường trồng nấm và mộc nhĩ sạch, chị sẵn sàng chuyển giao, dạy nghề cho các chị em phụ nữ khác có nhu cầu trồng nấm.
|
Các hoạt động tuyên dương, sinh hoạt hội, tổ, nhóm của phụ nữ |
Có thể nói, những tấm gương nêu trên chỉ là một trong rất nhiều những điển hình phụ nữ Thanh Hóa tiêu biểu trong hoạt động phong trào, làm kinh tế giỏi. Các chị em mỗi người có cách làm kinh tế khác nhau nhưng đều có chung ý chí, nghị lực, tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần tô thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ nông thôn, phụ nữ dân tộc thiểu số, miền núi. Qua đó, giúp phụ nữ nâng cao quyền năng kinh tế, giúp họ tự tin khẳng định vai trò, vị thế của mình đối với gia đình, xã hội; góp phần thực hiện công cuộc giảm nghèo bền vững; xây dựng nông thôn mới, “Nông thôn đáng sống”; đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong công cuộc xây dựng đời sống mới. Các chị thật xứng đáng là những tấm gương sáng để chị em phụ nữ trong và ngoài tỉnh học tập, noi theo./.