Trà Vinh: Phấn đấu giảm 1% tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS&MN theo chuẩn nghèo đa chiều

Thứ sáu, 18/08/2023 22:06
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Năm 2023, Trà Vinh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi 1% theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia và tiếp tục đưa 2 ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn.

Năm 2023, tổng nguồn vốn bố trí đầu tư 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tại tỉnh Trà Vinh là gần 469 tỷ đồng. Cụ thể, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được bố trí đầu tư gần 302 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới là hơn 110 tỷ đồng; Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững hơn 54 tỷ đồng. Hiện địa phương này đang đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023. 

Trà Vinh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số 1% theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia. Ảnh minh họa 

Theo UBND tỉnh Trà Vinh, tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay còn chậm. Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện ba Chương trình mục tiêu quốc gia năm 2023 và cả giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, địa phương được giao vốn rà soát, đánh giá lại kế hoạch thực hiện từng chương trình, dự án, dự án thành phần. Qua đó, làm rõ những khó khăn, vướng mắc, trách nhiệm để chấn chỉnh, đề ra giải pháp xử lý, điều chuyển kế hoạch vốn. Cơ quan thường trực của ba Chương trình cần nghiêm túc đánh giá, xác định rõ trách nhiệm của từng cấp, từng ngành để khắc phục những khuyết điểm, yếu kém.

Các địa phương được giao vốn khẩn trương triển khai các dự án; lồng ghép nguồn vốn giữa các mục tiêu quốc gia với nhau và giữa Chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình, dự án khác trên địa bàn; huy động thêm các nguồn vốn khác, lựa chọn các công trình thật cần thiết, bức xúc để đầu tư trước nhằm đảm bảo tính hiệu quả và đạt kế hoạch. Đồng thời, tổ chức rà soát, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo dự kiến thoát nghèo trong năm theo chỉ tiêu giao; trong đó, rà soát, xác định kỹ nguyên nhân nghèo và mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản của từng gia đình để xây dựng kế hoạch hỗ trợ phù hợp; huy động tối đa các nguồn lực xã hội, lồng ghép các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chương trình giảm nghèo.

Theo đó, tỉnh thực hiện 10 dự án với nhiều tiểu dự án gồm: Giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và các đơn vị sự nghiệp công lập của lĩnh vực dân tộc; phát triển giáo dục đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch; chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em; thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em; đầu tư phát triển nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn; truyền thông, tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kiểm tra, giám sát đánh giá việc tổ chức thực hiện Chương trình.

Theo kế hoạch, năm 2023, tỉnh hỗ trợ đất ở cho hơn 40 hộ dân tộc thiểu số, nhà ở cho hơn 525 hộ, chuyển đổi nghề cho khoảng 275 hộ, nước sinh hoạt phân tán cho 38 hộ, đầu tư xây dựng hai công trình nước tập trung. Đồng thời, tỉnh thực hiện một dự án trồng cây dược liệu quý tại huyện Trà Cú; hỗ trợ xây dựng mô hình khởi nghiệp; tạo việc làm, tăng thu nhập cho hơn 60% hộ đồng bào dân tộc thiểu số và hộ nghèo dân tộc Kinh, cận nghèo ở ấp đặc biệt khó khăn.

Cùng với đó, tỉnh xây dựng mới 58 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tiếp tục thực hiện 16 công trình chuyển tiếp của năm 2022; duy tu, bảo dưỡng 36 công trình; đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp 6 công trình chợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số (xây dựng mới 1 chợ tại huyện Cầu Kè; cải tạo, nâng cấp 4 chợ ở huyện Cầu Ngang và một chợ ở huyện Cầu Kè).

Tỉnh đầu tư nâng cấp, cải tạo mở rộng 6 trường Phổ thông Dân tộc nội trú, mua sắm trang thiết bị chuyển đổi số, đào tạo bồi dưỡng cho giáo viên và cán bộ quản lý các trường Phổ thông Dân tộc nội trú; cải tạo Nhà văn hóa - Khu thể thao đã xuống cấp thuộc vùng dân tộc thiểu số; hỗ trợ đào tạo 7 bác sĩ chuyên khoa I và 4 cử nhân điều dưỡng cho Trung tâm Y tế cấp huyện; hỗ trợ đào tạo y học gia đình cho 5 bác sĩ chuyên khoa I cho nhân viên trạm y tế cấp xã…

Được biết, năm 2022, Sóc Trăng đã giảm được 1,31% hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, tương đương giảm 2.218 hộ; đưa 2/2 xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn (Ngãi Xuyên và Hàm Giang, huyện Trà Cú); đưa 2/10 ấp xã ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn (ấp ÔkaĐa xã Phước Hảo, huyện Châu Thành và ấp Trà Cú C, xã Kim Sơn, huyện Trà Cú).

Năm 2023, Trà Vinh phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số 1% theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia và tiếp tục đưa 2 ấp ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn./.

Thu Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực