Ai bảo tồn văn hóa Hà Nội khi quy hoạch?

Thứ ba, 13/04/2010 17:41

Ảnh minh họa
(ĐCSVN)
- Những ngày gần đây, thông tin về qui hoạch Hà Nội từ nay đến 2030 và tầm nhìn vươn tới giữa thế kỷ này đang thu hút sự quan tâm không chỉ của chính quyền mà còn với mỗi người dân.

Sau nhiều kinh nghiệm, vui mừng cũng có và đau xót cũng có, việc qui hoạch tổng thể vùng Hà Nội lần này có không ít tiến bộ, tuy nhiên để có một bản qui hoạch tối ưu, còn cần nhiều thời gian. Để góp một phần vào sự tối ưu có thể có, tôi chỉ xin nêu một ý kiến từ góc nhìn văn hoá,  đó là khi thực hiện xong qui hoạch này, chúng ta có thể có một Hà Nội hiện đại, rộng rãi cứ cho là nhất nhì thế giới đi, nhưng liệu còn một Hà Nội của nghìn năm, Hà Nội của Việt Nam và cả… Hà Nội của Hà Nội không?

Hà Nội ngày nay với 3.325 km2, với 6,5 triệu người, gấp 3 lần Hà Nội cũ và đứng vào hàng thứ 3 trong số những thủ đô rộng của thế giới. Nhưng như thế chưa đủ. Hà Nội còn là một Thủ đô có đặc trưng văn hoá hiếm có, có mật độ văn hoá đậm đặc cả vật thể và phi vật thể. Theo một thống kê, chắc chắn là chưa đầy đủ, Hà Nội có trên 1.500 di tích lịch sử, văn hoá thuộc loại nổi tiếng cả nước; 1,264 làng nghề truyền thống nức tiếng xa gần; khoảng 50 lễ hội và vô số những tài sản văn hoá trong phong tục tập quán, văn học nghệ thuật dân gian; trang phục, lối sống. Những tài sản vô giá này có cả ở nội thành và ngoại thành, ở Hà Nội cũ và Hà Nội mới nhưng chủ yếu là ở ngoại thành. Sẽ ra sao đây, khi tất cả những cái đó biến mất hoặc cùng lắm chỉ để lại những tên làng, tên thôn trừu tượng như phố Hoả Lò, phố Hoè Nhai, ngõ Huyện,  ngõ Yên Thái, xóm Hà Hồi hoặc mới nhất, phố Liễu Giai, phố Kim Mã Thượng, phường Ngọc Thuỵ chẳng hạn. Sẽ ra sao đây khi ở đâu cũng đường nhựa, đường bê tông trên cao thẳng tắp, những hàng cây được xén tỉa, tiếng ô tô ầm ào? Sẽ không còn nữa luỹ tre làng, cây đa bến nước, ao sen đầu đình, cánh cò mơ ảo. Sẽ đến lúc chúng ta phải tiếc như bây giờ phải tiếc tiếng rao đêm xa vắng, lửa nồi bánh chưng và mùi nhang thơm đêm trừ tịch. Vậy thì ngay từ bây giờ, phải bảo vệ lấy những cái đó, từ trong qui hoạch thành phố, xa hơn nữa là từ trong ý tưởng của những người qui hoạch và phê duyệt qui hoạch.

Ý tưởng của những người qui hoạch thì khó rồi. Tuy rất nhiệt tình bảo vệ văn hoá Việt Nam, rất có kinh nghiệm trong qui hoạch, rất có trách nhiệm với công việc của mình nhưng không thể bắt họ hiểu văn hoá Việt như người Việt được. Họ chỉ có thể làm tốt nhất những gì người Việt yêu cầu. Vậy thì Hà Nội còn là Hà Nội của người Việt không, là Hà Nội của Thăng Long- Hà Nội nghìn năm không, tuỳ thuộc vào chúng ta. Một người Ý hiểu biết chắc chắn sẽ không bao giờ đổi thành phố Vơ-ni-dơ quá nhiều bất tiện và đang có nguy cơ ngập lụt sâu hơn để lấy một thành phố Vơ-ni-dơ khô ráo, hiện đại. Một người Pháp chắc chắn sẽ không bao giờ đổi những cánh đồng nho của họ để lấy những thành phố choáng lộn, hái ra tiền. Vậy chúng ta có đổi một Hà Nội hôm nay để lấy một Hà Nội cũng choáng lộn nhưng không còn văn hoá Hà Nội nữa không?


 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực