Bệnh vô cảm

Thứ năm, 08/09/2011 00:58

(ĐCSVN) - Mới đây, một thảm hoạ xôn xao dư luận đã được báo chí thông tin: Cháy xí nghiệp da giày ở xã Tân Dân huyện An Lão (Hải Phòng), 13 người chết do ngạt và bỏng, 21 người bị thương ở tình trạng nguy kịch.

Nhặt nhạnh, chắp nối các thông tin trên báo người ta thêm xót xa: sở dĩ số người chết nhiều thế vì khi các nạn nhân gào thét ở bên trong thì phía ngoài, hơn chục người (phần lớn là người trong làng, quen biết các nạn nhân đó) vẫn thản nhiên đứng nhìn, thậm chí còn bá vai nhau cười đùa. Nếu như số người này không vô cảm trước nỗi đau của người khác, dám lao vào hiểm nguy để cứu đồng loại thì họ có thể dễ dàng phá sập bức tường xây bằng gạch xi măng phía sau để giải thoát cho những người đang bị lửa bao vây, sẽ không có chuyện nhiều người phải chết hoặc bị thương thê thảm như đã xảy ra.

Không chỉ riêng trong vụ cháy ở doanh nghiệp da giày tư nhân Tân Dân vừa kể, trong cuộc sống hàng ngày, có vô số những biểu hiện tương tự. Sự vô cảm, dửng dưng trước số phận của đồng loại đang trở thành một căn bệnh gặm nhấm xã hội, khiến cho niềm tin vào lương tâm con người, vào lòng vị tha, vào sự bình tâm khi bên cạnh có người khác… bị giảm sút. Thấy một mảnh chai sắc nhọn giữa đường không nhặt vào thùng rác. Thấy người bị cảm mạo ngã trên hè không dìu đi cấp cứu. Thấy người bị tai nạn giao thông đổ xe, guốc dép túi xách văng ra đường, thân thể bị chấn thương có khi ngất lịm, nhiều người xúm lại, nhưng không phải để giúp đỡ mà vì tò mò. Thấy người bị cướp giật, thấy nhà trong xóm bị cháy mà không vứt hết công việc đang làm để cứu giúp. Thấy người tàn tật, đau yếu, già cả, đang mang thai hay trẻ em trên phương tiện giao thông công cộng không nhường chỗ. Thấy người thiếu đói không nhường cơm xẻ áo v.v… là vô cảm. Từ những vô cảm trong cuộc sống thường ngày đó đến những vô cảm trừu tượng hơn nhưng tai hại hơn. Đó là vô cảm trước tội ác. Vô cảm trước sự tham lam ích kỷ. Vô cảm trước sự vô trách nhiệm với công việc mình phụ trách, trước xã hội của không ít người. Nhìn ở khía cạnh tiêu cực của nó, nhiều lời khuyên lâu nay khuyên người ta chỉ lo thân mình, sống chết mặc người. "Đèn nhà ai nhà nấy rạng", "Ở bầu thì tròn, ở ống thì dài", "Cả gan nhổ bọt lên trời, Trời cao chẳng thấu bọt rơi mặt mình". Chính tâm lý an phận, mình biết lấy mình, né tránh đấu tranh vì sự công bằng xã hội, vì lẽ phải đó đã tạo điều kiện cho tệ tham nhũng, biến công thành tư, vi phạm dân chủ lâu nay. Nhiều vụ tham nhũng, lãng phí hàng nghìn tỷ đồng; nhiều việc vi phạm pháp luật nghiêm trọng; nhiều quyết định đến mức vô lý vẫn ngang nhiên tồn tại nhiều năm trước khi bị phát giác chính từ lý do này.

Rất may, trong cuộc sống vẫn còn những người tốt, dám xả thân vì lẽ phải, vì người khác. Những hiệp sĩ đường phố dám đối mặt với các băng nhóm xã hội đen. Những tổ dân phòng ngày đêm tuần tra săn bắt cướp. Những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” nhiều chục năm ròng rã như người cựu chiến binh nọ, 20 năm tìm hài cốt, trả lại tên cho 1.400 liệt sĩ. Những người như ông già xóm Gà, 30 năm tự mua sắm máy móc, đường dây lập trạm truyền thanh phục vụ dân bản. Những bà xơ, ni cô không lấy chồng, cả đời gắn bó với những bệnh nhân phong. Những người tình nguyện làm mẹ nuôi của hàng chục trẻ mồ côi, thương tật. Những đôi vợ chồng 50 năm vớt xác người trên sông, thu nhặt chôn cất những hài nhi sa sảy. Ấy là còn chưa nói đến biết bao người tốt khác, chẳng hạn như những chiến sĩ bộ đội, công an, biên phòng hi sinh tuổi xuân, hi sinh hạnh phúc gia đình đêm ngày gìn giữ biên giới, hải đảo. Nếu không có những người như vậy thì cuộc sống sẽ giảm đi rất nhiều ý nghĩa.

Nhưng dù sao thì bệnh vô cảm vẫn ngày càng gia tăng và chưa có cách ngăn chặn hữu hiệu. Nó là báo hiệu buồn tẻ về tương lai, là tín hiệu lụi tàn của văn chương, nghệ thuật, là lời cảnh báo khẩn thiết về mặt trái của cuộc sống hiện đại. Giữa rất nhiều căn bệnh, vô cảm tường chừng như ít tai hại hơn nhưng hoá ra, nó lại là căn nguyên của nhiều căn bệnh trầm trọng khác, nếu chúng ta không cảnh giác và kiên quyết chống lại nó./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực