Cách ly F1 tại nhà: Cần thiết nhưng phải thận trọng

Thứ tư, 30/06/2021 11:48
(ĐCSVN) - Tình hình dịch bệnh COVID-19 ở nước ta đang diễn biến khá phức tạp, đặc biệt là tại một số địa phương khu vực phía Nam, trong đó tâm dịch là TP. Hồ Chí Minh. Phương án cách ly F1 tại nhà đã được tính tới. Đó là sự cần thiết trong lúc này, tuy nhiên việc triển khai cần phải chặt chẽ, thận trọng, nhằm đảm bảo an toàn, hiệu quả.

Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 này có diễn biến khá phức tạp bởi xuất hiện chủng virus mới có khả năng gây lây nhiễm nhanh. Tại TP. Hồ Chí Minh, theo thông tin của Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố, tính tới sáng 29/6,  Thành phố ghi nhận 3.753 trường hợp mắc COVID-19 đã được Bộ Y tế công bố trong đó có tới 3.502 trường hợp nhiễm trong cộng đồng. Cũng tính tới thời điểm này, TP . Hồ Chí Minh đang thực hiện cách ly cho khoảng 40.715 trường hợp, trong đó, có 13.486 người cách ly tập trung, 27.229 trường hợp đang cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú. Để đáp ứng nhu cầu cách ly các trường hợp tiếp xúc gần (F1), trên địa bàn Thành phố, ngoài các khu cách ly tập trung cấp thành phố ở ký túc xá Đại học Quốc gia, Bệnh viện quận 7, Bệnh viện Cần Giờ, hai khu của quân đội và hàng chục ký túc xá, theo yêu cầu chính quyền TP Hồ Chí Minh, 21 quận huyện phải chuẩn bị mỗi địa phương 200 chỗ cách ly tập trung. Riêng TP Thủ Đức phải có 600 chỗ đáp ứng nhu cầu cách ly trường hợp tiếp xúc gần ca dương tính.

Tuy nhiên, hiện nay, tại Thành phố, số ca nhiễm mới đang tăng hàng ngày và chưa có dấu hiệu giảm (hơn chục ngày nay, mỗi ngày Thành phố đều ghi nhận số ca mắc mới ở 3 con số), kéo theo đó là các đối tượng F1 tăng lên nhanh chóng.

Theo các chuyên gia y tế, với tình hình hiện nay của Thành phố, phương án cách ly F1 tại nhà là cần thiết phải nghiên cứu tới. Bởi trong trường hợp các khu cách ly tập trung bị quá tải, không đủ điều kiện vật chất, nhân lực để phục vụ có thể dẫn đến lây nhiễm chéo. 

Nhằm chủ động phòng chống dịch bệnh, giảm tải cho các cơ sở cách ly y tế tập trung đồng thời cũng giúp giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại các cơ sở cách ly này, ngày 27/6, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND TP.Hồ Chí Minh, hướng dẫn cách ly y tế tại nhà cho các đối tượng thuộc diện F1 để UBND TP  xem xét, áp dụng thí điểm trên địa bàn. 

leftcenterrightdel
 (Ảnh minh họa: congan.com.vn)

Trao đổi về vấn đề này, đại diện Sở Y tế Thành phố cho biết, hiện nay, TP .Hồ Chí Minh đang nghiên cứu, xây dựng phương án sao cho phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo hiệu quả, nhất là an toàn cho cộng đồng.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hữu Hưng nhấn mạnh: “Mục tiêu cuối cùng của chúng ta là sự an toàn cho cộng đồng chứ không chỉ là chuyện giải quyết chỗ cách ly. Chúng tôi cho rằng càng cẩn trọng và khi chúng ta triển khai rộng ra, mức độ an toàn cho cộng đồng sẽ đảm bảo hơn”. 

Được biết, cách ly các F1 tại nhà là phương án mà Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 quốc gia đã bàn, thống nhất từ tháng 4 vừa qua, khi tình hình dịch bệnh ở các địa phương phức tạp, các khu cách ly tập trung không thể đáp ứng đủ. Trước TP. Hồ Chí Minh thì tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh cũng đã được Bộ Y tế cho phép cách ly F1 tại nhà. Tuy nhiên thời gian qua, Bắc Ninh và Bắc Giang hầu như chưa áp dụng do "còn có thể thực hiện cách ly tập trung". 

Đối với phương án này, Bộ Y tế cũng đã có những hướng dẫn rất cụ thể và nghiêm ngặt, không phải nhà nào cũng có thể áp dụng cho F1 được cách ly tại nhà. Đồng thời theo khuyến cáo của PGS-TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) - cố vấn Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, chúng ta cần chia F1 thành 2 loại, F1 có nguy cơ lây cao (do tiếp xúc quá gần với F0, hoặc cùng lao động, sinh hoạt trong không gian khép kín với F0, tiếp xúc gần với F0 không đeo khẩu trang) và F1 có nguy cơ lây thấp hơn. Những trường hợp có nguy cơ cao vẫn cần được đưa đi cách ly tập trung, các F1 nguy cơ lây thấp thì có thể được cách ly tại nhà. Việc phân loại này sẽ do y tế địa phương đánh giá.

Dẫu biết đây là phương án cần thiết trong lúc này, nhưng để triển khai đạt hiệu quả trên thực tiễn còn phải xem xét tới nhiều yếu tố, trong đó ngoài điều kiện về cơ sở vật chất đảm bảo yêu cầu cách ly của từng gia đình thì năng lực quản lý của chính quyền địa phương là rất quan trọng. Liệu địa phương có đảm bảo đủ nhân lực, vật lực để tham gia theo dõi, giám sát nghiêm các đối tượng F1 cách ly tại nhà hay không? Rồi bản thân các đối tượng F1 có ý thức chấp hành các quy định của Bộ Y tế về cách ly tại nhà hay không? Chúng ta sẽ áp dụng chế tài như thế nào để xử lý các trường hợp vi phạm?...

Trên thế giới, đã có rất nhiều quốc gia áp dụng hình thức cách ly này, nhất là các nước phương Tây. Biện pháp này còn là lựa chọn của một số Chính phủ tại châu Á, như Singapore, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)... nhằm giảm gánh nặng về nguồn lực xã hội.

Tại một số nước, nếu người dân không tuân thủ các quy định sẽ chịu các hình thức xử phạt khá nặng, thậm chí có quốc gia còn áp dụng hình phạt tù giam nếu vi phạm lệnh cách ly. 

Đối với trong nước, trước số ca mắc tăng cao và dịch xâm nhập một số khu công nghiệp, tỉnh Bình Dương hiện đã áp dụng thí điểm mô hình này để giảm áp lực cho khu cách ly tập trung, sau khi chính quyền địa phương đánh giá phòng cách ly đủ điều kiện. Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bình Dương, nếu mô hình có hiệu quả tốt, tỉnh sẽ triển khai rộng rãi hơn trong thời gian tới.

Thiết nghĩ, dù là cách ly tập trung hay cách ly tại nhà thì quan trọng nhất người dân vẫn cần phải tuân thủ nghiêm các quy định trong phòng, chống dịch bệnh mà Bộ Y tế đã hướng dẫn. Hiệu quả hay không, thành công hay không, điều đó có lẽ phụ thuộc phần lớn vào ý thức chấp hành, sự chung tay, hợp tác của chính mỗi người dân. Điều đó sẽ giúp chúng ta san sẻ gánh nặng về y tế cho tuyến đầu chống dịch, giảm nguy cơ lây nhiễm chéo tại các khu cách ly có phần quá tải như hiện nay, góp phần nhanh chóng khoanh vùng, khống chế và đẩy lùi dịch bệnh.

Điều kiện để tổ chức địa điểm cách ly tại nhà riêng:

- Là nhà ở riêng lẻ (nhà biệt thự, nhà ở liền kề và nhà ở độc lập)

- Nhà có phòng cách ly riêng, tách biệt, sử dụng nhà vệ sinh và đồ dùng vệ sinh riêng

- Cạnh phòng cách ly y tế phải có một phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện việc khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe

- Đảm bảo thông thoáng khí, có cửa sổ, không được dùng điều hòa trung tâm, được phép dùng điều hòa riêng

- Đặt biển cảnh báo "ĐỊA ĐIỂM CÁCH LY Y TẾ PHÒNG, CHỐNG DỊCH COVID-19"

- Sử dụng thùng rác riêng có nhãn dán "CHẤT THẢI CÓ NGUY CƠ CHỨA SARS-CoV-2"

- Vệ sinh, khử khuẩn 2 lần/ngày

Đối với người nhà

- Bố trí người chăm sóc nếu người cách ly là người già, người có bệnh nền, trẻ em

- Báo cho cơ quan chức năng khi người cách ly rời khỏi nơi cư trú

Đối với chính quyền địa phương

- Quản lý, giám sát y tế đối với người cách ly trong thời gian cách ly và sau khi kết thúc cách ly

V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực