Cần đề phòng đại dịch

Thứ sáu, 27/08/2010 15:25
 

Vẫn lúng túng trong việc phòng, chống dịch tai xanh ở lợn
(ảnh chỉ có tính minh hoạ)

(ĐCSVN)
- Theo thông báo của Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), đã có 27 tỉnh trong cả nước công bố có dịch lợn tai xanh. Trừ 2 tỉnh phía Bắc là Nghệ An và Cao Bằng, các tỉnh còn lại đều ở miền Trung và Tây Nguyên trở vào, tập trung nhất là các tỉnh ở ĐBSCL. Như vậy có thể nói, ĐBSCL hiện đã có đại dịch và nguy cơ đại dịch lây lan ra cả nước là rất lớn.

Dịch lợn tai xanh năm nay diễn biến khác với mọi năm về cả thời gian và vùng phát dịch. Mọi năm, vùng ĐBSCL và Tây Nguyên hầu như không có dịch nhưng năm nay đây lại là vùng dịch nặng nhất. Do lần đầu có dịch, tâm lý chủ quan và ý thức đề phòng dịch trong cộng đồng chưa cao nên nhiều hộ nuôi lợn ngại thực hiện các biện pháp phòng dịch như: phun thuốc sát trùng, tiêm phòng, hạn chế người qua lại, không giết mổ, vận chuyển lợn có dịch sang vùng khác. Cũng do lần đầu có dịch, việc tuyên truyền, giải thích, chi trả tiền hỗ trợ của Chính phủ, tiêu huỷ lợn dịch ở nhiều địa phương còn khá lúng túng. Chính những bất cập này càng làm cho dịch bệnh lây lan nhanh và thiệt hại lơn hơn. Người ta thấy trên nhiều dòng kênh ở Nam Bộ có cả xác lợn chết dịch đang thối rữa. Đây là nguồn lây lan bệnh, những ổ dịch di động rất nguy hại.

Lợn là loại gia súc lớn, nhiều khi là nguồn thu nhập chính của nông dân trong năm. Các cơ sở kinh doanh chăn nuôi lợn, có nơi nuôi hàng vạn lợn, ít ra cũng hàng trăm con, nếu bị dịch bệnh, thiệt hại càng không nhỏ. Chính vì mỗi con lợn là một khoản tài sản đáng kể nên tâm lý người chăn nuôi là dấu bệnh, phân tán, giết mổ lợn dịch để giảm thiệt hại. Trong hoàn cảnh đó, cần làm kịp thời, đầy đủ, công bằng việc phân phối quĩ hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi của Chính phủ, để người dân tự giác khai báo dịch, thực hiện các biện pháp phòng trừ dịch, ủng hộ việc tiêu huỷ, hạn chế buôn bán phân tán lợn. Mặt khác, cần làm tốt việc đánh giá, phân loại, khoanh vùng để việc tiêu huỷ lợn ở mức thấp nhất, đỡ thiệt hại cho người nuôi. Bệnh dịch lợn tai xanh cũng không lây sang người, thịt lợn tai xanh nếu giết mổ, chế biến hợp vệ sinh (chủ yếu là nấu chín kỹ) vẫn có thể ăn được. Một mặt, tuyên truyền để người dân không giết mổ, vận chuyển, buốn bán thịt lợn bị dịch không bảo đảm vệ sinh môi trường. Mặt khác, tuyên truyền để người kinh doanh và tiêu dùng không tẩy chay kinh doanh và sử dụng thịt lợn, chỉ yêu cầu không để lẫn thịt lợn dịch và không bị dịch, không dùng thịt lợn dịch để chế biến các món ăn không cần nấu chín, giữ vệ sinh môi trường, vệ sinh y tế thật chặt chẽ. Đây là việc khó nhưng lại rất quan trọng, vì quyền lợi của người chăn nuôi và cả người kinh doanh, tiêu dùng.

Mấy năm nay, năm nào cũng có dịch lợn tai xanh, năm sau nặng hơn năm trước nhưng vắc- xin phòng dịch vẫn chưa sản xuất được. Có thể đòi hỏi từ trách nhiệm của Bộ NN-PTNT và các nhà khoa học nông nghiệp trong nước, nhưng trước mắt vẫn cần làm tốt phần việc của mình để ngăn chặn đại dịch lan ra cả nước ./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực