Cảnh giác với thiên tai!

Thứ sáu, 23/04/2021 16:10
(ĐCSVN) - Trận lũ quét xảy ra vào sáng sớm ngày 17/4 do mưa lớn tại Lào Cai mới đây làm cuốn trôi 3 người một lần nữa tiếp tục là lời cảnh báo cho người dân về việc luôn luôn phải cảnh giác, đề phòng với thiên tai và trách nhiệm của chính quyền địa phương trong việc sẵn sàng các giải pháp để ứng phó khi mùa mưa bão đang cận kề.
leftcenterrightdel
 Cống ngầm Nậm Niệp chảy qua Quốc lộ 279 bị bịt bởi nhiều cây gỗ khiến dòng lũ đổi hướng đổ về khu dân cư. (Nguồn ảnh: thanhnien.vn)

Rạng sáng ngày 17/4 vừa qua, mưa lớn khiến lũ quét xảy ra trên suối Nậm Niệp ở thôn Minh Hạ, xã Minh Lương, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai. Dòng lũ từ thượng nguồn suối Nậm Niệp đổ về mang theo nhiều đá hộc, cây gỗ lớn chảy qua cống ngầm đi qua Quốc lộ 279. Qua xác minh ban đầu, do miệng cống quá bé, lại bị chặn bởi nhiều cây gỗ nên đã nắn dòng hướng về phía khu dân cư tại thôn Minh Hạ 1. Trận lũ quét đã cuốn trôi 3 người và gây nhiều thiệt hại về tài sản của người dân. Tính đến thời điểm 19/4, thiên tai đã gây thiệt hại trên 7,8 tỷ đồng tại Lào Cai.

Hay tại tỉnh Gia Lai, theo báo cáo nhanh số 101/BC-VPTT ngày 16/4 của Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh: mưa dông, lốc, sét làm tốc mái 1 căn bếp tại huyện Đăk Đoa vào ngày 15/4 và 12 căn nhà tại huyện Chư Sê ngày 13/4. Tại thành phố Hồ Chí Minh, theo thông tin từ Văn phòng thường trực Ban chỉ huy PCTT&TKCN Thành phố, sáng ngày 16/4, mưa dông đã làm 8 cây xanh bị gãy đổ, 1 người bị thương nhẹ.

Đây là những thiệt hại ban đầu ghi nhận trong năm 2021, trong khi đây mới chỉ vào tháng 4 này, chưa đến mùa mưa bão chính thức (thường bắt đầu từ tháng 6). Tuy nhiên, tháng 4 cũng chính là thời điểm giao mùa, thường diễn ra các trận mưa dông, lốc kèm theo gió giật mạnh. Đây cũng là một dạng hình thái thời tiết nguy hiểm mà khi hoạt động ngoài trời người dân cần hết sức lưu ý.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã có các công văn về việc chủ động ứng phó với dông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh. Trong công văn nêu rõ yêu cầu: Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thiên tai, thời tiết để thông báo, hướng dẫn kịp thời, thường xuyên cho các cấp chính quyền, nhân dân chủ động phòng tránh, giảm thiểu thiệt hại do các hiện tượng thời tiết xấu, nhất là dông, lốc, sét và mưa lớn cục bộ; lũ quét, sạt lở đất ở khu vực miền núi.

Điều này đòi hỏi các cấp chính quyền cần luôn luôn bám chặt các dự báo thông tin thời tiết, nhất là trong thời kỳ chuyển mùa hiện nay, thường có những cơn mưa dông rất lớn rất dễ xảy ra lũ quét cục bộ, đặc biệt tại các tỉnh miền núi phía Bắc để thông báo tới từng người dân để nắm bắt tình hình. Từ đó, luôn sẵn sàng, nâng cao cảnh giác để ứng phó với thiên tai xảy ra, nhất là khi những dự báo đã rất sát về thời gian có thể xảy ra mưa dông lớn.

Đặc biệt hơn, khi mùa mưa bão đang đến gần, những bài học từ mùa mưa lũ lịch sử năm 2020 vừa qua vẫn chưa hề “nguội” đối với chúng ta. Năm 2020 được nhìn nhận là một năm bão, mưa lũ lịch sử với 14 cơn bão, 2 áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó, gần 2 tháng cuối 2020, khu vực duyên hải miền Trung đã chịu ảnh hưởng dồn dập của 9 cơn bão (từ số 5 đến số 13) và 2 áp thấp nhiệt đới.

Trong khi đó, trước khi diễn ra những cơn bão như đã đề cập ở trên, tính từ mùa mưa bão, bắt đầu khoảng từ tháng 6 trong năm cho đến đầu tháng 10, chúng ta chưa ghi nhận thiệt hại nghiêm trọng nào. Vậy mà, chỉ bắt đầu từ tháng 10 đến hết năm, những cơn bão “chồng” cơn bão nối tiếp nhau liên tục đổ bộ vào nước ta đập tan hy vọng về một năm "mưa thuận gió hòa". Chỉ trong 2 tháng sau đó, bão, lũ dồn dập đã khiến cho nhiều gia đình lâm vào tình trạng mất trắng, lũ cuốn trôi nhà cửa, tài sản, ruộng vườn…

Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ những nỗi đau về sự mất mát, chia ly khi 13 chiến sỹ cứu hộ tại Rào Trăng 3 hy sinh và nhiều công nhân mất tích tại thủy điện Rào Trăng 3 hiện vẫn chưa tìm thấy. Còn đó nỗi đau khi chồng đưa vợ đi sinh nhưng lũ dữ đã cuốn trôi người mẹ đang mang trong mình sinh linh bé nhỏ chuẩn bị chuyển dạ… Và nỗi đau không thể kể xiết khi nhìn toàn cảnh từ trên cao, nhiều vùng vốn là nhà ở của người dân chỉ còn biển nước mênh mông.

Dễ dàng nhận thấy rằng, phòng chống thiên tai chưa bao giờ là công việc phải ngừng nghỉ ở nước ta. Một nước gần Biển Đông, với vị trí địa lý đặc biệt, thường xuyên chịu tác động mạnh của thiên tai, nhất là các cơn bão nhiệt đới thường xuyên khi đến mùa.

Để phòng chống bão lũ, thiên tai hiệu quả, thiết nghĩ, cần nâng cao hơn nữa tính trách nhiệm của chính quyền trong phòng chống thiên tai, đặc biệt là ý thức tự chủ động phòng tránh thiên tai của chính người dân. Chính quyền cần thực hiện tốt công tác rà soát các công trình phòng, chống thiên tai, đặc biệt trong thời điểm trước và trong mùa mưa lũ để có những phương án điều chỉnh kịp thời. Sự việc lũ quét xảy ra tại Lào Cai vừa qua cũng để thấy việc dòng chảy bị chặn do miệng cống quá bé khiến lũ không có đường thoát nên đã nắn dòng, chuyển hướng vào khu vực dân cư, gây ra nhiều thiệt hại về người và tài sản. Đây cũng là bài học cho chính quyền địa phương cần có trách nhiệm trong việc cần kiểm tra, rà soát lại tất cả các công trình phòng, chống ngay trong thời điểm mùa mưa lũ.

Đáng chú ý hơn cả, trong bối cảnh diễn biến thiên tai bất thường, theo chiều hướng cực đoan, thì quan trọng là người dân càng cần phải được trang bị và chủ động hơn trong việc phòng tránh. Đến thời điểm này, chúng ta phải nghĩ nhiều hơn tới nhà an toàn trong điều kiện lũ dâng cao và các biện pháp cần có để sống sót trong điều kiện nước bủa vây người dân. Thực tế, thời gian qua, chúng ta đã triển khai được nhiều nhà an toàn theo nguồn vốn được hỗ trợ từ Chính phủ và của các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, để làm được điều này, vẫn cần rất nhiều nguồn lực để triển khai cho các tỉnh trọng điểm thường xuyên chịu ảnh hưởng của bão, mưa, lũ lớn.

Đã có những mô hình mang lại hiệu quả mà người dân tự nghĩ ra khi trải qua tác động của những cơn lũ dữ. Đơn cử như tại Hương Khê (Hà Tĩnh) – vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi lũ, sống trong vùng thấp trũng, áp dụng phương châm “4 tại chỗ”, tại mỗi nhà, người dân đã tự đầu tư làm 2 bè nổi, 2 chiếc thuyền nốc để chủ động ứng phó với lũ lụt. Mùa thu hoạch về, nông sản được cất sẵn ở trên nhà vượt lũ, nhà bè. Đến mùa lũ, khi có thông tin của thôn từ loa phát thanh thì người dân chỉ việc đưa trâu, bò đến nơi cao như đồi, núi. Chính sự chủ động của người dân đã góp phần rất lớn trong việc giảm thiểu thiệt hại trong đợt lũ gần đây nhất.

Song song với các công tác phòng chống hiệu quả, cũng cần đặc biệt lưu tâm tới vấn đề an toàn trong cứu hộ. Xin đừng để những nỗi đau lặp lại khi những người đi cứu hộ lại chính là những người gặp nạn. Vụ việc 13 chiến sỹ hy sinh khi đi làm nhiệm vụ tại Rào Trăng 3 một lần nữa cho thấy cần thực sự nghiêm túc trong công tác đảm bảo an toàn cho lực lượng cứu hộ, cứu nạn. Đừng để những người đi sau, tham gia làm công tác nhân văn – đi cứu hộ vẫn gặp hoàn cảnh thương tâm. Một trong những biện pháp cần được đặc biệt quan tâm là công tác “cảnh giới”. Bởi đi trong điều kiện thiên tai đang diễn ra, sạt lở đất, lũ quét vẫn đang được dự báo tiếp tục diễn ra, vậy tại sao những người đi thực hiện công tác cứu hộ lại không được bảo vệ, vừa làm nhiệm vụ nhưng không được đảm bảo sự an toàn?

Chính vụ việc trong tháng 11/2020 vừa qua tại Quảng Nam đã cho thấy rõ vai trò của công tác cảnh giới. Trong lúc các lực lượng tham gia tìm kiếm người mất tích và lực lượng san ủi bùn đá khai thông quốc lộ 40B, tại khu vực thôn 1, xã Trà Tân, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam, thì bất ngờ một lượng lớn đất đá từ phía trên cao đổ ập xuống đúng vị trí này. Theo ước tính ban đầu, vụ sạt lở đã kéo theo hơn 5.000 m3 bùn đất, đá tràn xuống quốc lộ 40B. Lúc đó, có khoảng hơn 40 cán bộ, chiến sĩ các lực lượng công an, quân sự địa phương và dân quân tự vệ đang tham gia công tác tìm kiếm người mất tích. Rất may, nhờ bộ phận cảnh giới đã kịp thời thông báo nên toàn bộ lực lượng tham gia tìm kiếm và lực lượng san ủi đất đá dưới nền đường kịp thời thoát hiểm.

Theo Trung tâm dự báo khí tượng Thủy văn Quốc gia, giai đoạn tháng 6-7/2021, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng bắt đầu hoạt động ở vùng biển phía Bắc Biển Đông và gia tăng tần suất trong những tháng tiếp theo, nhiều khả năng sẽ ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ trong những tháng 8-10/2021. Đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và gây gió mạnh trên biển trong các tháng mùa mưa bão năm 2021. Đồng thời, trong các tháng chuyển mùa (từ tháng 4-6) đề phòng xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, sét, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.

Những hình thái thời tiết nguy hiểm trong thời gian sắp tới và mùa mưa bão đang đến gần đòi hỏi Chính phủ còn rất nhiều công việc phải làm. Trước tiên, chính quyền địa phương và mỗi người dân cần chủ động nâng cao tính cảnh giác và sẵn sàng các giải pháp đối phó với từng tình huống, linh hoạt, luôn sẵn sàng ở trạng thái và tâm thế chủ động để cùng chung tay góp phần giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, để cùng “sống chung với lũ” nhưng vẫn an toàn./.

BT

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực