Chặn tình trạng “sốt đất ảo”

Thứ bảy, 25/12/2021 20:02
(ĐCSVN) - Thời gian qua, tình trạng giá đất tăng cao bất thường, “sốt đất ảo” đã diễn ra tại nhiều địa phương. Các chuyên gia cho rằng, cần sớm ngăn chặn tình trạng nói trên để hạn chế những nguy cơ gây mất ổn định thị trường bất động sản và loại bỏ các tác động tiêu cực đối với các nhà đầu tư chân chính.

Tình trạng khá phổ biến…

Những năm gần đây, tình trạng “sốt đất ảo” liên quan đến các thông tin quy hoạch đã tạo ra không ít biến động cho thị trường bất động sản. Điển hình như tại Hà Nội, thị trường bất động sản Thủ đô đã “nóng” lên ngay sau khi có thông tin về việc UBND Thành phố đề xuất chủ trương và xây dựng quy hoạch vùng huyện Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh nằm ở phía Bắc Thủ đô lên thành phố; đồng thời, chính quyền Thủ đô cũng sẽ nghiên cứu phát triển mô hình "thành phố trong thành phố" thêm tại phía Tây (thành phố mới Hòa Lạc). Theo đó, tại khu vực trung tâm huyện Đông Anh, giá đất được chào bán có thể lên tới 80-100 triệu đồng/m2 cho nhà mặt đường, 35-40 triệu đồng/m2 đối với nhà trong ngõ. Còn ở huyện Mê Linh, giá nhà đất được quảng cáo tăng thêm từ 15-30 triệu đồng/m2, cao hơn gấp hai, gấp ba lần so với những năm trước. Thậm chí một số dự án bỏ hoang, cỏ mọc um tùm cũng được môi giới quảng cáo, thổi phồng giá đất lên đến hơn 50%.

Tình trạng “sốt đất ảo”  đã diễn ra ở khá nhiều địa phương. (Ảnh: PV).

Trước đó, trong những tháng đầu năm 2021, tình trạng “sốt đất ảo” cũng là nguyên nhân khiến giá bất động sản tại thành phố Hồ Chí Minh liên tục được đẩy lên. Đặc biệt, giá đất khu vực Thủ Đức trước thời điểm lên thành phố đã liên tục có nhiều đợt tăng giá. Có thời điểm, vị trí đất mặt tiền tại một số đường như Nguyễn Xiển, Nguyễn Phước Thiện, Hoàng Hữu Nam, Nguyễn Văn Tăng… đã lên tới hơn 100 triệu đồng/m2, thậm chí gần 200 triệu đồng/m2. Nhiều khu vực khác, giá đất trước đây chỉ khoảng 40-50 triệu đồng/m2 thì đã tăng lên 70-100 triệu đồng/m2.

Diễn biến thị trường bất động sản thời gian qua cho thấy, những cơn “sốt đất ảo” đã không chỉ diễn ra ở Hà Nôi, thành phố Hồ Chí Minh mà còn xuất hiện ở nhiều địa phương khác; nhất là khi có các thông tin quy hoạch lớn như xây mới công trình hạ tầng giao thông, khu đô thị, dự án lớn… Trong khi đó, thực tế giá bất động sản tại các khu vực này có tăng nhưng vẫn trong mức ổn định, không có dấu hiệu tăng mạnh theo kiểu “mỗi ngày một giá” như lời quảng cáo của các môi giới hay thông tin đăng tải trên mạng internet.

Theo các chuyên gia bất động sản, “sốt đất ảo” thường xảy ra do một số đối tượng lợi dụng thông tin quy hoạch nhằm đẩy giá, thao túng thị trường. Nói cách khác, chính “cò đất”, môi giới đang tìm cách lợi dụng các thông tin liên quan đến quy hoạch để thu hút, mời chào những người muốn đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư mới; thổi giá bất động sản lên cao, tạo cơn “sốt đất ảo” để đầu cơ, trục lợi.

Cần những giải pháp cụ thể, đồng bộ

Bị hút theo những cơn “sốt đất ảo”, không ít nhà đầu tư đã trở thành nạn nhân của “bong bóng” bất động sản. Nhanh chóng bỏ tiền mua đất tại các khu vực được coi là có tiềm năng sinh lời lớn, những người này sau đó dù chấp nhận lỗ vốn cũng khó có thể bán được phần đất đã mua bởi việc quy hoạch đôi khi chỉ là những thông tin truyền miệng, khác xa so với thực tế.

Trao đổi với báo chí, kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho rằng, việc lập lờ thông tin quy hoạch chính là một trong những nguồn cơn của các đợt “sốt đất ảo” diễn ra ở nhiều địa phương trên cả nước. Thông tin quy hoạch không được công bố hoặc công bố thiếu đầy đủ đã tạo cơ hội cho các cá nhân, tổ chức lợi dụng quy hoạch để "tạo sóng," gây “sốt đất ảo”, làm rối loạn thị trường. Kiến trúc sư Phạm Thanh Tùng cũng cho rằng để ngăn chặn sốt đất, việc công khai quy hoạch cần được họp báo và thực hiện một cách nghiêm túc để định hướng thông tin cho người dân. Hơn hết, người dân cũng cần hiểu đúng về quy hoạch, phải từ quy hoạch chung đến quy hoạch phân khu, trên cơ sở đó mới được mời nhà đầu tư vào.

Theo Luật sư Nguyễn An Bình (Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội), việc công khai các thông tin quy hoạch đã được pháp luật quy định rất đầy đủ. Cụ thể, các điều 40, 41, 42, 43 của Luật xây dựng 2014 quy định rõ về “công khai quy hoạch xây dựng”; Mục 1, Điều 48 Luật Đất đai năm 2013 cũng quy định: “1. Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp quốc gia, cấp tỉnh, cấp huyện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt phải được công bố công khai”. Song, đến nay việc thực hiện quy định này tại nhiều địa phương trên cả nước vẫn còn những hạn chế nhất định.

Cần những giải pháp đồng bộ để ngăn chặn tình trạng "sốt đất ảo". (Ảnh: VH). 

Để chặn tình trạng “sốt đất ảo”, nhiều chuyên gia cho rằng, vấn đề mấu chốt là chính quyền phải công khai, minh bạch thông tin về quy hoạch, tiến độ triển khai các dự án, đặc biệt là những dự án lớn hay sáp nhập, nâng cấp đơn vị hành chính… để người dân, doanh nghiệp nắm rõ. Việc công khai quy hoạch, minh bạch thông tin là “chìa khóa” để ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá đất để trục lợi bất hợp pháp. Về lâu dài, cần đẩy mạnh số hóa quy hoạch, sản phẩm bất động sản để người dân thuận tiện tra cứu, tiếp cận thông tin khi có nhu cầu.

Mới đây, Bộ Xây dựng đã có công văn số 4363/BXD-QHKT gửi UBND các tỉnh, thành phố yêu cầu tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc tiếp tục thực hiện đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị. Tại Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cũng đã giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc chủ trì, rà soát, tiếp tục triển khai thực hiện đăng tải thông tin hồ sơ đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị theo yêu cầu của Bộ Xây dựng. Đây được coi là những động thái tích cực nhằm ngăn chặn tình trạng “sốt đất ảo”.

Cơ quan chức năng các cấp cần tăng cường giám sát thị trường, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng lợi dụng thông tin quy hoạch hạ tầng và phát triển dự án để đẩy giá bất động sản nhằm thu lợi bất chính; thường xuyên quản lý, nắm chắc thị trường bất động sản và hoạt động của đội ngũ môi giới, thực hiện các biện pháp kịp thời để bình ổn thị trường, không để xảy ra tình trạng sốt giá, tung tin đồn thổi, đầu cơ, tạo “sốt đất ảo” đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp. Đặc biệt, người đứng đầu địa phương, các bộ phận chức năng phải chịu trách nhiệm khi các quy định về công khai, minh bạch quy hoạch không được thực hiện, dẫn đến các đối tượng lợi dụng thông tin quy hoạch để thổi giá bất động sản.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về sở hữu nhà đất theo hướng đánh thuế cao đối với hành vi bán, chuyển nhượng mang dấu hiệu đầu cơ, lướt sóng và đánh thuế tài sản nhằm hạn chế tình trạng đầu cơ nhà đất, ổn định thị trường bất động sản.

Ở hướng tiếp cận khác, các chuyên gia cảnh báo, những nhà đầu tư có ý định mua bán, đầu tư bất động sản tại các khu vực có giá đất tăng cao bất thường cần cẩn trọng với những thông tin đồn thổi, nắm rõ về quy hoạch để tránh gặp những rủi ro liên quan đến pháp lý. Đồng thời, phải chủ động tiếp cận chính quyền địa phương để tham khảo thông tin chính xác về thửa đất, nguồn gốc đất, các vấn đề về quy hoạch mới được phê duyệt nếu có.

Thực hiện nghiêm các quy định về công khai thông tin quy hoạch; hoàn thiện hệ thống các quy định pháp luật; kịp thời nắm bắt, xử lý các cá nhân, tổ chức có biểu hiện tung tin, “thổi giá đất”… là cơ sở để ngăn chặn tình trạng “sốt đất ảo”, tiến tới lành mạnh hóa thị trường bất động sản tại các địa phương và trong cả nước./.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực