Chấp hành Luật tài nguyên không nghiêm

Thứ ba, 30/03/2010 10:04

                  Ảnh minh họa
(ĐCSVN)
- Vào những ngày này, khi mực nước các triền sông khô cạn, người ta thấy ở khắp nơi, nhất là dọc các triền sông nhiều cát, dễ vận chuyển, đường vận tải ngắn, hàng đoàn ô tô lớn nhỏ xếp hàng trước các máy xúc đang làm việc hối hả.

Cát khô, được chuyển nhanh chóng đến tận chân công trình, cả thuế lẫn chi phí, giá thành chỉ 30.000 đồng, được bán 80.000 đồng, 100.000 đồng một mét khối. Còn ở lưu vực sông Cửu Long, không chỉ mùa này mà quanh năm nhan nhản các tàu hút. Từ Việt Nam sang tận Căm-pu-chia, đâu cũng sà lan và tàu hút. Mỗi sà lan chứa khoảng 100 mét khối cát, mỗi ngày dăm chuyến ngược xuôi. Các chủ cát chiếm từng đoạn sông dài, mua luôn cả những dải đất hay sạt lở ven bờ, cả quyền khai thác cát sỏi dưới sông. Mặc dù đã có qui định của Chính phủ nhưng nạn khai thác cát sỏi bừa bãi vẫn diễn ra ngay trước các cơ quan, cán bộ quản lý, mùa nước cạn càng náo nhiệt. Nhà nước mất tài nguyên, sông biến đổi dòng chảy, đất hai bên bờ sụt lở hàng ngàn héc ta, nhiều xóm làng, nhà cửa, hoa màu bị chìm xuống sông ở hàng trăm điểm.

Đấy là những dòng sông nhiều cát sỏi. Tang thương hơn là cảnh những dòng sông, con suối, ngòi nước trên miền núi, nơi bị phát hiện có khoáng sản, nhất là các kim loại quí như vàng. Có thể nói, miền núi nước ta ở đâu cũng có vàng. Để đào đãi vàng, người ta dùng máy móc hiện đại và cả những phương tiện thủ công, phá tan hoang đồi núi, nhà cửa, đồng ruộng, các sông ngòi rồi dùng hóa chất trong đó có nhiều chất rất độc hại để đãi vàng sa khoáng hoặc vàng nghiền từ quặng đá. Hiện trên đất nước ta đang có hàng trăm điểm đào đãi vàng, thu hút hàng vạn người đào đãi như thế. Có bao nhiêu điểm đào đãi là có bấy nhiều vùng đất, dòng sông bị tàn phá, gây ô nhiễm đất đai, nguồn nước, mất trật tự an ninh. Những nơi như vậy, ngoài việc thất thoát tài nguyên, không thu được thuế, phải rất lâu sau thậm chí không bao giờ có thể khôi phục như trước về môi trường.

Vùng cát trắng ven biển nhiều sa khoáng ti tan cũng đang bị phá hoại môi sinh nghiêm trọng. Hàng vạn héc ta rừng phòng hộ, rừng lấy gỗ ven biển có tuổi thọ vài chục năm từ Nghệ An trở vào tới tận miền Nam Trung Bộ đang là nạn nhân của hoạt động khai thác ti tan lộ thiên. Mất rừng phòng hộ, mất lớp thực bì, cát theo gió bay vào trong đồng, biến ruộng đất màu mỡ thành bãi cát, có nhiều làng xóm không thể ở được vì cát vùi.

Trong kỳ họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội vừa qua, khi thảo luận để sửa đổi, bổ sung Luật tài nguyên, nhiều đại biểu đề nghị phải có những chế tài tăng nặng tiền phạt, sử lý pháp luật đối với những hành vi chiếm dụng, phá hoại tài nguyên và cả môi trường quốc gia. Nghe thì hợp lý nhưng làm thật khó vì có khi Luật thì có nhưng việc chấp hành luật lại không nghiêm!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực