Chuồng bò 13 tỷ và câu chuyện lòng tin

Thứ năm, 22/04/2021 14:35
(ĐCSVN) – Cố tình "đưa nhầm" 45 hộ dân vào đề án để hưởng lợi, xây chuồng bò tới 236 triệu đồng… những sai phạm đã được vạch ra, đã có địa chỉ rõ ràng. Vấn đề còn lại là sự quyết tâm loại trừ cái xấu, điều mà chúng ta có thừa trong lời nói nhưng vẫn thiếu trong hành động.

Ngày 20/4, Công an tỉnh Nghệ An quyết định khởi tố bị can đối với ông Lương Thanh Hải - Nguyên Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An và 3 bị can khác vì những sai phạm khi thực hiện đề án phát triển kinh tế - xã hội dân tộc Ơ Đu tỉnh Nghệ An năm 2019. Các bị can bị khởi tố với các tội danh, gồm: "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng", "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ", “Tham ô tài sản” vì khi lập kế hoạch thực hiện đề án, cố tình "đưa nhầm" 45 hộ với 231 nhân khẩu người Thái, người Khơ Mú thành người Ơ Đu ở bản Đửa (xã Lượng Minh, huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An) để xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu với dự toán lên đến hàng chục tỷ đồng và có nhiều dấu hiệu sai phạm trong hạng mục xây dựng 67 chuồng bò trị giá gần 13 tỷ đồng.

Chuồng bò trị giá 136 triệu đồng nằm bên cạnh nhà dân ở bản Văng Môn. Ảnh: toquoc.vn

Ở hạng mục Hỗ trợ xây dựng chuồng trại gia súc theo quy hoạch lâu dài với giá trị 12,659 tỷ đồng, có 67 chuồng trại được xây mới theo 3 mẫu:  4 chuồng loại 1 có diện tích 4,5x6,9m, bình quân 127 triệu đồng/chuồng; 10 chuồng loại 2 diện tích gấp đôi loại 1, bình quân 236 triệu đồng/1 chuồng và 53 chuồng loại 3 diện tích 6x5,6m, bình quân 136 triệu đồng/chuồng.

Khi được hỏi về loại chuồng này, ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) bày tỏ: "Nuôi bò, hay nuôi trâu mà đầu tư cho hộ gia đình dân tộc miền núi như thế thì không ổn, bởi đó là đầu tư theo mô hình trang trại, quy mô công nghiệp. Đối với bà con ở miền núi, nhất là đồng bào dân tộc thì rất khó áp dụng và có phần lãng phí".

Và mặc dù ông Đặng Xuân Quyền, Trưởng Phòng Quản lý Xây dựng công trình (Sở NNPTNT Nghệ An, đơn vị thẩm định thiết kế và dự toán) cho rằng: “Dự án này không lãng phí bởi vì đây là xây dựng mô hình mẫu, mà mô hình mẫu là phải theo tiêu chuẩn định mức của việc chăn nuôi bò. Vì đây là miền núi cộng với đơn giá của Nhà nước nên ra số tiền như vậy”. Ông cũng cho rằng: Việc thẩm định giá dự án được thực hiện theo quy định của Nhà nước, đơn giá thống nhất chung của cả tỉnh. Nhưng dư luận vẫn vô cùng bức xúc, bởi lẽ ở một nơi như vùng núi Nghệ An, nhân dân còn rất nghèo, nhà tranh vách đất, thì ngoài việc đầu tư chuồng bò với giá hàng trăm triệu đồng là lãng phí, liệu việc xây chuồng bò có giá quá cao, trong khi rất nhiều người dân xây dựng những phòng trọ kiên cố, nền đá hoa, nhà vệ sinh trong phòng chỉ có giá vài chục đến dưới 100 triệu đồng; hay như đã có hàng nghìn những ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng chỉ với vài chục triệu đồng; hoặc có thể so với giá trị xây dựng nhà ở kiên cố, mái bê tông tại Hà Nội 5-6 triệu đồng/m2, thì quả thật, “nhà” cho bò ở Nghệ An đã được xây dựng quá “sang”. 67 chuồng bò đã xây dựng xong và được nghiệm thu. Nhìn những chuồng bò như thế, ai cũng thấy có sự bất thường trong giá xây dựng. Vậy liệu có sự thất thoát, lãng phí, thổi giá trong xây dựng chuồng bò ở đây không?

Chủ trương xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống cho người Ơ Đu, thể hiện sự quan tâm của Nhà nước với tộc người thiểu số; chủ trương cấp bò, xây chuồng bảo vệ bò cho dân, “cho dân cần câu” thì đúng. Tuy nhiên, khi thực hiện, người ta cố tình làm sai, lợi dụng chính sách để trục lợi; lãng phí, tham ô, rút ruột đề án để tư lợi gây nên sự bức xúc không hề nhỏ từ dư luận. Một đề án rất thiết thực, giàu tính nhân văn nhưng lại có kết cục buồn, tổn hại đến lòng tin của người dân vào chủ trương tốt đẹp của Đảng và Nhà nước, vào tinh thần nhân văn của dân tộc, khiến dư luận phẫn nộ bởi ngoài việc làm thiệt hại ngân sách quốc gia, thì lòng tin của người dân vào chính quyền, vào cán bộ quản lý đang bị bào mòn. Mặc dù một số cán bộ làm sai đã bị khởi tố, nhưng dư luận vẫn đang mong đang chờ một kết quả điều tra thật công tâm, bản án thật thích đáng, không nương tay của cơ quan công quyền trong vụ việc này, để làm gương cho những kẻ luôn tìm cách sống phè phỡ trên tiền thuế của dân.

Sự việc xảy ra không mới, cũng không phải là cá biệt, nhưng một lần nữa, mỗi cán bộ lãnh đạo quản lý, xin đừng lãng phí, làm thất thoát thuế của dân. Tạo dựng và lấy lại lòng tin của nhân dân vào chính quyền, vào cán bộ lãnh đạo quản lý - đó là đòi hỏi tất yếu của cuộc sống, đòi hỏi của thực tiễn phát triển./.

T. Huyền

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực