Công nghiệp âm nhạc: "Chìa khóa" phát triển

Thứ sáu, 29/11/2024 15:39
(ĐCSVN) - Công nghiệp âm nhạc được coi là một trong những trụ cột chính của ngành công nghiệp văn hóa quốc gia và chúng ta đang có những bước tiến đáng kể trên lĩnh vực này. Nếu tận dụng được cơ hội, ngành công nghiệp âm nhạc Việt có thể phát triển, tạo hiệu quả cao về quảng bá cũng như doanh thu…

Tín hiệu vui của ngành công nghiệp âm nhạc

Dù năm 2024 chưa kết thúc nhưng có thể thấy đây là năm đánh dấu một mùa bội thu của các chương trình âm nhạc giải trí khi có nhiều chương trình biểu diễn thu hút hàng chục vạn khán giả, tạo làn sóng yêu thích khắp cộng đồng. Trong đó, điển hình là hai concert (chương trình biểu diễn âm nhạc) “Anh trai vượt ngàn chông gai” và “Anh trai say hi” - bước ra từ những chương trình truyền hình thực tế gây “sốt” phát sóng trong mùa hè qua. Sau thành công tại thành phố Hồ Chí Minh, hai chương trình này tiếp tục gây “sốt” vé các đêm diễn tại Hà Nội. Giá vé của các concert dao động trong khoảng 500 nghìn đồng đến 10 triệu đồng và được bán hết sạch ngay khi mở bán vài giờ đồng hồ. Hiệu ứng này có thể coi đó là tín hiệu cho thấy thị trường nhạc Việt đang khởi sắc. Và nếu tận dụng tốt đà này có thể đưa công nghiệp âm nhạc, công nghiệp văn hóa bứt phá.

Concert "Anh trai say hi” - một trong những thành công của công nghiệp biểu diễn Việt Nam. (Ảnh: Nhà sản xuất)

Lý giải về sức hút của các concert này, có thể thấy rằng, đây là những chương trình nắm bắt được thị hiếu của công chúng hiện nay, bắt theo xu hướng giải trí của các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Trung Quốc, Thái Lan… Các chương trình này được tổ chức hoành tráng, chuyên nghiệp từ nội dung, tạo hiệu ứng đến truyền thông. Đặc biệt là các chương trình đều nhấn vào bản sắc Việt, khai thác yếu tố truyền thống kết hợp với xu hướng thời đại nên thu hút không chỉ người trẻ mà nhiều đối tượng khán giả.

Sức nóng của hai chương trình "Anh trai" này cho thấy trải nghiệm nghệ thuật phong phú là yếu tố quyết định sự thành công của một tác phẩm hay của một chương trình. Thành công của các chương trình này cũng là minh chứng cho chiến lược sáng tạo từ gốc, lấy nền tảng văn hóa bản địa, kết hợp với các xu thế giải trí để tạo ra sản phẩm văn hóa có tính toàn cầu cao nhưng vẫn đậm đà bản sắc Việt. Chúng ta có thể thấy rõ việc đào sâu các giá trị văn hóa dân tộc và thổi bùng hơi thở đương đại sẽ giúp tạo ra những chương trình giá trị, nâng cao đời sống tinh thần của cộng đồng. Khán giả ngày nay biết tiếp nhận những tinh hoa của các dân tộc khác để có thể dung hòa những cái hay, cái mới vào văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Đây cũng có thể coi là gợi ý cho xu hướng âm nhạc Việt theo đuổi trong thời gian tới.

Tận dụng cơ hội, bắt kịp xu thế

Thực ra, sức hút của V-pop đã âm thầm phát triển với những live show hoành tráng và chất lượng cao từ các ngôi sao lớn như Mỹ Tâm, Hà Anh Tuấn, Hồ Ngọc Hà, cùng các chương trình âm nhạc đình đám như Rap Việt… Tuy nhiên, sau khi ban nhạc Black Pink của Hàn Quốc đến Hà Nội biểu diễn giữa năm 2023 và thu về 630 tỷ đồng chỉ sau hai đêm diễn mới cho chúng ta thấy rõ thị trường của Việt Nam rất tiềm năng. Cũng từ đây, những nhà sản xuất và cung cấp dịch vụ trong nước đã có cái nhìn thực tiễn hơn về việc tổ chức sản xuất và vận hành một show diễn lớn. Chúng ta cũng có cái nhìn rõ nét hơn về “văn hóa thần tượng”. Khi “văn hóa thần tượng” không chỉ thu hút khán giả mà còn đặt áp lực lên người nghệ sĩ, buộc họ phải ý thức giữ gìn hình ảnh và kiểm soát hành vi của bản thân trên sân khấu và ngoài đời. Điều này không chỉ cho phép các nghệ sĩ phát huy tối đa tiềm năng của mình mà còn tôn vinh sự độc đáo trong từng cá tính nghệ thuật, tạo nên sự sôi động và phong phú cho nền giải trí Việt Nam.

Nhìn vào công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam sẽ thấy rõ tiềm năng là rất nhiều. Từ sự thành công của các show quốc tế đến Việt Nam biểu diễn cũng như những concert nội địa do nghệ sĩ và nhà sản xuất người Việt thực hiện, cho thấy sự cởi mở và đón nhận cái mới rất cao của đa số khán giả Việt. Công chúng đã dần hình thành thói quen trả nhiều tiền hơn cho việc thưởng thức âm nhạc - một yếu tố quan trọng để hình thành nền công nghiệp âm nhạc chuyên nghiệp. Hiểu được điều này, các nhà sản xuất sẽ có những định hướng mới để sản xuất ra những sản phẩm hay và phù hợp với thời cuộc hơn.

Một cánh én không làm nên mùa xuân. Để công nghiệp biểu diễn tại Việt Nam phát triển, ngoài sự nỗ lực của người nghệ sĩ còn cần đến sự cố gắng và cả tham vọng của rất nhiều thành tố. Theo đó, muốn có nền công nghiệp biểu diễn đạt chuẩn thế giới thì đầu tiên cần có hạ tầng cho biểu diễn, xây dựng các địa điểm dành cho trình diễn chuyên nghiệp kèm theo dịch vụ hậu cần đi theo. Nhìn từ ngành công nghiệp Kpop của Hàn Quốc sẽ thấy nguồn lợi kinh tế khổng lồ mà âm nhạc mang về cho rất nhiều ngành nghề, từ du lịch, mỹ phẩm, thời trang... Có thể thấy, một hệ sinh thái phong phú, bao gồm công nghệ tổ chức sự kiện, thời trang, làm đẹp, quảng cáo, tiếp thị và các nhà phê bình uy tín, sẽ đóng góp lớn vào sự thịnh vượng của ngành biểu diễn.

Ngoài ra, với thị trường giải trí hiện nay của Việt Nam, việc phát triển chương trình truyền hình cần sự đầu tư vào nội dung chất lượng, đặc biệt tạo ra sự khác biệt về hình ảnh và trải nghiệm cho khán giả. Cần phải có chiến lược và tầm nhìn dài hạn không chỉ của các cơ quan quản lý mà cả người làm nghệ thuật. Để từ đó, âm nhạc nói riêng và ngành công nghiệp giải trí Việt Nam nói chung có thể phát triển, mang lại những lợi ích lâu dài cùng với những lợi ích to lớn về kinh tế trong tương lai. Làm được điều đó sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho thương hiệu quốc gia, thúc đẩy phát triển du lịch, dịch vụ... cũng như thu hút được đầu tư kinh tế, đặc biệt giúp Việt Nam bắt nhịp và phát triển ngành công nghiệp văn hóa.

Một vài concert ăn khách cùng lúc phát đi những tín hiệu tích cực về cơ hội nâng tầm công nghệ biểu diễn tại Việt Nam. Tuy nhiên, còn quá sớm để nói rằng, nền công nghiệp âm nhạc có thể cất cánh, trở thành một ngành kinh tế tầm cỡ. Bởi, 12 ngành chủ lực trong Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2045 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có khối ngành nghệ thuật biểu diễn (gồm âm nhạc, xiếc, múa...). Mỗi ngành đều cần những điều kiện đột phá về chiến luợc, tư duy vận hành để vươn mình, tiệm cận với trình độ thế giới. Nhưng câu chuyện thành công từ các concert vừa qua hẳn giúp gợi mở nhiều điều cho các nhà làm chính sách văn hoá và những người làm nghề./.

Khánh Vy

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực