Danh hão

Thứ hai, 05/04/2010 11:52
(ĐCSVN) - Ai chẳng cần danh, nhất là những người làm nghề tiếp xúc với công chúng, như nhà báo hoặc như nghệ sĩ chẳng hạn. Đã có người không nghe theo lời khuyên “Hãy yên tâm làm một nhà báo thầm lặng” khi anh còn làm việc ở một hãng thông tấn. Làm việc cặm cụi, cam phận bạn đọc không biết mình là ai thì thà làm nghề khác, làm báo làm gì.

Nhưng đấy là cái danh thật, sự nổi tiếng đàng hoàng bằng thực tài, bằng đổ mồ hôi sôi nước mắt cho nghề nghiệp, bằng sống đẹp... được công chúng thừa nhận. Cái danh ấy có khi bền lâu hơn chính đời người nghệ sĩ và là niềm tự hào lớn nhất, là đích vươn tới của họ.

Cũng đi tìm danh nhưng nhiều người (và ngày càng nhiều người) không tìm bằng con đường cống hiến, khổ luyện mà tìm lối đi tắt. Con đường tắt của họ là thế nào? Biết mình không có tài hát, tài đóng phim, tài viết văn, làm thơ nhưng vẫn lao vào những nghề đó để … nổi tiếng. Không có tài, tất nhiên là rất khó nổi tiếng. Vậy thì dùng tiền để che khuất những lỗ hổng chết người đó. Tiền tung ra để quảng cáo show này show khác. Tiền ra anbum vol nọ, vol kia (giọng kém đã có phòng thu “xịn” và đĩa nhựa trụ đỡ). Tiền để được mời đóng hết tập phim nọ đến tập phim kia (không cần vai chính, chỉ cần được vào vai chịu chơi, ăn diện). Tiền in sách, nhất là thơ (văn xuôi thì còn dễ lộ chứ thơ, đời người ai chẳng dắt lưng vài chục bài ). Nhưng dù sao thì những cách làm ấy vẫn còn phải “làm” một cái gì đó. Nhiều khi với những người này, thiên hạ nhìn vào còn nửa trách nửa thương. Tệ hơn là những người chỉ toan tính để làm sao danh nổi cao nhất nhưng ít phải làm nhất? Chỉ còn cách tạo ra những “vụ bê bối” người ta quen gọi là “xì-căng-đan” để báo chí xông vào, dư luận ầm ĩ, nhờ vậy mà danh nổi như cồn. Trên sàn diễn ăn mặc kệch cỡm, điệu bộ om xòm, lời nhạc nhí nhố thậm chí tên người cũng lai tây lai tàu.Trên phim thì thoắt cái là vào buồng tắm, vừa đấy đã lên giường. Mỹ thuật thì thì càng tối tăm, càng ít người hiểu càng tốt. Sách thì mang cả chuyện phòng ngủ, cả cơ thể mình ra chào hàng. Đến thế mà vẫn chưa tiếng nổi như cồn thì tung ra những độc chiêu “xưa nay hiếm”: đó là kiện tụng tùm lum, trở thành tin nóng trên các báo, để ăn theo người nổi tiếng. Tung ảnh, video clip sex của chính mình lên mạng sau đó là khóc lóc, dọa bỏ nghề, dọa tự tử. Bằng những cách đó và vô số những cách khác nữa, nhiều người kiếm được tiền, trở thành hội viên hội nọ hội kia, có người còn trở thành “sao” nữa, nếu có sự “lăng xê” của các ông bầu, bà bầu.

Tất nhiên, dù có nhiều người hoang tưởng, tin mình là “sao” thật nhưng đa phần, họ biết mình là ai trong cuộc chụp giựt, làm ăn. Mong muốn của họ là sau chục năm “tăng hết ga” sẽ “lặn một hơi không sủi tăm” sau khi gom góp được đủ số vốn để mở công ty, cửa hàng, tìm một người chồng hoặc vợ giàu có, ổn định cuộc sống lâu dài. Nhưng họ đã đành, còn việc trong cái thị trường nghệ thuật thật giả lẫn lộn ấy, công chúng nghệ thuật được gì? Họ được rất ít và mất rất nhiều. Điều được mất ấy có ngay với những lứa công chúng do chính những thị hiếu dởm, những danh hão đó sản sinh ra. Cứ xem như hôm rồi, mấy vạn người hò hét, chen lấn điên loạn trong buổi biểu diễn của mấy “sao” Hàn Quốc ở sân vận động Mỹ Đình, đến nỗi 30 người bị ngất phải khiêng ra thì biết cái thị hiếu dởm, cái chạy theo danh hão sau hàng chục năm buông lỏng đã nặng lắm, muốn thay đổi không phải dễ./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực