Để mất rồi tìm lại

Thứ ba, 27/04/2010 11:17
New Page 1

             Nhạc sĩ Văn Cao - Tác giả Quốc ca Việt Nam

(ĐCSVN) -  Hình như đấy không chỉ là đối với riêng di sản văn hóa, nhưng hãy chỉ nói về di sản văn hóa thôi. Di sản văn hóa ư, xem ra vẫn còn rộng. Vậy thì chỉ nói đến chuyện chúng ta đang lưu giữ như thế nào hình ảnh các văn nghệ sĩ tiêu biểu nhất, gương mặt của nền văn học-nghệ thuật nước nhà hơn một thế kỷ qua, cho đời sau? Và cũng khoanh lại ở Hà Nội thôi.

Nếu câu hỏi ấy được đặt ra với các nhà quản lý văn hóa, nghệ thuật, họ sẽ trả lời rằng đã làm rất nhiều và trong điều kiện còn khó khăn hiện nay, đó là một cố gắng lớn, tuy còn phải làm tốt hơn nữa. Nghe họ nói, kể ra cũng có thể thông cảm và tạm yên lòng.

Nhưng vẫn câu hỏi ấy được hỏi người dân hoặc hỏi chính các văn nghệ sĩ, chúng ta mới tá hỏa lên rằng nguy quá, đáng báo động quá. Hàng ngày, hàng giờ, chúng ta đang để mất rất nhiều tài sản văn hóa quí giá, đang hủy hoại biết bao chứng tích của cả một nền văn học-nghệ thuật vừa đấy thôi còn sinh động, cụ thể bên ta. Chẳng hạn thế này, không chỉ người dân, rất ít văn nghệ sĩ được biết Văn Cao - tác giả Quốc ca và rất nhiều tác phẩm âm nhạc, thơ, tranh đồ sộ khác sống và làm việc ở đâu, như thế nào? Cũng như thế với các họa sĩ Tô Ngọc Vân, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Trần Văn Cẩn, Văn Giáo. Cũng như thế với Trần Đức Thảo, nhà triết học được giải thưởng Hồ Chí Minh. Cũng như thế với Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Phùng Quán mà số phận của họ gắn với cả chặng đường nửa thế kỷ văn chương. Cũng như thế với Huy Cận - Xuân Diệu, một tình bạn hiếm hoi giữa hai tài năng xuất chúng trong văn học. Cũng như thế với Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, đôi tài tử giai nhân nổi tiếng đất Hà Thành, không chỉ một thời mà hàng thế kỷ may mới có được.

Không thể kể thêm nữa những thí dụ sợ nhàm tai bạn đọc nhưng nếu không kể thêm thì còn thiếu hàng trăm, nếu không nói là hàng ngàn địa chỉ đáng được kể ra nữa trong ca nhạc, sân khấu, múa, điện ảnh, kiến trúc xưa nay. Cũng bởi nếu không kể ra một cách cụ thể, xót xa thì những địa chỉ đó tuy vẫn còn nhưng đang bị hư hỏng, biến dạng, thay đổi chủ và đáng lo nhất là càng ngày càng nhiều người không biết đó là gì. Rất ít trong số người Hà Nội hôm nay còn biết số nhà 65- N.T.H; số nhà 94- Y.K; số nhà 96 phố H; số nhà 45- N.T.H; số nhà 76- P.Đ.P số nhà 51- T.H.Đ ai đã từng sống và sáng tác cũng như ở đấy đã xảy ra sự kiện gì? Bây giờ đã thế, nói gì trong tương lai. Không mấy nơi có bề dày văn hóa, nói theo thuật ngữ khảo cổ tức là tầng văn hóa dày dặn như Hà Nội nhưng cũng khó có nơi nào, người dân phải sống trong một môi trường di sản bằng không như Hà Nội. Mà qui luật là vậy, môi trường hư vô sẽ đẻ ra lối sống hư vô.

Nghe nói ở vườn hoa Lúc-xăm-bua, người ta giữ nguyên chiếc ghế nhà văn A.Phơ-răng-xơ đã ngồi ngắm lá thu rơi. Ở lầu Hoàng Hạc, người ta giới thiệu một cách trang trọng nơi theo họ, ngày xưa Thôi Hiệu đã đề thơ. Ở trụ sở Đài phát thanh Xanh Pê-téc-bua (Lêningrát cũ) có một tấm bia bằng đá xanh gắn vào tường ghi “Nhà thơ Ônga Bergon đã từng làm việc ở đây” (mặc dù bà chưa thể sánh với nhiều nhà thơ khác ở Nga). Ở Viên, thủ đô nước Áo, có một nhà lưu niệm Bít-thô-ven, khiến nhiều người háo hức tham quan. Hỏi ra mới biết đây chỉ là nhà trọ, Bít-thô-ven thuê ở trong vài tháng.

Bao giờ chúng ta mới có những địa chỉ và thái độ trân trọng văn hóa, trân trọng tài năng tương tự? Thưa rằng ta không thiếu và người Hà Nội không phải không biết trân trọng những danh nhân, những dấu ấn, chứng tích văn hóa. Vấn đề là những người quản lý văn hóa, nhất là những người trực tiếp làm việc này có coi trong và chú ý không. Đã quá nhiều việc chúng ta để mất rồi lại đi tìm, giống như hôm nay đang tìm cách phục dựng lại lối ăn mặc của người xưa, xác định năm cửa ô của Hà Nội là những cửa ô nào, gây lại giống húng Láng và đào Nhật Tân vậy ./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực