Đồng lòng tìm lời giải cho bài toán “khát” vốn

Thứ hai, 19/12/2022 16:51
(ĐCSVN) – Ngay khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) quyết định nới chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD), đã có 16 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5-3%/năm. Đây là sự quyết tâm của các TCTD đồng lòng chia sẻ gánh nặng của Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước trong việc tìm lời giải cho bài toán “khát” vốn của doanh nghiệp.
Đã có 16 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5-3%/năm (Ảnh: M.P)

Mới đây, NHNN đã quyết định nới chỉ tiêu tín dụng định hướng năm 2022 thêm 1,5 - 2% cho toàn hệ thống các TCTD. Như vậy, thay vì định hướng ở mức 14% đề ra hồi đầu năm, tăng trưởng tín dụng năm nay có thể lên tới 16%. Đây được xem là một động thái giúp giải tỏa “cơn khát” vốn của doanh nghiệp.

Giám đốc một doanh nghiệp bất động sản tại Hà Nội cho biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ngành bất động sản phải tìm mọi cách xoay xở để lo nguồn vốn, thậm chí phải vay vốn lãi suất cao bên ngoài để duy trì hoạt động. Do đó, việc điều chỉnh “room” tín dụng của NHNN là thông tin được mong chờ nhất lúc này đối với doanh nghiệp. Quan trọng là tín dụng nhanh chóng được giải ngân cho vay.

Tương tự, là một trong những nhóm ngành được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn ưu đãi do tham gia chương trình bình ổn giá thực phẩm cho TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm TP Hồ Chí Minh (FFA) Lý Kim Chi cho biết, thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ngành lương thực, thực phẩm TP Hồ Chí Minh phải tìm mọi cách xoay sở để lo nguồn vốn, thậm chí đi tìm tài sản thế chấp để được vay vốn ngân hàng. Việc điều chỉnh “room” tín dụng của NHNN là thông tin được mong chờ nhất lúc này đối với doanh nghiệp. Tuy nhiên, vấn đề vẫn là việc giải ngân phải được thông thoáng và kịp thời.

Các chuyên gia kinh tế đều nhận định, nhu cầu về nguồn vốn của đại bộ phận doanh nghiệp đang rất thiếu. Nhưng muốn được giải ngân hiệu quả và nhanh chóng rất cần có một khuôn khổ pháp lý rõ ràng để được hỗ trợ dòng tiền được khơi thông.Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, sự khó khăn của các doanh nghiệp được nhìn thấy rõ qua việc nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng. Thực tế, đã có nhiều doanh nghiệp bị từ chối cho vay, nhiều doanh nghiệp không được giải ngân mặc dù hồ sơ tín dụng đã được phê chuẩn, ngay cả khi doanh nghiệp sẵn sàng trả lãi suất cao thì cũng “bó tay” vì “room” tín dụng của ngân hàng đó đã cạn kiệt...

Theo ông Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh khó khăn của cả nền kinh tế, hai chính sách lớn nhất là chính sách tiền tệ và chính sách tài khoá cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn. Chẳng hạn, việc nới “room” tín dụng cho các ngân hàng là nhiệm vụ của NHNN, nếu ngân hàng cần hỗ trợ thanh khoản thì NHNN có thể sử dụng cơ chế cho vay đặc biệt với lãi suất thấp và thời hạn ngắn. Các ngân hàng chào mời lãi suất huy động cao cần được NHNN để ý và ngăn chặn cuộc đua lãi suất có thể trở thành rủi ro cho nền kinh tế.

Chia sẻ gánh nặng của NHNN, ngày 15/12, tại Hội nghị nhằm thống nhất các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức, đã có 16 ngân hàng cam kết giảm tiền lãi với số tiền khoảng 3.500 tỷ đồng, với mức lãi suất giảm từ 0,5-3%/năm. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cam kết giảm lãi suất 0,5-2,5%/năm cho khách hàng vay vốn thuộc lĩnh vực ưu tiên, khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, khách hàng có hoạt động xuất nhập khẩu, khách hàng doanh nghiệp nước ngoài, khách hàng cá nhân…Ngân hàng TMCP Nông nghiệp và Phát triển Việt Nam (Agribank) giảm 20% so với lãi suất cho vay đang áp dụng đối với dư nợ bằng VND tại thời điểm 30/11. Với dư nợ phát sinh từ 1/12 đến 31/12/2022, Agribank giảm tối đa 20% so với mặt bằng lãi suất đang áp dụng với từng đối tượng, lĩnh vực. Vietcombank giảm lãi suất tới 1%/năm đối với các khoản vay VND cho khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân hiện hữu, từ 1/11 đến hết 31/12/2022. Tổng số khách hàng được giảm lãi suất là 175.000 khách hàng với quy mô tín dụng hơn 500.000 tỷ đồng, chiếm gần 50% dư nợ hiện hữu...

Ngân hàng TMCP Phát triển Thành phố Hồ Chí Minh (HDBank) cam kết giảm 120 tỷ đồng với mức lãi suất giảm lên đến 3,5%/năm đối với khách hàng cá nhân và doanh nghiệp ở các nhóm ngành nghề khác nhau từ 1/11 đến 31/12/2022. SHB đã triển khai chương trình hỗ trợ giảm lãi suất từ 1,5-2%/năm cho các khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. Theo đó, Ngân hàng TMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB) ưu tiên hỗ trợ giảm lãi suất cho khách hàng hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên như: nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, dự án xanh... Các doanh nghiệp đang cần vốn để gấp rút sản xuất các mặt hàng thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu cuối năm của người dân cũng được ngân hàng triển khai hỗ trợ.

Theo đánh giá của TS Nguyễn Quốc Hùng – Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam: “Đây là sự cố gắng quyết tâm của các TCTD tiết giảm chi phí, giảm lãi suất cho vay chia sẻ khó khăn đối với các doanh nghiệp, đồng thời không để xảy ra tình trạng cạnh tranh lãi suất”.

Về phía cơ quan quản lý nhà nước, đánh giá cao tinh thần đồng thuận, thống nhất và quyết tâm chính trị cao của các ngân hàng, hưởng ứng chủ trương của Chính phủ, NHNN quan tâm tối đa giảm lãi suất cho vay dù hoạt động nền kinh tê còn khó khăn, đi đôi với nỗ lực bảo đảm an toàn thanh khoản hệ thống, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú khẳng định, thời gian qua, trong bối cảnh khó khăn, các ngân hàng đã tích cực hỗ trợ nền kinh tế. Gần đây, NHNN đã nới room tín dụng, tạo điều kiện để các TCTD tăng trưởng tín dụng, cung ứng vốn cho nền kinh tế đi đôi với bảo đảm thanh khoản. Tinh thần tiết giảm chi phí, giảm lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp là chỉ đạo của Thủ tướng và NHNN, còn ngân hàng nào khó khăn không làm được thì báo cáo NHNN để có biện pháp hỗ trợ. Quan điểm của NHNN tiếp tục ủng hộ các giải pháp hỗ trợ khác nhau như: nghiệp vụ thị trường mở (OMO), tái cấp vốn, giao dịch hối đoái hoán đổi (swap)…để các TCTD có thêm nguồn lực.. NHNN không để TCTD nào kể cả nhỏ bị rơi vào tình trạng mất thanh khoản, đây là thông điệp quan trọng khuyến khích các ngân hàng đẩy mạnh hoạt động cho vay. Dù vậy, NHNN vẫn phải lưu ý đến thanh khoản TCTD cũng như nền kinh tế, bảo đảm mức cung tiền phù hợp, bám sát mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay và sang năm.

Về cơ chế chính sách, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, NHNN đang tích cực nghiên cứu điều chỉnh cơ chế phù hợp, linh hoạt tạo điều kiện hơn cho các TCTD hỗ trợ nền kinh tế. Nhưng Thống đốc NHNN đã quán triệt tinh thần là hướng tới các mục tiêu lớn, chứ không chạy theo mục tiêu nhỏ. Về lâu dài, không để tiền lệ chấp nhận 1, 2 đơn vị đặc thù trong trường hợp đặc biệt biến thành cơ chế chung cho cả hệ thống. Các chương trình hỗ trợ của các NHTM hết sức có ý nghĩa, không chỉ số lãi suất giảm mà quan trọng là xây dựng niềm tin cho doanh nghiệp, khẳng định sự đồng hành của ngân hàng với nền kinh tế, do đó, thời gian qua lãnh đạo Chính phủ quan tâm tới vấn đề này. Khi trao đổi tại cuộc họp với các ngân hàng, Thủ tướng Chính phủ đã có phân tích rất đúng bản chất, đó là, các ngân hàng cần xác định, mình có lợi nhuận là nhờ nền kinh tế, bà con, doanh nghiệp, các bên đều có mối quan hệ cộng sinh, khi khó khăn nên chia sẻ, hỗ trợ nhau.

Về định hướng tín dụng, Phó Thống đốc quán triệt các ngân hàng tích cực ưu tiên hỗ trợ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các lĩnh vực mang lại động lực tăng trưởng cho nền kinh tế. Ngay cả việc mở room tín dụng, NHNN cũng hướng tới các đối tượng ưu tiên như doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sản xuất, chế biến nông sản… Việc giảm lãi suất thuộc thẩm quyền của các NHTM, NHNN có đủ các biện pháp đánh giá xếp hạng trách nhiệm xã hội của các NHTM. NHNN sẽ lưu ý đặc biệt và có thanh tra chặt chẽ với các NHTM duy trì lãi suất cao và có các ứng xử phù hợp với mức xếp hạng, phân loại ngân hàng, để bảo đảm thực hiện các mục tiêu điều hành chung, tích cực tháo gỡ, để đưa các NHTM vào cuộc tích cực đồng hành hiện thực hóa chủ trương của Đảng, Chính phủ, hỗ trợ nền kinh tế.

Hơn lúc nào hết, các NHTM từ lớn đế nhỏ cần thể hiện sự đồng thuận tích cực, hỗ trợ lãi suất cho nền kinh tế bằng hành động thực tế, bằng việc làm có hiệu quả thật sự. , NHNN tạo điều kiện tối đa để các ngân hàng triển khai, góp phần cùng toàn ngành ngân hàng thực hiện mục tiêu của Chính phủ, Quốc hội giao.

Bởi mặc dù thực tế hiện “room” tín dụng được nới, cam kết giảm lãi suất cho vay cũng đã được phát đi, song bản thân doanh nghiệp và ngân hàng cũng phải rất thận trọng trong giải ngân cuối năm. Bời vì thời gian qua, các doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp phản ánh gặp nhiều khó khăn, sút giảm đơn hàng do kinh tế thế giới suy thoái. Đặc biệt, các doanh nghiệp cần lưu ý trong lúc này phải hết sức bình tĩnh, rà soát và cơ cấu lại danh mục kinh doanh của mình, xác định những khoản mục nào cần tập trung, khoản mục nào nên co gọn lại.

Trong giai đoạn này, doanh nghiệp cần phải duy trì sản xuất ổn định, không nên mở rộng đầu tư. Với ngân hàng cũng vậy, khi tăng trưởng tín dụng cũng phải rà soát, đánh giá xem xét khả năng tình hình của mình bao gồm nguồn vốn, chất lượng tín dụng, nợ xấu, tài sản… để đảm bảo an toàn của mình và của cả hệ thống. Mặt khác, dù nhu cầu vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế rất lớn, nhưng TCTD phải cho vay trên các điều kiện, điều khoản, không thể hạ chuẩn… Vì thực tế tiền cho vay ra không phải là tiền của ngân hàng mà là từ huy động của người dân./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực