“Đừng khoanh tay vô cảm nhìn nhà báo tiếp tục đổ máu”

Thứ bảy, 01/05/2010 09:33

 

Hội thảo “Tình hình hành hung, cản trở nhà báo đang tác nghiệp”  

(ĐCSVN) - Thời gian gần đây, việc các phóng viên (PV) báo chí bị cản trở, thậm chí bị hành hung gây thương tích trong khi tác nghiệp xảy ra khá nhiều. Tính chất phức tạp và hậu quả của các vụ việc ngày càng nghiêm trọng hơn.

Chỉ có 1/18 vụ hành hung nhà báo có tin xét xử

Năm 2009 có một kỷ lục đau xót: 77 nhà báo tử nạn trong khi tác nghiệp trên toàn thế giới và phần lớn do các đối tượng đang bị nhà báo tiếp cận, phản ánh hành hung. Đó là con số cao nhất từ trước tới nay. Ở Việt Nam báo cáo thống kê vụ việc liên quan đến việc bảo vệ quyền hành nghề của Hội viên” (từ 2006 đến hết quý 1 năm 2010) của Ban kiểm tra Hội nhà Báo Việt Nam cho thấy: Số vụ cản trở, hành hung là 18 vụ (trong đó số vụ cản trở là 5 chiếm 27.8%, số vụ hành hung là 13 chiếm 72.2%). Trong 13 vụ hành hung đó, số vụ khởi tố là 4 vụ chiếm 30.7%. Số vụ không khởi tố là 9 chiếm 69.3%. Trong 4 vụ khởi tố và có tin xét xử có 1 vụ chiếm 25%. Số vụ khởi tố mà không có tin xét xử là 3 chiếm 75%.

Các vụ khởi tố đều theo điều 104 (cố ý gây thương tích), hoặc các điều luật khác, chưa có vụ nào khởi tố theo điều 257 (Chống người thi hành công vụ). 30% công văn của Hội Nhà báo gửi đến các cơ quan chức năng đề nghị giải quyết vụ việc, bảo vệ Hội viên, không được hồi âm. 5 năm qua số vụ xử lý hình sự là rất ít, không có vụ nào khởi tố về tội chống người thi hành công vụ.

Đặc biệt tính từ 1/1/2010 đến nay có thêm nhiều vụ việc cản trở hành hung nhà báo tác nghiệp gây bức xúc dư luận. Có thể kể ở đây như vụ phóng viên Huỳnh Lộc và Hàn Giang (Báo Pháp luật TPHCM) bị hành hung ở Long An, phóng viên Việt Hùng và Sinh Lượng (Đài truyền hình KTS VTC) bị hành hung ở cổng Tập đoàn Vinashin; phóng viên Duy Bùi (Báo Thể thao 24h) bị hành hung ở sân Thiên Trường; phóng viên Võ Minh Châu (Báo Tiền phong) bị hành hung ở Hà Tĩnh; phóng viên Thái Duy và Mỹ Phương (Đài PTTH Bình Dương) bị hành hung tại thị xã Thủ Dầu Một; phóng viên Cẩm Châu (Báo Nông thôn ngày nay) bị hành hung ở Quảng Nam và đặc biệt nghiêm trọng là vụ phóng viên Trần Thế Dũng (Báo Người lao động) bị hành hung đến ngất lịm ở Kéo Kham - Lạng Sơn.

Những vụ cản trở, hành hung nói trên đều có biểu hiện là đương sự biết rõ người bị tấn công là nhà báo đang tác nghiệp mà vẫn tấn công, thậm chí ở trường hợp Trần Thế Dũng, đương sự còn đưa nạn nhân đến đồn Công an rồi mới bỏ đi, thách thức kỷ cương phép nước, thách thức ý chí chống tiêu cực của nhà báo.

Vụ hành hung nhà báo Trần Thế Dũng, sau hơn hai tháng điều tra, Cơ quan điều tra Công an Cao Lộc - Lạng Sơn đã thông báo không khởi tố vụ án, chỉ phạt hành chính đối với 1 đối tượng. Phải đến khi dư luận lên tiếng, vụ án mới được khởi tố để điều tra.

Hành vi thường gặp là cản trở việc hành nghề hợp pháp của họ nhưng cũng có khi những kẻ côn đồ không ngần ngại tấn công cả nhà báo như trường hợp xảy ra đối với nhà báo Trần Thế Dũng. Có khi phóng viên bị chiếm đoạt luôn cả phương tiện hành nghề; bị trấn áp thu giữ máy ảnh, máy vi tính, xóa dữ liệu trong máy như trường hợp vụ phóng viên Duy Bùi của báo Thể Thao 24h bị hành hung trên sân Thiên Trường tại khuôn khổ vòng 8 V-League 2010. .. Rõ ràng tính chất phức tạp và hậu quả của các vụ việc cản trở, hành hung nhà báo đã đến mức báo động.

Cần sớm hoàn chỉnh các cơ sở pháp lý bảo vệ nhà báo

Thực tế cho thấy, hành vi hành hung nhà báo cần được áp vào điều khoản luật “chống người thi hành công vụ”, tuy nhiên văn bản pháp luật chưa quy định rõ ràng.

“Mạng của mày chỉ đáng giá 5 triệu!”

Hai năm trước, lâm tặc đã đến nhà anh Hoàng Dưỡng, nguyên trưởng Đài PT-TH huyện Buôn Đôn (Đăk Lăk), đe dọa “Mạng chúng mày chỉ 5 triệu đồng là xong” do anh quay phim, báo kiểm lâm bắt xe gỗ lậu của lâm tặc. Sau đó, lâm tặc đã hành hung anh… Khi xét xử, tòa cho bị cáo hưởng án treo về tội cố ý gây thương tích. Cuối năm 2009, Viện KSND tối cao đã có kháng nghị giám đốc thẩm. Anh Dưỡng nói: “Công việc của phóng viên nguy hiểm là vậy nhưng Đài PT-TH huyện chưa được coi là cơ quan báo chí”. Khi tiễn anh ra Hà Nội dự hội thảo “Tình hình hành hung và cản trở nhà báo khi tác nghiệp”, nhà báo Phan Ba, trưởng Đài Phát thanh Yasup nhờ anh "mang câu nói trên ra Trung ương” để đồng nghiệp và lãnh đạo Hội nhà báo chia sẻ. Cách đây mấy hôm, anh Phan Ba có làm bài điều tra về nạn phá rừng, lâm tặc cũng đến tận nhà anh, đập cửa, chỉ mặt, quát lên như vậy. 

Tại Hội thảo “Tình hình hành hung, cản trở nhà báo đang tác nghiệp” vừa được tổ chức tại Hà Nội. Hội thảo thu hút được sự quan tâm của đại diện lãnh đạo Vụ Báo chí – Xuất bản, (Ban Tuyên giáo Trung ương), Thanh tra Bộ Thông tin Truyền thông, đại diện một số cơ quan báo chí và giới luật sư. Ngay sau khi Hội thảo kết thúc, đại diện của nhiều báo điện tử, truyền hình và báo in đã đồng loạt lên tiếng mạnh mẽ, thể hiện sự đồng thuận, sự cần thiết, cũng như sự kịp thời của Hội thảo. Ông Ngô Huy Toàn (Trưởng phòng Thanh tra báo chí - xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông) cho rằng: “Nhiệm vụ mà nhà báo thực hiện là nhiệm vụ được cơ quan báo chí giao, là nhiệm vụ công. Vì lẽ đó, hoạt động của nhà báo phải được Nhà nước bảo hộ với ý nghĩa là chủ thể đặc biệt. Mặt khác, bảo vệ nhà báo, phóng viên cũng là bảo vệ quyền được thông tin của công dân. Những trường hợp hành hung, cản trở nhà báo tác nghiệp nếu vượt quá phạm vi hành chính, cần phải khởi tố về tội chống người thi hành công vụ”.

Ông Ngô Huy Toàn cũng cho biết Nghị định 31/2001/NĐ- CP ra đời đã 10 năm, trong đó có quy định chi tiết mức xử phạt hành chính đối với hành vi đe dọa, cản trở, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo cao nhất đến 10 triệu đồng.  Nhưng từ khi Nghị định ra đời đến nay chưa được dùng. Luật sư Trần Đình Triển - Trưởng văn phòng luật sư Vì dân - Đoàn luật sư TP Hà Nội nói rằng, chúng ta đã có các chế tài để xử lý hành chính những hành vi cản trở nhà báo tác nghiệp nhưng  chưa nói rõ cơ quan nào xử phạt.

Sau khi phân tích tính chất và cách xử lý các vụ việc trên, các ý kiến tại hội thảo đều bày tỏ bất bình và đi đến kiến nghị: phải sớm hoàn chỉnh các cơ sở pháp lý để xử lý một cách cơ bản các vụ cản trở, hành hung nhà báo, coi đây không chỉ là tội cố ý gây thương tích cho một công dân bình thường mà là hành động chống người thi hành công vụ. Hội Nhà báo Việt Nam cũng đề xuất Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, VKSND tối cao, TAND tối cao có hướng dẫn cụ thể phạm vi áp dụng của Điều 257 BLHS bằng một Thông tư liên tịch. Trong đó phải nêu rõ tác nghiệp của nhà báo là thực thi công vụ và các hành vi cản trở, hành hung nhà báo phải được khởi tố theo tội danh này. Có như vậy mới đảm bảo cân bằng giữa nghĩa vụ và quyền lợi của nhà báo, vừa nâng cao hiệu lực, hiệu quả và tính răn đe của pháp luật. Không nên vô cảm nhìn máu nhà báo tiếp tục đổ để rồi lạnh lùng công bố không khởi tố bởi thương tích chưa đủ 11% ! - nhà báo Phan Lợi (Báo Pháp luật TP HCM) thốt lên trong tham luận tại hội thảo./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực