Giàu có xấu hổ không ?

Thứ sáu, 01/01/2010 20:47
 

(ĐCSVN) - Tất nhiên là không, thậm chí ngược lại, thời bây giờ nghèo mới đáng xấu hổ. Nhưng đấy là chung cho mọi người. Đây đang nói nhà văn cơ. Nhà văn giàu có xấu hổ không, có phải giấu mọi người không ? Câu trả lời lẽ thông thường cũng sẽ là không. Nhà văn cũng là người như mọi người. Xã hội giàu lên thì nhà văn cũng giàu lên. Làm giàu chính đáng, bằng sức lao động của mình, nhất là làm giàu bằng một công việc sang trọng như viết văn thì càng cần tự hào, có gì mà xấu hổ.

Ấy thế mà không phải. Thực tế phức tạp hơn nhiều. Đa số các nhà văn ở nước ta hiện nay đều thích khoe nghèo, giấu giàu, thậm chí giàu có còn bị xem là loại nhà văn thời thượng, chạy theo thị hiếu thấp kém hoặc là nhà văn nhưng lại sống bằng những chuyện phi văn chương. Nhà văn ( trong đó có cả nhà thơ ) lâu nay rất khoái khi được nhiều người cho rằng đó là những người ngây thơ, sống như bay lơ lửng trên không, không hiểu gì những chuyện tàn bạo trong cuộc đời, rất ngờ nghệch trong chuyện tiền nong. Đối với nhà văn, quan trọng nhất là văn chương, quan trọng thứ hai cũng là văn chương và quan trọng thứ ba là tình yêu và rượu. Quen với cách nghĩ của xã hội về mình như vậy, không ít nhà văn tự bằng lòng với cuộc sống nghèo khổ của mình và vợ con, thậm chí còn cố tạo ra cuộc sống nhếch nhác trong nhà, lôi thôi lếch thếch trên người cho phù hợp với cách nghĩ của mọi người về giới văn chương. Nghề văn là nghề kiếm được đồng tiền nhọc nhằn đã đành, nhiều người còn cam chịu “an bần lạc đạo”, tha thứ ngay cho việc mình bị bóc lột, bị ngược đãi, coi chuyện mình được trả công lao động rẻ mạt là chuyện thường tình. Tôi không hiểu các tác giả văn xuôi thế nào chứ những nhà thơ thì miễn được in thơ trong các tập tuyển, phổ nhạc thơ, được trích thơ trên các bài viết là thích, còn có tiền từ những việc đó không, phần nhiều là không quan tâm. Thơ viết ra, mỗi năm giỏi được một hai chục bài, khéo lắm in báo được hết số thơ đó. Bình quân mỗi bài, báo trả nhuận bút được `100.000 đồng, số Tết hoặc số đặc biệt may ra 500.000 đồng, còn phổ biến là 300.000 ( tôi vừa nhận nhuận bút bài thơ trên số Tết của một tờ báo văn nghệ, được 50.000 đồng ). Vậy giỏi lắm, một nhà thơ viết khỏe, in khỏe một năm kiếm được từ thơ khoảng 5 triệu đồng. Còn thơ in tập ư ? Mang cho nhiều khi không đắt. Thế nhưng thơ được tuyển vào sách giáo khoa, in đi in lại hàng chục năm, mỗi năm in hàng triệu bản không được xu nhuận bút nào, các nhà thơ vẫn vui vẻ ( gần đây, NXB Giáo dục mới gửi cho các tác giả có thơ trong sách giáo khoa thư cảm ơn và 100.000 đồng nhuận bút cho lần in đầu tiên, các lần in sau không có gì). Còn thơ được phổ nhạc, nếu nhạc sĩ tốt bụng, nhà thơ sẽ được tặng khoảng 200.000 đồng, tùy hảo tâm. Gần đây có đôi ba người tuyên bố trên báo chí sẽ quảng cáo thơ để bán, nhưng chắc là không được đồng nghiệp hưởng ứng, nên cũng lặng dần.

Bàn đến chuyện này vì gần đây, khi một tờ báo của Trung Quốc công bố danh sách 25 nhà văn triệu phú ( người cao nhất 20 triệu NDT ) thì trong xã hội nước họ cũng rộ lên lời khen tiếng chê. Phía chê gồm đủ mặt, từ độc giả, nhà xuất bản đến chính giới văn chương. Họ cho rằng nói chuyện tiền bạc, đánh giá nhà văn bằng tiền thu được từ bán sách là hạ thấp văn chương, khuyến khích lối viết câu khách rẻ tiền. Giống như ta, trong số chê, có nhiều người là nhà văn, nhất là các nhà thơ.

Vậy thì đến bao giờ nhà văn mới có ý thức làm nghề để sống, được tự hào là người sống bằng nghề và được đàng hoàng nói ra điều đó ?

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực