Gỡ “nút thắt” đất đai

Thứ bảy, 21/05/2022 17:36
(ĐCSVN) – Thẳng thắn chỉ ra “nút thắt” của công tác cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước chính là tình trạng thất thoát đất đai, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, thất thoát đất công sau cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước có thể “giết chết” nền sản xuất. Đã đến lúc cần quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực quan trọng này để phát triển kinh tế - xã hội.
Khu đất “vàng” 2-4-6 Hai Bà Trưng, P.Bến Nghé, Q.1, TP.HCM  khiến hàng loạt cán bộ dính lao lý trong quá trình chuyển đổi đất công (Ảnh minh họa. Nguồn: thanhnien.vn)

Cách đây gần 10 năm, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 31/10/2012 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, đã chỉ ra những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, nhất là trong quy hoạch sử dụng đất, định giá đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ và tái định cư, các thủ tục hành chính về đất đai, khiến lợi ích của Nhà nước và người dân có đất bị thu hồi chưa được bảo đảm tương xứng; nguồn lực về đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; việc sử dụng đất nhiều nơi còn lãng phí, hiệu quả thấp; tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực này còn lớn; thị trường bất động sản phát triển không ổn định, thiếu lành mạnh, giao dịch “ngầm” còn khá phổ biến; tình hình khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về đất đai còn diễn biến phức tạp…

Vấn đề đặt ra là Đảng đã “bắt đúng mạch”, chỉ rõ “bệnh” trong công tác quản lý và sử dụng đất, cũng như nguyên nhân gây “bệnh”, đồng thời kê “toa”, chỉ định liệu pháp điều trị, nhưng sao “bệnh” không chuyển?

Mới đây, tại Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp công lập và thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp” do Tạp chí Tài chính và Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) tổ chức, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đánh giá, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước đang chậm, không đạt kết quả như đề án do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Cụ thể, trong năm 2021, chỉ cổ phần hóa được bốn doanh nghiệp (không thuộc danh mục doanh nghiệp cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt); thoái vốn tại 18 doanh nghiệp với giá trị 1.665 tỷ đồng, thu về 4.402 tỷ đồng.

Nguồn thu từ cổ phần hóa, thoái vốn năm 2021 nộp về ngân sách nhà nước là 1.404 tỷ đồng, trong khi theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc giao dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 là phải thu 40.000 tỷ đồng từ bán vốn nhà nước. Giai đoạn 2016 đến hết tháng 4/2022, có 185 doanh nghiệp cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 490.332 tỷ đồng, trong đó giá trị vốn nhà nước là 234.266 tỷ đồng. Lũy kế tổng số thoái vốn từ năm 2016 đến hết tháng 4/2022 là 29.300 tỷ đồng, thu về 183.766 tỷ đồng.

Việc chỉ có bốn doanh nghiệp được Bộ Tài chính phê duyệt phương án cổ phần hóa trong năm 2021 cho thấy đây là năm có số doanh nghiệp được phê duyệt cổ phần hoá thấp nhất trong 10 năm trở lại đây. Thực tế, có tới 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa theo kế hoạch. Trước đó, lũy kế giai đoạn 2016 - 2020, có tới 178 doanh nghiệp được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.503 tỷ đồng.

Không chỉ vậy, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cũng thẳng thắn chỉ ra, việc xác định giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa không chính xác, thường thấp hơn giá trị thực tế và giá trị xác định lại nên gây ra thất thoát lãng phí. Minh chứng rõ nét là một số vụ việc từ cổ phần hóa liên quan đến xác định giá trị doanh nghiệp không chính xác như xác định giá trị quyền sử dụng đất, bán thanh lý tài sản... tại Công ty Tân Thuận, Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn…; hay các sai phạm do bỏ ngoài sổ sách kế toán tài sản và vốn của nhà nước như tại Tổng công ty Công trình Giao thông 1, Công ty Xuất nhập khẩu Bình Dương…

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, trong xác định giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa thì rủi ro lớn nhất là xác định giá trị quyền sử dụng đất. Trước đây, tiền thuê đất hàng năm không tính vào giá trị doanh nghiệp nhưng tiền thuê đất một lần thì lại tính, gây bất cập là giá thuê đất một lần khó xác định sát thực tế; thậm chí xác định giá thuê xong thì 5 năm, 10 năm sau vẫn có khoảng cách về giá trị. Đây cũng là một lỗ hổng gây thất thoát. Đó là chưa kể sau khi xác định xong giá trị doanh nghiệp, doanh nghiệp đã được phê duyệt cổ phần hóa đó thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất từ đất sản xuất kinh doanh sang đất xây dựng nhà ở đô thị thì giá trị đất lại thay đổi, gây thất thoát tiếp. Việc thất thoát đó “giết chết” nền sản xuất. Nếu thuê đất hàng năm, khi tái cơ cấu doanh nghiệp, một doanh nghiệp sau khi được cổ phần hóa phải tăng năng lực sản xuất lên để cạnh tranh trong lĩnh vực ngành nghề đã được cấp phép kinh doanh. Nhưng nếu chạy theo lợi nhuận từ chênh lệch đất đai, họ sẽ buông lỏng sản xuất để chuyển sang buôn đất, người lao động mất việc, máy móc mang bán rẻ, nền sản xuất ngày càng bị thu hẹp.

Thực tế, không phải ngẫu nhiên mà năm 2018, Quốc hội đã ra Nghị quyết 60/2018/QH14 nghiêm cấm việc chuyển mục đích sử dụng đất có nguồn gốc từ doanh nghiệp nhà nước sang mục đích khác. Tuy nhiên, đến năm 2020, khi Nghị định 140/2020/NĐ-CP ra đời, trong khi đó Nghị quyết 60/2018/QH14 hết hiệu lực. Điều đáng bàn là Nghị định 140/2020/NĐ-CP lại không nói rõ có được chuyển mục đích sử dụng đất không, làm cho chính quyền địa phương lúng túng, cho chuyển thì thất thoát, không cho chuyển thì sợ làm không đúng luật. Bởi vậy, cần sửa đổi sao cho nhất quán về mặt luật pháp để việc thực hiện được đúng đắn, chính xác nhất.

Hơn thế, về sắp xếp nhà đất, quy định pháp quy hiện hành cũng chưa rõ ràng, thí dụ các quy định về xác định lợi thế thương mại, vấn đề liên doanh liên kết, vai trò của người đứng đầu... Đơn cử, Luật Đất đai cho phép liên doanh liên kết nhưng trên thực tế khi liên doanh liên kết, ai có cổ phần lớn nhất sẽ làm chủ và khi đó đất của nhà nước đương nhiên về tay tư nhân, đây cũng là một vướng mắc cần giải quyết. Và cũng chính vì những lý do này, dự báo, trong năm nay thu tiền từ cổ phần hóa cũng sẽ gặp tình trạng như năm ngoái, gần như không triển khai được cổ phần hóa nên không thu được tiền thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước.

Để giải quyết tình trạng này, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tài chính phối hợp với các bộ ngành liên quan tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đẩy nhanh cổ phần hóa, thoái vốn. Đặc biệt là giảm thiểu tình trạng thất thoát đất đai, nhất là là đất công - “nút thắt” của công tác cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước hiện nay.

Và cũng không phải ngẫu nhiên, ba trong số những nội dung quan trọng nhất được bàn thảo và quyết định tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, khai mạc ngày 4/5/2022 vừa qua, đều liên quan đến vấn đề “công thổ quốc gia”. Hội nghị đã tiếp tục bàn thảo, tìm giải pháp căn cơ cho những vấn đề tồn tại quá lâu trong công tác quản lý và sử dụng đất đai để nguồn tài nguyên quan trọng này thực sự trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Hội nghị nêu rõ, đất đai là nguồn tài nguyên rất quý, có giá trị nền tảng lâu dài đối với mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng… của đất nước mà nếu quản lý và sử dụng hiệu quả sẽ trở thành nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong bài phát biểu của mình đã nhấn mạnh: đất đai là tài sản đặc biệt của quốc gia, là tư liệu sản xuất cơ bản, là tài nguyên vô cùng quý giá, là nguồn sống của nhân dân và nguồn lực to lớn của đất nước, thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Nhiều người giàu lên nhờ đất, nhưng cũng có không ít người nghèo đi vì đất, thậm chí bị đi tù cũng vì đất, mất cả tình nghĩa cha con, anh em, đồng chí cũng vì đất...

Thông điệp của người đứng đầu Đảng ta về những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý và sử dụng nguồn tài nguyên đất là rất rõ ràng, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đặt ra hàng loạt câu hỏi: vì sao nguồn lực đất đai chưa được phát huy đầy đủ để trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội? Vì sao ở nhiều nơi, việc sử dụng đất còn lãng phí, hiệu quả thấp; tệ tham nhũng, tiêu cực liên quan đến đất đai chậm được đẩy lùi, thậm chí gia tăng? Vì sao số vụ khiếu nại, tố cáo thuộc về lĩnh vực đất đai vẫn còn nhiều và phức tạp? Vì sao thị trường bất động sản phát triển thiếu lành mạnh, chưa bền vững và còn tiềm ẩn nhiều rủi ro?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu, Hội nghị Trung ương lần này tiếp tục bàn thảo, tìm giải pháp căn cơ cho những vấn đề tồn tại quá lâu trong công tác quản lý và sử dụng đất đai để nguồn tài nguyên quan trọng này thực sự trở thành nội lực quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bộ phận cấu thành quan trọng nhất của bất động sản chính là đất mà sự thiếu lành mạnh, chưa bền vững và những rủi ro tiềm ẩn của thị trường bất động sản, trong phần lớn các trường hợp, có nguyên nhân từ đất đai.

Thực tế, những quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về các chủ trương, chính sách liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất đai sẽ là định hướng và căn cứ quan trọng để điều chỉnh Luật Đất đai năm 2013 và các luật khác, các văn bản dưới luật cũng như các chính sách liên quan đến đất đai cho phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới.Đặc biệt là giảm thiểu tình trạng thất thoát đất đai, nhất là đất công - “nút thắt” của công tác cổ phần hoá, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước hiện nay./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực