Hình phạt thích đáng dành cho những kẻ vong ân, bội nghĩa

Thứ sáu, 22/01/2010 10:03

(ĐCSVN) - Sau một ngày làm việc, chiều ngày 20-1 vừa qua, Hội đồng xét xử sơ thẩm Toà án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh đã tuyên phạt 4 bị cáo Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Lê Thăng Long tổng cộng 33 năm tù về tội: “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”. Đây là một bản án đúng người, đúng tội, một hình phạt nghiêm khắc dành cho những kẻ vong ân bội nghĩa với nhân dân, với đất nước.

 
Các bị cáo tại phiên tòa. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN). 

Bởi vì, như nhận định của Hội đồng xét xử: “Tất cả các bị cáo trong vụ án này đều là những người hiểu biết pháp luật, có trình độ học vấn cao, sinh ra và lớn lên trong hòa bình. Các bị cáo đều được Nhà nước ưu đãi, được thừa hưởng thành quả cách mạng của cha ông, trong đó có chính người thân của các bị cáo. Nhưng chỉ vì một chút định kiến, động cơ cá nhân mà các bị cáo đã đi ngược lại đường lối chính sách của Đảng, lợi ích quốc gia, dân tộc”.

Sau nhiều thập kỷ cả dân tộc Việt Nam đứng lên chiến đấu chống xâm lược, giành độc lập, thống nhất đất nước. Hòa bình lập lại, cả nước lại gồng mình lên để vượt qua đói nghèo, xây dựng lại đất nước. Trong khi nhiều gia đình có đầy công tích với dân với nước nhưng cơm vẫn chưa đủ ăn, áo vẫn chưa đủ mặc, con em họ chưa có điều kiện đến trường. Đó là chưa nói đến một sự hy sinh lớn lao hơn: vì độc lập và thống nhất non sông mà hàng triệu đồng bào, chiến sĩ đã ngã xuống. Nhưng trong khó khăn, thiếu thốn trăm bề đó, Đảng và Nhà nước vẫn giành phần ưu ái để nuôi dạy, giáo dục và đào tạo cho lớp trẻ, thế hệ tương lai của đất nước, mong họ có sức khỏe, có học thức để xây dựng đất nước trong hòa bình, sớm sánh bước với các nước tiên tiến trên thế giới. Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Lê Thăng Long là một trong những người được ưu ái đó. Hơn ai hết, Lê Công Định phải biết rằng, trong khi mình cắp sách đến giảng đường đại học, được ra nước ngoài học tập thì biết bao thanh niên cùng tuổi đang ngày đêm trấn giữ biên cương ở đảo xa hay lao động xây dựng những vùng kinh tế mới ở các miền núi non hẻo lánh.

Một Đảng, một Nhà nước rất giỏi trong chỉ đạo chiến đấu bảo vệ tổ quốc nhưng khi đi vào lãnh đạo phát triển kinh tế, nhất là trong thời kỳ sau chiến tranh bị kẻ thù bao vây cấm vận. Rồi đổi mới, hội nhập kinh tế quốc tế, một lĩnh vực mà nước ta, Đảng ta, lãnh đạo ta đâu đã có nhiều kinh nghiệm. Vậy thì những nhược điểm, yếu kém, thậm chí vấp phải những sai lầm ở một việc nào đó, một lĩnh vực nào đó, một giai đoạn nào đó, đâu phải là điều lạ. Nếu một lòng vì dân, vì nước thật sự thì những người có học như Thức, Trung, Định, Long có biết bao cách để xây dựng, đóng góp. Đảng ta, Đảng duy nhất cầm quyền là sự lựa chọn của lịch sử, của dân tộc. Từ bản chất cách mạng và khoa học của mình, Đảng ta luôn thể hiện là đạo đức, là văn minh. Các quyết định lớn của Đảng đều thông qua hệ thống chính trị, Đảng lắng nghe tổng hợp được trí tuệ và ý chí của toàn dân. Đảng, Nhà nước ta còn trọng dụng, lắng nghe cả những chuyên gia kinh tế đã từng làm việc cho chế độ cũ. Ấy vậy mà Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Lê Thăng Long chỉ vì một chút định kiến, vì động cơ cá nhân, đưa ra những thông tin méo mó, những thông tin sai lệch của mình lên các mạng phản động, liên hệ với những phần tử, những tổ chức người Việt chống đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ở nước ngoài để bôi nhọ Đảng Cộng Sản Việt Nam, bôi nhọ Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Thậm chí, họ còn đòi đa nguyên, đa đảng để gây rối và đòi lật đổ Đảng Cộng sản Việt Nam.

Có ai đó cho rằng những việc làm của các bị cáo trên là “bất bạo động”, là “bàn luận thông thường” của một xã hội dân chủ. Xin thưa, qua tài liệu có được của cơ quan điều tra, qua lời khai trước cơ quan điều tra và trước tòa của các bị cáo thì ai cũng thấy rõ: Hành vi của các bị cáo đã xâm phạm an ninh quốc gia. Hành động của các bị cáo có tổ chức chặt chẽ, có sự phân công nhiệm vụ cụ thể, có sự cấu kết, móc nối với các tổ chức phản động người Việt Nam lưu vong nhằm lật đổ chính quyền nhân dân. Để thực hiện hành vi phạm tội, các bị cáo đã sử dụng công nghệ thông tin, ứng dụng In-tơ-nét liên lạc, trao đổi với nhau bằng mật khẩu. Họ làm, tàng trữ, tán phát nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc, chống Nhà nước rồi đưa lên mạng In-tơ-nét nhằm kích động, gây nghi ngờ, làm mất lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Đây hoàn toàn không phải là cách “bàn luận thông thường” mà là những hoạt động gây rối, lật đổ chính quyền nhân dân.

Ít lâu sau ngày bị bắt, Lê Công Định đã có bản tường trình nhận tội: “Tôi thấy những việc làm trên của tôi là vi phạm pháp luật Việt Nam. Tôi rất ân hận với những hành vi sai trái của mình. Tôi mong được Nhà nước xem xét cho tôi được hưởng lượng khoan hồng”. Và trước vành móng ngựa trong phiên tòa ngày 20-1 Lê Công Định lại thừa nhận: “Là luật sư, bị cáo biết mình đã vi phạm Điều 79 Bộ Luật hình sự vì đã tham gia “Đảng Dân chủ Việt Nam” mà mục đích cuối cùng của đảng là hoạt động nhằm thay đổi chế độ chính trị ở Việt Nam”. Lê Công Định cũng đã tỏ ra ân hận vì được sinh ra, lớn lên trong một gia đình có cha mẹ, ông nội, cô ruột tham gia hai cuộc kháng chiến bảo vệ đất nước, được thưởng nhiều Huân chương thì mình đã có hành vi phản bội lại truyền thống cách mạng của gia đình.

Tại phiên tòa, trong khi Lê Công Định, Nguyễn Tiến Trung đã tỏ ra hối hận, thành khẩn khai báo, mong được lượng khoan hồng của pháp luật thì Nguyễn Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long lại quanh co chối tội. Nhưng những lời khai báo trước đó và nhất là những tài liệu điều ra đã chứng minh rõ ràng tội lỗi của họ. Bởi vậy, theo dõi phiên tòa và sau phiên tòa dư luận xã hội (qua các phương tiện thông tin đại chúng cả nước) ai cũng thấy rõ việc truy tố, xét xử đối với các bị cáo là đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Đạo lý của người Việt Nam “đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”. Dù trước đó anh có hành động xấu nhưng biết ăn năn hối lỗi thì tội được giảm nhẹ để anh sớm sửa chữa, hoàn lương và ngược lại. Những hình phạt được tuyên tại phiên tòa này đã chứng minh đạo lý đó.

Phiên tòa sơ thẩm vụ án “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” đã khép lại. 33 năm tù cho bốn bị cáo là hình phạt thích đáng dành cho những kẻ vong ân bội nghĩa với Đảng, với tổ quốc, với nhân dân ./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực