Hoan nghênh và noi gương báo chí

Thứ năm, 06/05/2010 22:20
 

Thân thể cháu Hào Anh

đầy thương tích của những trận nhục hình
(ĐCSVN) -
Không còn nghi ngờ gì nữa, việc có được những thông tin xúc động, thậm chí là kinh hoàng và phẫn nộ về tình hình bạo hành, ngược đãi trẻ em có công lao rất lớn của báo chí, của những nhà báo không quản nguy hiểm, không ngại vất vả đến tận nơi, nhìn tận mắt những thủ phạm và nạn nhân để lên tiếng trước công luận.

Và nhờ có báo chí, chỉ trong một thời gian không dài, chúng ta được biết một loạt vụ bạo hành, có thể gọi là tra tấn, mất hết tính người đối với trẻ em ở nhiều nơi trong cả nước. Đó là những thông tin phơi ra ánh sáng hành vi ngược đãi em Bình (ở Hà Nội), em Trâm (ở Đồng Tháp), em Hảo (ở Bình Phước) và gần đây nhất, rùng rợn nhất là trường hợp em Nguyễn Hoàng Anh (còn gọi là Hào Anh) bị vợ chồng Huỳnh Thanh Giang- Mã Ngọc Thơm, chủ trại tôm giống ở xã Ngọc Chánh, huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau đánh đập, tra tấn, khống chế. Khi xem đoạn phóng sự được phát trong chương trình thời sự kênh VTV1 tối ngày 1-5-2010, nhiều người đã phải quay mặt đi không dám nhìn lâu vào những vết thương trên cơ thể cháu Hào Anh. Một câu hỏi được đặt ra: vì sao những kẻ ít nhiều có quan hệ máu mủ hoặc được bố mẹ các cháu tin cậy gửi gắm con cái lại táng tận lương tâm, hành hạ các cháu đến mức như vậy? Các cháu không vâng lời ư? Các cháu không chịu làm việc ư? Đánh đập, bẻ răng, đốt thịt các cháu để trả thù bố mẹ chúng ư? Không thể là lý do. Điều có thể khẳng định là tất cả những hành vi tàn ác ấy là kết quả của cái ác không được kiềm chế, của thú tính lộ diện. Những kẻ đó là những kẻ tật nguyền về nhân cách, những dị dạng trong xã hội, đủ năng lực chịu trách nhiệm hình sự và phải bị pháp luật trừng trị ở mức nghiêm khắc nhất.

Nhưng cũng từ đây, một vấn đề cần được mọi người cùng suy nghĩ: Đấy chỉ là một vài vụ được báo chí phát hiện. Vậy còn bao nhiêu vụ hành hạ, tra tấn trẻ em nữa trên đất nước ta chưa bị đưa lên công luận? Còn bao nhiêu thủ phạm bạo hành trẻ nhỏ, bạo hành phụ nữ đang hàng ngày sống bên ta, khoác bên ngoài vẻ hiền lành, lương thiện, thậm chí còn là công dân gương mẫu? Và cơ sở xã hội nào để cho cái ác có thể nảy nở, có thể phát triển đến mức cực đoan như vậy. Bên cạnh việc pháp luật chưa đủ răn đe, sự quan liêu của những người có trách nhiệm, phải chăng sự thờ ơ của chính chúng ta đã tạo môi trường cho cái ác lây lan. Thờ ơ trước số phận người khác, dửng dưng trước tội ác chính là tiếp tay cho cái ác.

Bởi vậy, sau rất nhiều ý kiến xác đáng về khía cạnh bảo vệ pháp luật trước tình trạng bạo hành trẻ em, phụ nữ, người già hiện nay, xin hoan nghênh báo chí đã dũng cảm, không thờ ơ trước tội ác, phanh phui cho chúng ta những thực trạng đau lòng nhưng cần thiết và có lẽ, nên phát động một phong trào quần chúng noi gương báo chí để cuộc sống của chúng ta sẽ giảm dần, đi tới triệt tiêu những nghịch cảnh như mọi người đã biết./.


CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực