Hướng đến môi trường văn hóa lành mạnh cho giới trẻ

Thứ ba, 16/11/2021 12:37
(ĐCSVN) - Văn hóa đại chúng đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục nhận thức của con người. Tuy nhiên, hiện nay văn hóa đại chúng đã và đang bị “bóp méo”, gây ra ảnh hưởng và hệ lụy trực tiếp đối với giới trẻ hiện nay.

Một bộ phận trong giới trẻ đang sử dụng mạng xã hội sai mục đích, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lối sống, văn hóa Việt Nam.

Ảnh hưởng của thông tin xấu, độc trên không gian mạng

Nhờ sự phát triển của truyền thông mà văn hóa đại chúng đến với con người một cách nhanh nhất, tiện ích và đa dạng. Cùng với đó các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Facebook, Youtube… cũng phát triển theo và được các bạn trẻ tiếp cận với quỹ thời gian trong ngày lớn. Đương nhiên sẽ chẳng có gì đáng nói nếu những giá trị cốt lõi của văn hóa trên các nền tảng xã hội này được đưa đến một cách đúng đắn, phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Điều đáng lên án ở đây chính là một bộ phận trong giới trẻ đang sử dụng chúng sai mục đích, ảnh hưởng nghiêm trọng đến lối sống, văn hóa người Việt.

Từ bao đời nay có rất nhiều nét văn hóa đẹp được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác, thể hiện truyền thống, bản sắc văn hóa, phẩm chất Việt. Một minh chứng cụ thể, người Việt Nam có đạo lý uống nước nhớ nguồn, kính trọng thầy cô giáo. Tuy nhiên một bộ phận giới trẻ lệch chuẩn, dẫu được giáo dục bài bản nhưng vì thói ngông cuồng, quen thói xấu trên Internet mà dẫn đến những hành vi coi thường, vô lễ với thầy cô, thậm chí còn có bạn trẻ dọa đánh, dọa giết thầy cô…

Có lẽ chúng ta đã không còn thấy xa lạ gì với một nhân vật đã từng “làm mưa làm gió” trên mạng xã hội Khá “Bảnh” (tức Ngô Bá Khá, cư trú tại Từ Sơn, Bắc Ninh). Nhân vật này được các bạn trẻ chào đón như “siêu sao”, có những hành động, cách cư xử không lành mạnh. Y đã trở thành “thần tượng” của biết bao bạn trẻ với nhiều video clip trên các nền tảng mạng xã hội. Trước khi bị bắt vào ngày 1/4/2019 về hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc, Khá “Bảnh” trở thành tâm điểm chú ý, khiến nhiều gia đình, trường học lo lắng khi giới trẻ bị tiêm nhiễm thói ngông cuồng, manh động. Nhất là sau một loạt vụ việc học sinh đánh “hội đồng” bạn học ở Hưng Yên, Nghệ An… Nỗi ám ảnh về bạo lực học đường khiến nhiều người lo ngại về sự xuống cấp trầm trọng của lối sống và văn hóa ứng xử trong một bộ phận giới trẻ. Một thực trạng đáng lo ngại về văn hóa Việt Nam nói chung và văn hóa đại chúng nói riêng, những điều tốt đẹp thì bị mai một, còn những thứ “bẩn” ngày càng gia tăng.

Ðất nước chúng ta đang trong tiến trình phát triển, hội nhập với thế giới. Bên cạnh việc được tiếp cận với nhiều nền văn hóa lớn, tiên tiến thì chúng ta cũng phải đối mặt với biểu hiện văn hóa độc hại. Những biểu hiện này thật quá dễ tác động đến giới trẻ - một đối tượng xã hội khá phức tạp về tâm lý lứa tuổi, về phong cách sống, lối sống, văn hóa ứng xử. Thời gian vừa qua, đã xuất hiện trong giới trẻ trào lưu sống ảo, khoe thân phản cảm, chạy theo các xu hướng “showbiz”, “hot girl”, “ngôi sao”, các loại thời trang “sành điệu” lập dị với mốt thiếu vải, hình xăm trổ, mốt tạo mẫu tóc tattoo hair với những hình thù quái dị. Ngôn ngữ giao tiếp tuổi teen với bằng từ ngữ khó hiểu hay trào lưu đề cao cái tôi cá nhân trên các phương tiện truyền thông tác động mạnh mẽ đến giới trẻ dẫn đến chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, cực đoan và sự chai sạn cảm xúc,…

Giới trẻ hiện nay mang trong mình tâm lý thích sự chú ý, thể hiện cá tính, nên cũng không thể phủ nhận rằng các hiện tượng gây sốc của giới trẻ có thể xem như một sự phản ứng của bản thân, phản ứng của ý thức hệ trước những nhìn nhận, đánh giá từ tác nhân bên ngoài tác động. Dù trong môi trường xã hội, pháp luật, giáo dục luôn răn đe, dạy dỗ những chuẩn mực đạo đức phù hợp với mỗi cá nhân, tuy nhiên sự xâm nhập của văn hóa đại chúng không lành mạnh vẫn có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ đến nhận thức và lối sống, đặc biệt đối với thế hệ trẻ.

Hướng đến môi trường văn hóa lành mạnh cho giới trẻ

Đứng trước thế giới số chuyển đổi mạnh mẽ, các trang mạng xã hội phát triển như vũ bão, nền văn hóa đại chúng từ đó mà cũng phát triển không ngừng. Đảng và Nhà nước luôn trú trọng đến vấn đề văn hóa, đặc biệt quan tâm đến sự tác động của chúng đến xã hội, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Ðảng khóa XI (Nghị quyết số 33 NQ/TW) về "Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước" đã được ban hành ngày 9/6/2014. Bên cạnh đó nhà nước đã ban hành Luật An ninh mạng 2018, đây được xem là đạo luật bao quát nhất nhằm kiểm soát các hành vi “xấu” ảnh hưởng đến cộng đồng mạng trên các nền tảng mạng xã hội. Tuy nhiên việc duy trì, phát huy truyền thống văn hóa, tiếp nhận văn hóa đại chúng “tốt”, loại bỏ văn hóa đại chúng “bẩn” vẫn đang rất cần sự chung tay của cả cộng đồng, đặc biệt cần sự nhận thức đúng đắn trong giới trẻ.

Cần xây dựng và củng cố một môi trường văn hóa lành mạnh, đây chính là “đòn bẩy” để văn hóa đại chúng phát triển theo đúng giá trị cốt lõi của nó. Muốn vậy, điều kiện tiên quyết cần có môi trường pháp lý cứng rắn hơn, tại các nền tảng mạng cũng cần có những biện pháp khắt khe hơn để người dùng được đón nhận những sản phẩm phù hợp với lứa tuổi, phù hợp với văn hóa. Môi trường văn hóa lành mạnh ở gia đình, nhà trường và xã hội sẽ là nơi hình thành, nuôi dưỡng nhân cách văn hóa và giáo dục lối sống cho giới trẻ, để cái tốt sẽ được bảo vệ, nhân lên; cái ác, cái xấu sẽ bị bài trừ, lên án. Đổi mới giáo dục ở mọi cấp học, trong đó nhấn mạnh vào các môn học về đạo đức, nghệ thuật và sáng tạo. Từ những kiến thức, kỹ năng được học trong nhà trường, những giá trị văn hóa sẽ lan tỏa toàn xã hội.

Cần nâng cao nhận thức và tạo chuyển biến thành hành động của cả xã hội trong xây dựng và phát triển văn hóa đại chúng. Công tác tuyên truyền, giáo dục trên các phương tiện truyền thông cần chủ động, sáng tạo và hấp dẫn hơn, luôn sát với bối cảnh xã hội mới, dễ tiếp cận với người trẻ, trong đó cân nhắc yếu tố tác động của các phương tiện truyền thông mới. Tăng cường hơn nữa nhận thức về vai trò và vị trí của văn hóa đại chúng trong sự phát triển chung của đất nước. Văn hóa đại chúng nói riêng và văn hóa Việt nói chung cần phải là một trong những đột phá trong phát triển bền vững đất nước./.

Nguyễn Thị Huyền Trang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực