Không còn biết đâu mà lần

Thứ tư, 09/06/2010 22:39
 
Ảnh chỉ mang tính minh họa (nguồn: Internet)
(ĐCSVN) -
Đấy là lời than thở của một bà nội trợ sau khi được thông báo qua truyền hình rằng vẫn ăn được thịt lợn mắc bệnh tai xanh sau khi đã nấu chín (thông báo không cho biết những người tiếp xúc, giết mổ, chế biến loại thịt bị dịch này trước khi nó được nấu chín có làm sao không và cũng không đả động gì đến nguy cơ lây nhiễm bệnh liên cầu khuẩn lợn, vốn rất khó phân biệt với bệnh tai xanh). Lời thông báo trên là của một cơ quan nhà nước, trong một cuộc họp báo hẳn hoi.

Sau rất nhiều thông tin kêu gọi không vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ thịt lợn bị dịch tai xanh; khuyến khích người dân tiêu hủy thịt lợn bị dịch và cả lợn lành ở vùng bị dịch tai xanh (nhà nước đền bù thiệt hại cho người chăn nuôi, hiện nay là 50.000 đồng/con ở Hà Nội), thông báo trên khiến không ít người sững sờ. Càng sững sờ hơn khi ngồi nhớ lại, hóa ra chuyện tiền hậu bất nhất này đã diễn ra liên tục từ nhiều năm nay.

Dân ta vốn tin vào báo chí, càng tin hơn vào tiếng nói của cơ quan nhà nước thông qua báo chí, bởi vậy, khuyên sao thì nghe thế. Nói rằng phẩy khuẩn tả có trong mắm tôm sống của món thịt chó mắm tôm, thế là không ăn mắm tôm nữa. Mắm tôm ế ẩm, người sản xuất kêu ca, lại có tiếng nói ngược lại: mắm tôm rất… an toàn. Nói rằng hàng trăm héc ta rau xanh vùng rau phía Nam Hà Nội không an toàn, có nhiều kim loại nặng thế là không ăn rau nữa. Rau ế, có người nói đỡ, lại bảo: rau Thanh Trì vẫn ăn tốt. La hoảng sữa bột, sữa nước nhiễm melamine gây ung thư, thị trường tẩy chay sữa, lại họp báo khẳng định; có melamine nhưng vẫn trong giới hạn cho phép. Tuyên truyền cảnh giác với gà mắc cúm bán ngoài chợ, thịt gà ế ẩm, lại nói như xui: nếu biết chọn, gà thịt sẵn ngoài chợ cũng … không có chuyện gì. Còn vô số chuyện như vậy. Từ chỗ tá hỏa cảnh báo bánh phở có phooc môn, chân gà có chất bảo quản gây ung thư, phủ tạng động vật, hoa quả bị ngâm hóa chất, kẹo bánh có kim loại nặng… đột ngột nói ngược lại. Hình như ở đây có chuyện người tiêu dùng, cả dư luận nữa bị dắt theo sự lên xuống của thị trường.

Vậy ai phải chịu trách nhiệm về chuyện này? Người nói cần tiêu hủy thịt lợn bị dịch tai xanh hay người nói vẫn có thể giết mổ, tiêu thụ được bình thường nếu nấu chín là đúng? Đúng như bà nội trợ kia nghĩ, không còn biết đâu mà lần. Trong khi kêu gọi mọi người tôn trọng pháp luật thì chính cơ quan nhà nước, báo chí (cũng của Nhà nước) lại coi thường pháp luật, coi thường người nghe, tùy tiện, vô trách nhiệm với sức khỏe của người dân, túi tiền của người dân khi đưa thông tin!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực