Không dễ “xóa sổ” xe cũ nát

Thứ tư, 24/03/2021 01:41
(ĐCSVN) - Chủ trương xử lý không để các phương tiện giao thông cũ nát tiếp tục lưu thông trên đường phố gây nhiều quan ngại là đúng đắn. Nhưng trên thực tế, những phương tiện dù cũ nát đó lại là sinh kế của người nghèo. Do đó, muốn giải quyết dứt điểm vấn đề này, cần có những giải pháp đồng bộ, khả thi và bền vững.
Ảnh minh họa. (Ảnh: baogiaothong.vn) 

Thời gian qua, tại các đô thị đông dân, việc ứng xử thế nào với “đội quân xe cà tàng” đã nhiều lần được đặt ra. Không ít lần ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh đã có chủ trương thu hồi xe tự chế, nhất là với xe ba, bốn bánh “nghênh ngang” trên đường, gây cản trở giao thông, ô nhiễm môi trường vì lượng khói thải quá lớn mà chúng gây ra. Người ta cũng đã lên kế hoạch kiểm soát mức khí thải gây ô nhiễm của các loại xe cũ, tất nhiên là nhắm đến xe gắn máy là chủ yếu.

Còn nhớ, vào khoảng cuối năm 2015, lực lượng chức năng thành phố Hồ Chí Minh cũng đã tổ chức một đợt ra quân kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn xe “cà tàng”. Chỉ sau hơn hai tuần ra quân, đã có tới 4.738 phương tiện cũ nát bị xử lý. Cùng dịp này, lực lượng chức năng tại Hà Nội cũng ra quân truy quét xe “cà tàng”, xe giả danh “thương binh” ba bánh chở hàng cồng kềnh lưu thông trên đường phố. Sau đợt ra quân đã có rất nhiều phương tiện cũ nát cũng bị xử lý…

Từ ngày 15/3 vừa qua, thêm một lần, lực lượng chức năng tại thành phố Hồ Chí Minh lại triển khai công tác tuần tra kiểm soát, xử lý người sử dụng xe cơ giới ba, bốn bánh, cũ nát, tự chế... lưu thông trên đường. Đợt ra quân này sẽ kéo dài cho đến trung tuần tháng 6 tới. Và thế là, một lần nữa quyết tâm xóa sổ những chiếc xe cà tàng, cũ kĩ lại được đặt ra. Và cũng một lần nữa, cuộc sống của  không ít người lao động nghèo vốn gắn chặt với những chiếc xe ấy lại đối mặt với nguy cơ bất ổn.

Được biết, trong đợt cao điểm xử lý xe “cà tàng” lần này, lực lượng chức năng sẽ xử lý xe cơ giới không bảo đảm tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, cũ nát, chắp vá, tự chế… Cùng đó sẽ tập trung phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm như không có giấy phép lái xe, đăng ký xe; xe không có bộ phận giảm thanh, giảm khói, đèn, còi, phanh hoặc có nhưng không có tác dụng; xe vi phạm các quy định về gắn biển số, lắp thêm đèn, giá đỡ...

Cũng phải nói rõ, chủ trương xử lý không để các phương tiện giao thông cũ nát tiếp tục lưu thông trên đường phố gây nhiều quan ngại là đúng đắn. Người dân ai cũng hiểu điều đó!

Nhưng trên thực tế, những phương tiện dù cũ nát đó lại là sinh kế của người nghèo. Và tất nhiên, cũng có không ít trường hợp không đến nỗi quá nghèo khó nhưng lại “chủ trương” tận dụng những chiếc xe cũ kỹ, mất an toàn cho đến cùng mới chịu thôi.

Nhiều quan điểm cho rằng, để có một đô thị văn minh thì đòi hỏi phải đồng bộ trên nhiều lĩnh vực, nhiều mặt sinh hoạt, trong đó có phương tiện giao thông. Và chuyện hãy bắt đầu “quyết liệt, triệt để” với những chiếc xe cũ nát cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cũng có không ít ý kiến cho rằng, muốn vậy cần giải pháp thực tế đi kèm với giải pháp phát triển giao thông công cộng, hạn chế xe cá nhân.

Bởi thực tế, vấn đề này cũng đang làm khó cả với người xử lý khi mà họ buộc phải xử lý, loại bỏ phương tiện được cho là cũ nát, lạc hậu, không bảo đảm tiêu chuẩn lưu hành, nhưng đó lại là tài sản, là cứu cánh của không ít người nghèo. Và chưa kể về mặt pháp lý, việc dẫn luật tạo cơ sở pháp lý để xác định thế nào là xe cũ nát, xe không đủ điều kiện lưu thông cũng không hề đơn giản.

Vào cuối tháng 12/2020, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã có văn bản đề nghị Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh triển khai xử lý, thu hồi xe cũ nát. Đây là một trong các giải pháp mà cơ quan này cho rằng sẽ giúp tăng cường kiểm soát ô nhiễm không khí và xử lý triệt để điểm nóng về ô nhiễm bụi, khí thải ở các đô thị trên. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, mức độ ô nhiễm không khí tại thành phố Hồ Chí Minh thời gian qua có xu hướng gia tăng đã gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng và các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội. Một trong những “thủ phạm” chính gây ra 50% ô nhiễm không khí ở đô thị này đến từ các hoạt động giao thông.

Thực tế, việc thu hồi xe cũ nát để giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí đã được nhiều quốc gia thực hiện. Cùng với tốc độ đô thị hóa và tăng trưởng về thu nhập của dân cư, việc lựa chọn phương tiện di chuyển của người dân cũng thay đổi thị hiếu theo thời gian. Dù vậy, việc triển khai trên thực tiễn cần căn cứ trên cơ sở phù hợp bối cảnh dân cư và mưu sinh của người dân, nếu thu hồi xe cũ nát thì nên chăng có một quy chuẩn cụ thể để đo lường. Chẳng hạn, chính quyền nên khuyến khích các hãng xe hỗ trợ người dân đổi xe máy cũ lấy xe mới với điều kiện kèm theo. Ngoài ra, về phía cơ quan chuyên môn cần xây dựng khung tiêu chuẩn khí thải để phân loại, đảm bảo quá trình thu hồi xe cũ nát được công khai, minh bạch, từ đó người dân tự giác đồng thuận. Nên chăng, lực lượng chức năng và chính quyền cơ sở cần chú trọng vào khâu tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi phương tiện di chuyển phù hợp bối cảnh, thân thiện với môi trường, trước khi kiên quyết và cứng rắn xử lý. Mặt khác, cơ quan chức năng cần phối hợp các hãng xe để hỗ trợ người dân trong việc chuyển đổi phương tiện mưu sinh mới.

Theo các chuyên gia quy hoạch đô thị, tốc độ gia tăng lượng phương tiện giao thông cá nhân quá nhanh nhằm thích ứng quá trình đô thị hóa đó mới chính là nguồn cơn dẫn đến ô nhiễm môi trường. Vì thế, cùng với việc xử lý xe cũ nát thì cũng rất cần phải phát triển mạnh phương tiện giao thông công cộng đáp ứng nhu cầu của đông đảo người dân.

Đó có thể là giải pháp đồng bộ, khả thi và bền vững!

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực