Kiểu đâu dựng ở chùa này

Thứ sáu, 26/03/2010 21:21
(ĐCSVN) - Nghe đồn đại, tôi sốt ruột, đến vãng cảnh một số đền chùa mới xây dựng hay mới tôn tạo. Ít ra cũng một lần được đặt chân đến, kẻo rồi lại tiếc, tôi nghĩ vậy. Và quả thật có đi mới thấy vui.

Chỉ có sự cởi mở, tôn trọng đời sống tâm linh của ngày hôm nay mới có được những công trình đồ sộ đó, nếu không những nơi này mãi vẫn là đồi trọc, rừng hoang như hàng trăm năm nay sau khi các công trình cũ bị đổ nát, phá huỷ. Với sự hăm hở đó, chỉ sau vài năm, tôi đã đến cụm di tích Y; chùa B; khu T. và nhiều nơi nữa, nơi nọ cách nơi kia vài trăm cây số, có khi cả nghìn cây số.

Ấn tượng đậm nhất là các công trình, di tích kia đều lớn, đều khang trang (bây giờ người ta gọi là hoành tráng) ngoài sức tưởng tượng khi ở nhà của tôi. Không chỉ đền chùa chính, gác chuông, các công trình ngoại vi, đường bậc lên núi, hệ thống cáp treo… mà ngay nội thất cũng đã choáng ngợp. Chẳng hạn những chiếc chuông khổng lồ, bộ ba tượng tam thế khổng lồ ở chùa B; sảnh chính rộng mênh mông với ban thờ, tượng phật đồ sộ ở khu T; các thiết bị thờ tự ở đền bà chúa S. Nếu không có chủ trương xã hội hoá, lấy sức dân thoả mãn nhu cầu dân của Nhà nước ta, tiền đâu mà xây chùa đúc tượng lớn như vậy.

Tôi hào hứng mang kể những ấn tượng này với bạn bè sau khi trở về và được nhiều người đồng tình. Tuy nhiên, có một số người làm nghề kiến trúc thì im lặng, không tỏ thái độ gì. Thấy chợn (thợ may cũng biết nể thợ xây chứ !), tôi có ý lưu họ lại và để hỏi xem trong những nhận xét của mình có điều gì khiếm khuyết. Lúc bấy giờ, một bậc cao vai trong làng kiến trúc mới khẽ khàng: Anh là người ngoại đạo, chúng tôi không trách, có trách là trách những người có quyền phê duyệt, những người làm nghề chúng tôi khi thực hiện các công trình này. Ai lại cho xây dựng ở những nơi địa linh như thế nhiều đền chùa sao chép gần như nguyên si của nước ngoài từ kiểu dáng kiến trúc,chất liệu, các mô típ, màu sắc nội thất, chưa nói đến địa lý, phong thuỷ cũng rập theo quan niệm của nước ngoài. Nếu anh chưa tin, tôi thử lẩy ra vài ví dụ: Hãy nhìn mái cong của chùa B. xem, nó có giống ngôi chùa Việt Nam nào không hay giống các chùa ở Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản? Hãy nhìn các tượng Phật, các đầu rồng, đầu sư tử xem, nó là của Việt Nam hay theo mẫu của ai? Và nhìn vào các đền chùa ấy, thấy ngay mục đích thương mại thể hiện từ đường lên, lối xuống, bãi gửi xe, nơi hành lễ, nơi công đức, các vị trí thuận lợi được thiết kế để chụp ảnh lưu niệm, nơi thưởng thức cơm chay. Xã hội hoá là rất đúng nhưng phải có người có tấm lòng, có hiểu biết định hướng cho các hoạt động xã hội hoá, nếu không chẳng bao lâu nữa, chúng ta sẽ có vô số những công trình tâm linh du nhập chắp vá từ nước ngoài vào,chiếm chỗ ở những nơi đắc địa nhất của nước nhà, làm mất đi bản sắc đình chùa, đền miếu Việt Nam chan hoà với thiên nhiên, với con người, giản dị, khiêm tốn mà trang nghiêm, nhân văn.

Nói xong những lời kia, ông bạn tôi cười nhạt, đứng dậy ra về còn tôi thì sợ mà viết ra bài này ./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực