Kịp thời đồng hành, tháo gỡ khó khăn

Thứ tư, 13/07/2022 17:10
(ĐCSVN) - Xăng, dầu là mặt hàng chiến lược, huyết mạch của nền kinh tế. Bình ổn giá xăng, dầu có ý nghĩa quan trọng trong kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Việc giảm giá xăng dầu từ ngáy 11/7 vừa qua đã cho thấy nỗ lực của Chính phủ, sự đồng hành và xử lý khẩn trương đầy trách nhiệm, hiệu quả của Quốc hội đối với việc bình ổn giá xăng dầu, góp phần kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Thực hiện Công văn 3942/BCT-TTTN ngày 11/7/2022 của Bộ Công thương, từ 0h ngày 11/7/2022, xăng E5 RON 92 giảm 3.103 đồng/lít, xăng RON 95 giảm 3.088 đồng/lít. Dầu diesel giảm 3.022 đồng/lít, dầu hỏa giảm 2.008 đồng/lít, dầu mazut giảm 2.010 đồng/kg. Với sự điều chỉnh này, giá xăng, dầu đã giảm mạnh so với mức tăng, giảm trong các lần điều chỉnh trước. Trong bối cảnh dịch COVID-19 để lại những tác động khôg nhỏ, đây thực sự là tín hiệu vui đối với người dân và cộng đồng doanh nghiệp, hộ sản xuất kinh doanh. Đồng thời, việc giảm giá xăng dầu lần này đã cho thấy nỗ lực của Chính phủ, sự đồng hành và xử lý khẩn trương đầy trách nhiệm, hiệu quả của Quốc hội đối với việc bình ổn giá xăng dầu, góp phần kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Thực tế, xăng dầu là mặt hàng chiến lược, nhiên liệu quan trọng. Biến động tăng hoặc giảm giá xăng dầu sẽ trực tiếp tác động mạnh đến hầu hết các hoạt động sản xuất kinh doanh. Trong đó, giảm giá mặt hàng này sẽ giúp cắt giảm chi phí sản xuất của doanh nghiệp; đồng thời, góp phần làm giảm giá nguyên vật liệu đầu vào do giảm chi phí trong khâu vận chuyển, từ đó giảm chi phí sản xuất, gia tăng lợi nhuận. Điều này đồng nghĩa với việc mở rộng sản xuất, tạo thêm việc làm và tăng thêm thu nhập cho người lao động, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, dư luận và các chuyên gia đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong việc giảm mạnh giá xăng dầu từ ngày 11/7.

 Ông Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê. (Ảnh: Thúy Hiền).

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, giảm giá xăng dầu trực tiếp làm giảm mức lạm phát của nền kinh tế, giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho xăng dầu của người dân; giảm giá xăng dầu đồng nghĩa với cơ hội kéo giảm lạm phát, giữ ổn định vĩ mô; góp phần đảm bảo hiệu quả thực hiện các chính sách, giải pháp và Chương trình Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng nhanh và bền vững, từ đó tiếp tục tạo thêm việc làm, tạo thêm thu nhập góp phần nâng cao mức sống dân cư, đặc biệt đối với người lao động.

“Theo tính toán, mức giảm giá xăng dầu ngày 11/7/2022 có tác động tốt tới giảm áp lực lạm phát. Nếu trong tháng này, giá xăng dầu không biến động; việc giảm giá ngày 11/7/2022 sẽ làm giá xăng dầu giảm 4,31% và CPI giảm 0,16 điểm phần trăm so với tháng trước”, chuyên gia kinh tế Nguyễn Bích Lâm chia sẻ thêm.

Đồng tình với quan điểm nói trên, đánh giá về việc điều chỉnh giảm giá xăng dầu vào ngày 11/7, TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam, cho rằng việc giảm giá xăng dầu hơn 3.000 đồng/lít, lớn nhất từ trước đến nay thể hiện sự đồng hành nỗ lực của Chính phủ, thể hiện trách nhiệm của Quốc hội là tín hiệu vui tác động tích cực đến nền kinh tế.

“Quyết định của Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 về việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đã hỗ trợ tích cực cho người dân, cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy phục hồi kinh tế; cũng góp phần kiềm chế được lạm phát. Như vậy việc giảm giá xăng dầu sẽ đạt được đa mục tiêu, một mũi tên trúng được nhiều đích…”, TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.

Liên quan đến quyết định giảm thuế để kiểm soát giá xăng, dầu, mỡ nhờ ước tính nguồn thu ngân sách nhà nước sẽ giảm bình quân một tháng (đã bao gồm cả phần giảm thuế Giá trị gia tăng) khoảng 1.400 tỷ đồng/tháng. Theo đó, tổng giảm thu ngân sách nhà nước do việc giảm thuế Bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn trong năm 2022 (tính cả phần giảm thu ngân sách nhà nước theo Nghị quyết số 18/2022/UBTVQH15 và Nghị quyết số 13/2021/UBTVQH15) khoảng 32.538 tỷ đồng. Vì vậy, quyết định giảm thuế để kiểm soát giá xăng, dầu, mỡ nhờn đã thể hiện rõ nỗ lực của Chính phủ, sự đồng hành kịp thời và xử lý khẩn trương, trách nhiệm, hiệu quả của Quốc hội nhằm kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh của nền kinh tế.

Các chuyên gia cho rằng, giảm thuế xăng dầu sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách, nhưng về trung hạn và dài hạn hoạt động sản xuất kinh doanh sẽ được duy trì và mở rộng; ngân sách sẽ được bổ sung nguồn thu từ sự gia tăng của các hoạt động sản xuất kinh doanh. Vì vậy, về lâu dài, việc giảm thuế xăng dầu sẽ giúp cho nguồn thu thuế xăng dầu ổn định và gia tăng trong trung hạn và dài hạn khi kinh tế phục hồi.

 Mỗi lít xăng được giảm hơn 3.000 đồng là mức giảm mạnh nhất từ đầu năm đến nay. (Ảnh: Petrolimex).

Trước đó, trong phiên họp bất thường vào sáng 06/7 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để xem xét quyết định điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã nhấn mạnh, do tính chất quan trọng của xăng dầu nên vừa phải đảm bảo nguồn cung nguồn cung xăng dầu - đây là yếu tố then chốt, quyết định và vừa phải bình ổn giá.

Theo thống kê, từ đầu năm 2022 đến nay, do tác động của mặt bằng giá bán xăng, dầu trên thế giới, giá xăng dầu bán lẻ trong nước được điều chỉnh 17 lần, trong đó, giá xăng tăng 13 lần và giảm 4 lần. Tuy nhiên, giá xăng dầu sau kỳ điều chỉnh ngày 11/7/2022 vẫn đứng ở mức rất cao. Cụ thể giá xăng vẫn cao hơn khoảng 6.000 đồng/lít, giá dầu cao hơn khoảng 9.000 đồng/lít so với thời điểm cuối năm 2021. Vì vậy, dư luận mong mỏi, Chính phủ cần khẩn trương xây dựng phương án giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế Giá trị gia tăng đối với xăng, dầu nhằm cắt giảm và ổn định giá xăng dầu ở mức kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, thúc đẩy nhanh, hiệu quả quá trình phục hồi và phát triển kinh tế sau những hệ luỵ nặng nề do dịch COVID-19 gây ra. Được biết, sau thuế bảo vệ môi trường, Bộ tài chính đang nghiên cứu phương án giảm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT. Đây sẽ là cơ sở để tiếp tục giảm giá xăng, dầu, hướng đến thúc đẩy các hoạt động sản xuất kinh doanh.

Xăng, dầu là mặt hàng chiến lược, huyết mạch của nền kinh tế. Việc bình ổn giá xăng, dầu có ý nghĩa quan trọng trong kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô và thúc đẩy tăng trưởng. Việc Chính phủ kịp thời đồng hành, tháo gỡ khó khăn cùng người dân và cộng đồng doanh nghiệp thông qua việc điều chỉnh các loại thuế, giảm giá xăng, dầu sẽ là cơ sở để kéo giảm mức lạm phát của nền kinh tế, giảm bớt gánh nặng chi tiêu cho xăng, dầu của người dân; đẩy nhanh quá trình phục hồi sản xuất, nâng cao đời sống của các tầng lớp nhân dân./.

Vũ Linh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực