Lại bàn về thưởng Tết

Thứ ba, 26/01/2010 16:27

(ĐCSVN) – Năm hết Tết đến, người lao động lại trông chờ vào khoản tiền thưởng cuối năm, có nơi đó là khoảng tiền rất lớn nhưng cũng có chỗ, đó chỉ là chút ít động viên tinh thần. Điều đó cho thấy, khoản tiền thưởng Tết chưa nói lên thực chất về đời sống người lao động.

 

 Thưởng tết luôn là niềm vui của người lao động
(Ảnh: VNN)

Hầu như đến cuối năm, trên các trang báo lại rộ lên chuyện thưởng Tết, báo chí luôn hướng đến những địa chỉ thưởng Tết cao và nơi thưởng Tết thấp để có những cái “tít” nóng, giật gân. Thông tin trên báo chỉ nhằm chỉ ra rằng: Doanh nghiệp nào, đơn vị nào làm ăn khấm khá, có mức thưởng cao và mức thưởng chênh lệch so với các ngành khác như thế nào. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có một nghiên cứu, một khảo sát chính thức từ Bộ Lao động – Thương binh và xã hội nhằm đánh giá việc thưởng Tết có phần nào cải thiện thực sự cuộc sống của người lao động vào dịp cuối năm hay không?

Nêu vấn đề này ra để chúng ta cùng nhìn lại, lâu nay thông tin về những khoản thưởng Tết cao thường rơi vào những vị trí lãnh đạo, những vị trí quản lý cấp cao, vào những công ty có vốn FDI. Trong khi đó, những người lao động, những người trực tiếp sản xuất ra hàng hoá, giá trị vật chất cho xã hội, mức thưởng có thể nói rất khiêm tốn và chưa thể hiện được sự đóng góp của họ cho doanh nghiệp, cho xã hội.

Người lao động rất trông chờ vào những khoản tiền thưởng, bởi lẽ với họ đó là những bộ quần áo mới cho con vào dịp năm mới; đó là kế hoạch mua sắm các trang thiết bị dân dụng cho gia đình; đó là những khoản biếu xén họ hàng nội ngoại hai bên. Cho nên, năm hết Tết đến người lao động lại ngóng chờ, háo hức vào tiền thưởng cuối năm, để còn “liệu cơm gắp mắm”. Thậm chí, đôi khi việc khoe khoản thưởng Tết cũng nói lên vị trí, uy tín cơ quan mình đang công tác với bạn bè, họ hàng. Tuy nhiên, sự chênh lệch của các khoản tiền thưởng Tết nhiều khi làm cho người lao động ngậm ngùi hơn...

Năm nay là năm đầu tiên cả 63 tỉnh, thành đều có báo cáo về vấn đề thưởng Tết (chỉ là báo cáo về số thưởng của một số doanh nghiệp). Bất ngờ nhất là nhiều doanh nghiệp Nhà nước có mức thưởng cao hơn các doanh nghiệp tư nhân (cao nhất là 99,7 triệu đồng). Nhưng trong niềm vui của rất nhiều người thì cũng có vô số những nỗi buồn: Có doanh nghiệp chỉ thưởng Tết cho người lao động số tiền mua được… 3 lạng thịt bò (30.000 đồng), thậm chí nhiều doanh nghiệp không có tiền để thưởng. Giáo viên được thưởng tết từ 50 đến 100 ngàn đồng, quả là nỗi ngậm ngùi cho các thầy cô (!)...

Câu hỏi đặt ra, tại sao một số công ty nhà nước liên tục báo cáo thua lỗ trong khi thưởng Tết cao, còn nhiều doanh nghiệp tư nhân mô hình gọn nhẹ, chủ động linh hoạt trong sản xuất và kinh doanh lại thưởng thấp? Phải chăng một phần lợi nhuận kinh doanh của các công ty nhà nước đã được chuyển thẳng sang Quỹ phúc lợi để cuối năm “chia” cho cán bộ, công nhân viên?

Việc thưởng Tết vì thế cần căn cứ vào kết quả sản xuất kinh doanh, đóng góp thực sự cho lợi ích cộng đồng xã hội hằng năm của doanh nghiệp và mức độ hoàn thành công việc của từng người lao động. Trong trường hợp doanh nghiệp làm ăn lỗ hoặc năng suất lao động của người lao động không cao, doanh nghiệp có quyền không thưởng.  Lâu nay việc thưởng Tết cho người lao động thường dựa trên cơ sở hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể mà hai bên đã thỏa thuận. Trong khi đó, hợp đồng lao động lại thường ghi rất chung chung: “Các chế độ thưởng phụ thuộc vào tình hình doanh thu của doanh nghiệp” . Vì vậy lao động ít có khả năng thương lượng hay đòi hỏi người sử dụng lao động về khoản thưởng Tết. Do đó, người lao động không chỉ hoàn thành tốt công việc của mình đã mong có thưởng lớn, mà họ còn trông đợi vào kết quả kinh doanh cả năm của đơn vị, trông chờ vào mức độ “cởi mở” của lãnh đạo đơn vị.

Dù sao, đa số người lao động trên cả nước được thưởng Tết cũng là một điều đáng mừng. Dẫu biết rằng mọi sự so sánh đều là khập khiễng, dẫu biết mọi sự ồn ào trên báo chí cuối năm về thưởng Tết rồi cũng sớm qua đi. Chỉ mong sự bất cập, chênh lệch về tiền thưởng trong các doanh nghiệp, cơ quan Nhà nước ít hơn, để đến Tết ai cũng có phần, niềm vui sẽ trọn vẹn hơn./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực