Mặt trái của mạng xã hội

Thứ năm, 06/10/2016 10:56
(ĐCSVN) – Một khung cảnh lộn xộn hiện lên trên clip. Một cậu học sinh lớp 8 nhỏ thó trong bộ đồng phục nhàu nát bị bắt quỳ giữa đường. Những cú đấm rất mạnh vào đầu, vào mặt. Những tiếng chửi thề, cười đùa, thậm chí hò hét trợ uy của bạn cùng lứa. Đúng 6 ngày sau, khi bố mẹ đi làm vắng, cậu bé treo cổ tự tử...

Hình ảnh cắt từ clip sự việc tại Yên Bái 

Đó tiếc thay không phải là một kịch bản phim hành động về bạo lực học đường. Nó có thật, được ghi lại và phát tán rộng rãi trên mạng xã hội. Chắc chắn, hành động dại dột của cậu học sinh lớp 8 Trường THCS Âu Lâu, TP Yên Bái không chỉ bị ảnh hưởng từ những cú đấm. Nó còn là dư chấn quá rõ ràng từ những lời trêu chọc, của những bình phẩm ác ý trên thế giới ảo, nơi người ta dùng bàn phím để thể hiện quyền lực thay cho lòng trắc ẩn.

Những câu chuyện đau lòng mang dấu tích của mạng xã hội đã không còn hiếm. Và không ngạc nhiên khi nó luôn là một đòn tâm lý cực mạnh đối với những đứa trẻ còn non nớt nhưng sớm được tương tác với không gian mạng. Một buổi trưa giữa tháng 6 năm 2016, cộng đồng mạng dậy sóng bởi clip sex của một nữ sinh còn quá trẻ tại Đồng Nai. Vào buổi chiều, cô gái lập tức uống thuốc diệt cỏ và không thể cứu! Gần nhất, cuối tháng 8, một nữ sinh lớp 8 tại Khánh Hòa được phát hiện có ý định tự tử vì khủng hoảng tâm lý bởi sự sỉ nhục và hành vi đánh đập của cô giáo. Rất may mọi chuyện đã được xử lý, giáo viên bị kỷ luật và gia đình cho học sinh chuyển trường. Tuy nhiên, một lần nữa mọi chuyện lại đi đúng vào vết xe đổ: Cô nữ sinh không chịu nổi sự chế giễu của bạn bè trên Facebook!

Còn rất nhiều những câu chuyện đau lòng nữa từ ảnh hưởng của mạng xã hội, nơi kết nối cực nhanh với mọi nguồn thông tin nhưng cũng đầy vô tình trong các sự việc nhạy cảm. Thế giới ảo có thể đưa ra mọi luồng thông tin mà người ta cần, nhưng cũng có thể trở thành vị quan tòa buộc tội người khác bằng áp lực số đông.

Chỉ một hình ảnh, một tin nhắn, hay một clip hớ hênh được lưu lại, nó có thể lập tức trở thành trò cười cho cả triệu thành viên. Thậm chí, những câu chuyện hoang đường hay "thuyết âm mưu" nhắm vào người khác cũng là một phần của cuộc chơi, dù chỉ để thỏa mãn nhu cầu giải trí. Đã có những trường hợp, thông tin thiếu kiểm duyệt đẩy nạn nhân được giải cứu từ các vụ buôn người lâm vào bế tắc trong cuộc sống bởi định kiến hay sự kỳ thị. Cũng không ít lần, những tin tức hỏa mù từ mạng xã hội dẫn đến những vụ đánh ghen tàn khốc, những vụ hẹn nhau thanh toán kiểu "xã hội đen" của học sinh, sinh viên. Khi nhân vật chính của mỗi sự việc được “ăn gạch” trên mạng xã hội, đó cũng là lúc các nạn nhân bị đẩy từ bi kịch này đến bi kịch khác. Để rồi khi họ cảm thấy đã ở đường cùng, đó cũng là lúc thảm kịch xảy ra.

Như đã nêu trên, những ảnh hưởng từ thế giới ảo là rất lớn đối với tâm lý con người, đặc biệt là tuổi trẻ, những người chưa đủ bản lĩnh để đối mặt với những cú sốc đầu đời. Trở lại với câu chuyện về cậu học sinh lớp 8 tại Yên Bái, ngay cả khi thảm kịch không xảy ra, người ta cũng sớm hình dung được hậu quả của nó. Sự sợ hãi của nạn nhân sẽ dẫn tới tâm lý uất ức và thậm chí bản năng tự phòng vệ bằng vũ lực. Cậu bé sẽ im lặng chịu đựng hoặc im lặng tìm cách trả thù. Còn nếu lên tiếng thì sao? Sự thật, rất nhiều phụ huynh cũng quá thiếu kỹ năng xử lý xung đột của con trẻ. Không ít trường hợp, bố mẹ của học sinh bị bắt nạt cũng lại “ra đòn” để xử lý tình huống.

Sự thật, trên mạng xã hội, những thông tin tiêu cực đôi khi lại được chia sẻ và đón nhận “nồng nhiệt” hơn các thông tin tích cực. Trong khi đó, người dùng vẫn phải sử dụng “bộ lọc” riêng bằng bản lĩnh hay sự sáng suốt của mình. Vẫn biết rằng sự phát triển của thế giới ảo là không thể đảo ngược và kiểm soát hoàn toàn, nhưng trách nhiệm của người lớn, của gia đình và nhà trường trong vấn đề này vẫn cần được thể hiện. Nếu chúng ta bất lực trong việc bảo vệ trẻ thơ trước sự cám dỗ và mặt trái của con dao hai lưỡi mang tên mạng xã hội, bi kịch có thể ập đến với bất kỳ ai, bất kỳ lúc nào./.

HC

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực