Miên man kinh thành

Thứ hai, 08/08/2011 11:50

(ĐCSVN) - Không thật sự rõ lắm về nguồn gốc, lịch sử của những đoạn tường thành cổ có tự bao giờ. Và trong nguyên sơ ấy, hàng trăm năm, hàng nghìn năm trước, diện mạo của nó ra sao; có lẽ chỉ những nhà sử học mới có thể phác thảo một cách cơ bản được. Chỉ biết rằng, không phải bây giờ khi đã lớn- mà từ lúc còn là cậu học sinh, ngày ngày trên đường đi học, tôi đã nhìn thấy cổng thành, mảng tường thành.

Và từ lúc nào không để ý, theo thời gian, thành phố chuyển mình vươn lên căng đầy sức sống. Những con đường mở rộng khang trang. Những trung tâm văn hóa rực rỡ. Những tòa nhà lộng lẫy nguy nga. Những khu phố mới sầm uất hiện đại. Trong cái mới mẻ hoành tráng ấy, hình như đâu đó vẫn thấy nét trầm mặc uy nghiêm, bí ẩn, hoài cổ toát lên từ những mảng tường thành xưa cũ. Nó vừa là chứng tích của một thời huy hoàng trong quá khứ, vừa là nét chấm phá thân thương cho hôm nay; gợi lên ý thức giữ gìn. Quan trọng hơn, dường như có lúc nào đó, thanh lọc tâm hồn ta.

 

 Đoan Môn - cửa chính đi vào Hoàng thành Thăng Long
Ảnh: vnexpress.net

Ngày nắng lên, những mảng tường thành bừng tỉnh gợi miền hoài cổ. Rêu xanh bám chặt phủ tầng tầng lớp lớp thách thức thời gian. Những thân dây dại vòng vèo ôm lấy bờ tường thành nhiều vòng như ngày càng nút chặt gạch vữa vào nhau. Vững chãi. Trong rong rêu hoài cổ, có nhiều nụ hoa hé nở. Hoa của tầm gửi từ cành đa cành si. Hoa ti gôn dưới chân thành say đắm. Hoa tầm xuân biêng biếc vô tình đậu hững hờ. Giữa ngàn lá hoa, cảnh sắc đượm màu cổ điển, chợt thấy như trên lầu khuê các, bóng giai nhân mờ tỏ chơi đàn, ngắm hoa, đọc sách và mơ đắm đấng tình quân văn võ toàn tài.

Giang sơn, xã tắc trải qua nghìn năm thăng trầm, biến động, theo quy luật của lịch sử đã xuất hiện những nhân vật lỗi lạc, làm rạng rỡ thêm nền văn hiến nước nhà trên nhiều lĩnh vực: văn hóa, nghệ thuật, quân sự. Di sản họ để lại dễ thấy nhất cho hậu thế hôm nay, bên cạnh những áng hùng văn thiên cổ, bên cạnh những chiến công hiển hách chính là những dấu vết kinh thành. Những mảng tường thành ấy không chỉ để ngăn giặc ngoại xâm, không chỉ để phòng chống thiên tai, mà quan trọng hơn nó là nơi nuôi dưỡng lòng dân, là nơi trí tuệ của cả triều đình cộng hưởng, với mong muốn gìn giữ non sông gấm vóc này ngàn đời vững bền, no ấm. Hà Nội, bên cạnh thành Cổ Loa và Hoàng thành Thăng Long, thủ đô, may mắn sao vẫn còn dấu vết nguyên vẹn của góc cổng thành Hoàng Diệu….Ngược lên hướng đông bắc- phía Tuyên Quang, thành nhà Mạc vẫn sừng sững, hiên ngang chặn bước quân thù ngay miền biên ải, khẳng định sức mạnh của thời xa vắng. Xuôi về Phương Nam- tỉnh Thanh Hóa, thành nhà Hồ bề thế, kiên cố cho thấy sự tính toán của Hồ Quý Ly- vị vua mang trong mình khát vọng đổi mới đất nước. Và gần hơn chút nữa, thời gian chỉ cách chúng ta mấy trăm năm lịch sử, Kinh thành Huế của những triều vua Nguyễn vẫn vẹn nguyên, phóng khoáng và bí ẩn như chính những con người tạo nên triều đại ấy.

Những bóng dáng kinh thành ấy, dù đã bị thời gian làm hao mòn, nhưng hôm nay, lạ thay, hoa vẫn ngát hương và lá vẫn thắm xanh, điểm tô. Quan trọng hơn, còn nhắc nhở hậu thế chúng ta giữ gìn.

Một đêm nọ khi trời khuya muộn, tôi bị một anh bạn đánh thức. Đơn giản, đi lang thang trong đêm Hà Nội. Đi lang thang trong đêm mới thú vị, mới thấy hết cái giá trị của Thăng Long, Đông Đô, Hà Nội…

Và khi sớm mai, anh bạn khoe với tôi về mô hình thành cổ Thăng Long nghìn năm trước mà anh mới hoàn thành sau thời gian dài kỳ công tìm hiểu, sưu tầm, nghiên cứu. Lạ thay, kinh thành Thăng Long, nguy nga, tráng lệ; người dân thuận hòa vui vẻ; bốn cổng thành Đông, Tây, Nam, Bắc rộng mở đón chào, thỉnh thoảng có những đoàn kỵ binh….Tiếp niềm tự hào ấy, anh bạn hứng lên, say sưa trong niềm hoài cổ: Từ thưở mang gươm đi mở cõi. Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long…Lối xưa xe ngựa hồn thu thảo. Thềm cũ lâu đài bóng tịch dương.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực