Mối bận tâm lớn!

Thứ năm, 03/11/2022 16:03
(ĐCSVN) - Chuyện công chức, viên chức nghỉ việc, chuyển dịch lao động từ khu vực công sang tư nhân không phải là câu chuyện mới, là điều bình thường đối với bất cứ ngành nghề nào. Song nghỉ với số lượng lớn, ồ ạt và chưa có dấu hiệu dừng trong thời gian ngắn lại là mối bận tâm rất lớn của các vị đại biểu Quốc hội.

Chiều nay (3/11), Quốc hội sẽ bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn 2,5 ngày tại hội trường. Trong bốn nhóm vấn đề được lựa chọn chất vấn, có nhóm vấn đề nội vụ. Chắc chắn trong nhóm vấn đề này, tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là lĩnh vực, vị trí địa bàn đông dân cư, chịu nhiều áp lực công việc (như viên chức y tế…) sẽ là mối quan tâm lớn của các vị đại biểu Quốc hội khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Mối quan tâm này của các vị đại biểu Quốc hội đến từ con số thống kê từ các bộ, ngành và địa phương. Cụ thể là tính từ ngày 01/01/2020 đến 30/6/2022, số lượng công chức viên chức nghỉ việc, thôi việc là 39.552 người, chiếm 1,94% tổng số biên chế được giao. Trong đó, ở Bộ, ngành có 7.102 người, chiếm 17,96%; ở địa phương có 32.450 người, chiếm 82,04%.

 Ảnh minh họa (Nguồn: TH)

Phân tích rõ hơn, Bộ Nội vụ cho biết số người nghỉ, thôi việc chủ yếu là viên chức (chiếm 89,8%), công chức (chỉ chiếm 10,2%), cơ bản tập trung ở các tỉnh, thành phố lớn, có tốc độ phát triển kinh tế nhanh (tập trung nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế), các đô thị có hệ thống dịch vụ công khu vực ngoài nhà nước phát triển nên nhiều cơ hội về việc làm. 

Lo ngại nữa, công chức viên chức nghỉ việc nằm ở nhóm tuổi từ 40 tuổi trở xuống, có trình độ đào tạo từ đại học, cao đẳng trở lên. 

Có nhiều nguyên nhân của tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc.

Về khách quan, theo Bộ Nội vụ, sự phát triển của nền kinh tế thị trường đòi hỏi phải tạo lập và phát triển đồng bộ các loại thị trường, trong đó có thị trường lao động. Khi thị trường lao động phát triển đòi hỏi phải có sự liên thông giữa thành thị và nông thôn, khu vực công và khu vực tư, trong và ngoài nước. Theo đó, những năm gần đây có sự dịch chuyển lao động giữa các khu vực (nông thôn ra thành thị, xuất khẩu lao động, khu vực công sang khu vực tư và ngược lại) đáp ứng cung – cầu của thị trường lao động. Trong đó, có việc công chức, viên chức nghỉ việc, thôi việc ở khu vực công để chuyển sang làm việc ở khu vực tư để phù hợp với chuyên môn được đạo tạo hoặc muốn thay đổi môi trường làm việc...  

Mặt khác, cơ chế tự chủ và xã hội hoá các hoạt động sự nghiệp và dịch vụ công cũng tạo điều kiện để viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập có nhiều cơ hội để thay đổi việc làm, việc lao động "ra, vào" giữa đơn vị sự nghiệp công  lập và ngoài công lập sẽ trở lên thường xuyên, tạo sự cạnh tranh lành mạnh theo quan hệ cung - cầu lao động giữa khu vực công và khu vực tư. Hiện tượng này cũng đang diễn ra ở các nước phát triển trên thế giới như Anh, Pháp, Mỹ, Canada, Singapore.

Về nguyên nhân chủ quan, đó là tiền lương và thu nhập của công chức, viên chức còn thấp so với thu nhập của người lao động cùng trình độ làm việc trong doanh nghiệp nhà nước, khu vực tư nhân, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.

Đó còn là do một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự quan tâm nhiều đến công tác xây dựng quy hoạch đội ngũ chuyên gia giỏi của từng lĩnh vực, nên một bộ phận công chức, viên chức không định hình được hướng phát triển về chuyên môn, nghiệp vụ của mình nên dần bị mai một kiến thức, kinh nghiệm sẽ tìm cách khắc phục bằng việc thay đổi môi trường làm việc để tìm kiếm cơ hội tốt hơn.

Cùng với đó, thực hiện chủ trương tinh giản biên chế theo quy định của Đảng và của pháp luật, nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị phải giảm biên chế nhưng khối lượng công việc ngày càng tăng do yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn, dẫn đến việc  bị quá tải, áp lực lớn (như lĩnh vực giáo dục và y tế). Đặc biệt trong thời gian dịch COVID-19 bùng phát, áp lực làm việc của đội ngũ nhân viên y tế nặng nề, nguy hiểm, đội ngũ nhà giáo phải thay đổi phương thức dạy - học trong khi trang thiết bị và cơ sở vật chất thiếu thốn nên tạo áp lực cho giáo viên.

Môi trường, điều kiện làm việc trong khu vực công ở nhiều đơn vị, địa phương chưa thật sự tạo động lực cống hiến và cơ hội để công chức, viên chức phát huy tốt năng lực...

Từ các vấn đề nêu trên, cho thấy vấn đề nghỉ việc, chuyển việc ở khu vực công thời gian qua cần nhìn nhận ở cả 2 góc độ. Đó là, việc dịch chuyển này là xu thế của sự phát triển, vận động của kinh tế -xã hội của một quốc gia, là sự “phân công lao động” theo quy luật thị trường và đây là cơ hội để tuyển dụng mới (thay thế), cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức viên chức.

Bên cạnh đó, việc dịch chuyển này cũng đặt ra yêu cầu cần phải nghiêm túc nhìn nhận những hạn chế, bất cập của cơ chế quản lý cán bộ công chức viên chức để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp nhằm tạo động lực thúc đẩy người lao động hăng say làm việc cho tổ chức.

Rõ ràng, chuyện cán bộ, công chức, viên chức bỏ khu vực công sang khu vực tư làm việc đã xuất hiện từ lâu, cũng là điều bình thường đối với bất cứ ngành nghề nào. 

Mặt khác, ở chiều ngược lại, theo báo cáo của 23 Bộ, ngành và 63 địa phương, trong giai đoạn từ năm 2020 đến 06 tháng đầu năm 2022 đã tuyển dụng được 143.961 công chức, viên chức (trong đó, viên chức giáo dục là 74.495 người và viên chức y tế là 38.147 người). Con số này khẳng định khu vực công vẫn rất hấp dẫn, cạnh tranh cao và khả năng thu hút nguồn nhân lực.

Dù vậy, việc dịch chuyển nhân lực với một số lượng lớn và chưa có dấu hiệu dừng lại cần được nhìn nhận một cách nghiêm túc, công tâm, khách quan. Việc giữ chân cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, tâm huyết, có kinh nghiệm làm việc trong bộ máy mới là một thách thức đối với Chính phủ và các địa phương./.

Minh Duyên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực