Năm mới, thắng lợi mới

Thứ hai, 15/02/2010 17:27

 

Đón Xuân Canh Dần 2010 với những cầu chúc tốt lành - Ảnh: Cát Tường

(ĐCSVN) – Năm mới hứa hẹn những khởi đầu mới và nhiều dự đoán về triển vọng năm 2010. Chúng ta cùng xem xét và nhìn nhận về những triển vọng có tính lạc quan đó để vững bước trên con đường đổi mới phát triển của chúng ta trong giai đoạn hội nhập ngày càng sâu rộng vào thế giới hiện nay.

Cùng với sự tăng trưởng trở lại theo xu thế chung của nền kinh tế thế giới, Việt Nam cũng được dự đoán là một trong ít những quốc gia thoát ra khỏi khủng hoảng một cách bền vững và hiệu quả.

Những tín hiệu đáng mừng

Kinh tế châu Á phát triển vượt bậc khiến cho nhu cầu tiêu thụ hàng hóa tại khu vực này tăng mạnh vượt nhanh hơn cả các nước có nền công nghiệp phát triển. Đó cũng chính là nhân tố thuận lợi để Việt Nam phát triển mạnh hơn các sản phẩm thế mạnh đặc biệt là những sản phẩm thủ công “handmade” đầy đặc sắc, độc đáo, góp phần thúc đẩy hơn nữa hiệu quả của cuộc vận động “người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà Bộ Chính trị phát động từ năm 2009.

Kinh tế thế giới đã trải qua một năm 2009 đầy khó khăn. Nhưng cho đến nay, cuộc khủng hoảng tài chính thế giới đã được kiểm soát nhờ Chính phủ các nước đã can thiệp kịp thời bằng nhiều biện pháp tích cực khiến nền kinh tế toàn cầu trở nên khả quan hơn. Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế thế giới năm 2010 sẽ tăng trưởng 3,1%, cao hơn so với mức 1,1% của năm 2009, song vẫn thấp hơn nhiều so với các năm trước. Còn theo dự báo của Liên hiệp quốc (LHQ) thì năm 2010, nền kinh tế thế giới có thể đạt mức tăng trưởng 2,4%, tuy nhiên, sự phục hồi này còn rất mong manh.

Trong đó, hầu hết các nhà phân tích đều nhận định châu Á đang là động lực đưa thế giới thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế. Nghiên cứu của LHQ về tình hình kinh tế - xã hội khu vực châu Á - Thái Bình Dương nhấn mạnh khu vực này đang dẫn đầu thế giới về phục hồi kinh tế với dự báo tốc độ tăng trưởng trung bình 6,3% trong năm 2010. Việc các nước châu Á tích cực chuyển hướng, chú trọng hơn đến thị trường nội địa, nhằm giảm phụ thuộc xuất khẩu là hướng đi hiệu quả, giúp lấy lại ổn định và tăng trưởng sau khủng hoảng.

Theo dự báo của LHQ, năm 2010, các nước đang phát triển ở châu Á sẽ có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất, đặc biệt là Trung Quốc 8,8%, Ấn Độ 6,5%; tiếp đến là Việt Nam, Lào: 5%, hơn mức 4% của năm 2009 (trong khi đó Quốc hội Việt Nam đề ra chỉ tiêu tăng trưởng khoảng 6,5%); sau đó là Myanmar và Indonesia với hơn 4%. Những quốc gia còn lại, tăng trưởng từ 3,5% trở xuống, thấp nhất là Nhật Bản 1,5% và Brunei 0,5%.

Tin vào sự phát triển của Việt Nam

Hy vọng rằng điều đó sẽ trở thành hiện thực, với những tin tưởng và lạc quan mà ngay chính bạn bè quốc tế đang dành cho Việt Nam, mới đây nhất, tại Hội nghị thường niên Diễn đàn kinh tế thế giới 2010 (WEF 2010), với chủ đề “Cải thiện thực trạng thế giới: Cùng suy nghĩ lại, Tái thiết và Tái xây dựng”. Đảm nhiệm vai trò là Chủ tịch ASEAN 2010, đồng thời là chủ nhà của Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Á năm 2010, sự tham gia của Việt Nam như đã biết được đặc biệt quan tâm tại Hội nghị WEF Davos năm nay.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tham dự và phát biểu tại bốn phiên toàn thể quan trọng của Hội nghị WEF về các chủ đề: “Tái thiết tăng trưởng kinh tế dài hạn”, “Tái định hình nền quản trị toàn cầu”, “An ninh lương thực” và “Cộng đồng Đông Á”. Tại các phiên thảo luận này, Thủ tướng đã chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam như là một điểm sáng trong đối phó và khắc phục tác động của khủng hoảng của các nước đang phát triển. Thủ tướng đã cùng với lãnh đạo các nước tham dự hội nghị thảo luận và chia sẻ về những vấn đề mang tính toàn cầu.

Các đại biểu bày tỏ ấn tượng với tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong giai đoạn khó khăn vừa qua và đánh giá cao vai trò của Chính phủ trong điều hành nền kinh tế cũng như thúc đẩy cải cách nhằm tạo khả năng thích ứng khá tốt của nền kinh tế và tin tưởng vào triển vọng phát triển kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới.

Cảnh giác trước những nguy cơ lớn

Bước vào năm 2010, hầu hết các nhà kinh tế đều dự báo tiến trình phục hồi kinh tế vẫn được giữ vững mặc dù ít triển vọng có bước nhảy lớn. Tuy vậy, nền kinh tế thế giới vẫn đứng trước các nguy cơ lớn: vỡ nợ, tăng trưởng chậm, các quyết toán của ngân hàng gặp nhiều bất ổn nhất là với khu vực thương mại với những nguy cơ trước mọi sự điều chỉnh giá. Hầu hết các chuyên gia phân tích đều chung một nhận định rằng kinh tế khởi sắc, nhưng tiềm ẩn nguy cơ. Dư âm về một cuộc khủng hoảng kinh hoàng đe dọa đánh gục các nền kinh tế dù là vững chãi nhất thế giới trên đường nó đi qua ngay từ hồi đầu năm nay vẫn còn đó. Tỷ lệ người nghèo gia tăng đột biến. Hàng chục triệu người lao động mất việc làm.

Đó còn là những ẩn họa và buồn phiền từ chính những đe dọa do con người đem lại: vấn đề hạt nhân, vấn đề khủng bố, nguy cơ bùng phát điểm nóng chiến tranh mới, tình trạng thiếu lương thực, thay đổi thời tiết, tình trạng ô nhiễm môi trường…

Lạc quan vào triển vọng nhưng cũng cẩn trọng, xem xét kỹ lưỡng các tình huống, các mối đe dọa, để mỗi chúng ta có một tâm thế đúng đắn đón chào năm mới. Tất cả đang “gieo hạt” để sẵn sàng chờ đón ngày “gặt hái trái ngọt” kết tinh. Đó cũng chính là thông điệp cầu chúc mỗi dịp xuân về, Tết đến.

Chào đón năm mới với những thắng lợi mới – tin ở tương lai!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực