Ngăn chặn những hành vi chống nhà báo

Thứ năm, 01/07/2010 09:23
 

Nhà báo Võ Minh Châu đang điều trị tại BV Đa khoa Hà Tĩnh
(Ảnh: Báo Hà Tĩnh)

(ĐCSVN)
- Được sự yêu mến và tin cậy của công chúng, báo chí ngày nay đã có bước phát triển mạnh mẽ chưa từng thấy về đội ngũ, về số lượng và thể loại, về trình độ nghiệp vụ, trình độ kỹ thuật. Đời sống của người làm báo giờ đây đã được cải thiện rõ rệt. Nghề báo trở thành một nghề hấp dẫn.

Nhưng cũng trong quá trình thâm nhập sâu vào đời sống xã hội, vì sự tiến bộ xã hội, cũng như nghề báo ở mọi nơi trên thế giới, nghề báo ở Việt Nam đang trở thành một nghề nguy hiểm. Theo thông tin của Hội Nhà báo Việt Nam từ năm 2006 đến nay, đã có 18 vụ cản trở, hành hung nhà báo hành nghề trong đó hành hung chiếm 13 vụ (72,2%), đáng lo ngại là số vụ hành hung nhà báo có xu hướng ngày càng tăng và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Từ 1-2010 đến nay, số vụ cản trở, hành hung nhà báo là 7 vụ, bằng 45% của cả 4 năm trước đó. Có thể kể đến các vụ cản trở, hành hung nhà báo như phóng viên Huỳnh Lộc và Hàn Giang (báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh) bị hành hung ở Long An; phóng viên Việt Hùng và Sinh Lượng (Truyền hình VTC) bị hành hung ở tập đoàn Vinashin; phóng viên Duy Bùi (báo TT 24 giờ) bị hành hung ở sân vận động Thiên Trường-Nam Định, phóng viên Võ Minh Châu (báo Tiền Phong) bị hành hung ở Hà Tĩnh; phóng viên Thái Duy và Mỹ Phương (đài PTTT Bình Dương) bị hành hung ở Thủ Dầu Một; phóng viên Cẩm Châu (báo Nông thôn ngày nay) bị hành hung ở Quảng Nam, phóng viên Trần Thế Dũng (báo Người lao động TP Hồ Chí Minh) bị hành hung ở Lạng Sơn… Các nhà báo trong các vụ trên phần nhiều đều đang hoạt động nghiệp vụ phỏng vấn, ghi hình, tìm tài liệu, bằng chứng về các hoạt động có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật. Họ bị cản trở, hành hung, phá hỏng dụng cụ làm việc, thu giữ tài liệu thậm chí bị đánh trọng thương như với trường hợp nhà báo Trần Thế Dũng trong khi những kẻ cản trở, hành hung họ rất biết đó là những nhà báo đang làm nhiệm vụ. Có trường hợp như với nhà báo Hoàng Dưỡng (nguyên trưởng đài PT-TT huyện Buôn Đôn, Đắc Lắc) đã bị lâm tặc hành hung và đe dọa: “Mạng mày chỉ đáng 5 triệu” sau khi anh ghi hình, viết bài tố cáo hành động phá rừng của chúng.

Hành động ngang nhiên, bất chấp pháp luật của những kẻ cản trở, hành hung nhà báo có nguyên nhân sâu xa từ sự căm tức và ý đồ ngăn chặn nhà báo phơi trần hành động của họ trước công luận. Trong một chế độ như chế độ ta, những hành động như thế nhất định sẽ bị ngăn chặn, lên án. Chính vì được chính quyền các cấp và đông đảo nhân dân ủng hộ, những kẻ xấu không thể tự do lộng hành. Nhưng trên nền chung đó, vẫn còn những hạn chế, trong đó có vấn đề pháp luật của ta chưa nghiêm, thiếu những điều luật cụ thể để bảo vệ nhà báo. Ngay như Nghị định 31/2001/NĐ-CP ban hành đã 10 năm, qui định ai cố tình đe dọa,cản trở, xúc phạm danh dự, nhân phẩm nhà báo sẽ bị phạt mức cao nhất lên tới 10 triệu đồng, nhưng cho đến nay chưa được sử dụng một lần. Trong 13 vụ hành hung nhà báo, chỉ có 4 vụ bị khởi tố, trong đó chỉ 1 vụ được xét xử.

Nhà báo, dù còn người này người khác, việc này việc khác yếu kém, khuyết điểm nhưng cả đội ngũ của họ luôn đứng về phía chân lý, dũng cảm chiến đấu cho sự thật, bảo vệ phần tươi sáng của cuộc sống. Cần đứng về phía họ, giúp đỡ họ với tất cả lương tâm, sự dũng cảm trước lẽ phải của mình ./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực