Nhà báo có cần thi sát hạch ???

Thứ tư, 31/03/2010 10:36

(ĐCSVN) – Báo chí Trung Quốc vừa đưa tin, Tổng cục Quản lý báo chí và xuất bản Trung Quốc sẽ giới thiệu một kỳ thi kiểm tra trình độ cho các nhà báo tương lai, trong nỗ lực nâng cao chất lượng thông tin và trách nhiệm của nhà báo. Đây là lần đầu tiên, Trung Quốc tổ chức một kỳ thi sát hạch các nhà báo tương lai.

 

 Nghề báo luôn cần sự đam mê và dấn thân. Ảnh: Bích Thuỷ

Các bài kiểm tra sẽ tập trung vào đạo đức truyền thống của Chủ nghĩa Mác, lịch sử báo chí của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Kỳ thi này cũng tương tự như các kỳ thi cấp văn bằng chứng chỉ khác, và tất cả nhà báo tương lai sẽ phải dự kỳ thi này trước khi xin việc liên quan đến lĩnh vực truyền thông. Các nhà chức trách Trung Quốc hy vọng việc kiểm tra này sẽ làm cho dòng kiến thức của Đảng Cộng sản và tư tưởng của Chủ nghĩa Mác được thấm nhuần trong cách thức đưa tin viết bài, là điều kiện tiên quyết để đánh giá một phóng viên có trình độ.

Cũng như Trung Quốc, trước sự bùng nổ thông tin toàn cầu, nghề báo đã trở thành một trong những ngành nghề có sức hấp dẫn, lôi cuốn rất nhiều bạn trẻ tại Việt Nam. Theo thống kê của Bộ Thông tin – Truyền thông, Việt Nam hiện có đội ngũ 17.000 nhà báo được cấp thẻ và cơ bản các nhà báo đều hoạt động đúng chức năng nhiệm vụ nhà báo của mình.

Hiện nay, Hội nhà báo Việt Nam cũng đã và đang nỗ lực để xây dựng Bộ quy tắc đạo đức nghề báo. Đó sẽ là cẩm nang để các cơ quan báo chí giúp các phóng viên cũng như các cơ quan báo chí có những quy tắc cơ bản về đạo đức nghề báo. Ngoài ra, mỗi một toà soạn cũng đều tự đặt ra những bộ quy tắc đạo đức trong lĩnh vực hoạt động của phóng viên bản báo, qua đó giúp phóng viên rèn luyện và tu dưỡng để trưởng thành hơn.

Tuy nhiên, trong cơ chế thị trường cũng như những tiêu cực trong xã hội ít nhiều ảnh hưởng đến những người làm báo. Một số người trong hoạt động có biểu hiện vi phạm đạo đức nghề nghiệp: lợi dụng danh nghĩa để vòi vĩnh, trục lợi, đặt điều kiện để thông tin, đấu tranh chống tiêu cực không trong sáng... Sự phát triển nhanh chóng của các phương tiện truyền thông cũng đã làm nảy sinh một số “nhà báo, phóng viên salon, phòng lạnh” chuyên “tác nghiệp” trên công sức đồng đội. Đó là những phóng viên chuyên xào xáo, copy tin bài của báo bạn để chế thành của mình, ít có các hoạt động tác nghiệp báo chí nghiêm túc và đam mê với nghề.

Từ câu chuyện của Trung Quốc, chúng ta cũng cần nhìn lại và đánh giá các hoạt động báo chí của mình. Lâu nay, báo chí luôn có quyền và cao giọng khi phê phán sự tiêu cực của các ngành khác, nhưng rồi chính báo chí không phải lúc nào cũng mạnh dạn phản ánh sự tiêu cực trong chính đội ngũ của mình. Nếu có sự cầu thị nhìn lại mình trong công việc mới đảm bảo cho chúng ta trưởng thành và phát triển, đồng thời loạt bớt những tiêu cực vốn có trong hoạt động báo chí.

Không phải đơn giản mà người Trung Quốc lại đặt vấn đề kiểm tra kiến thức lịch sử Đảng, kiến thức về chủ nghĩa Mác sau đấy mới đặt vấn đề nâng cao chất lượng thông tin. Khác các ngành nghề khác, nghề báo và các nhà báo luôn phải phải nắm vững lịch sử Đảng và kiến thức về Chủ nghĩa Mác, đó là kim chỉ nam cho mọi hành động, là hệ tư tưởng và thế giới quan trong xử lý và giải quyết công việc. Việc nâng cao chất lượng thông tin trong thời đại bùng nổ của khoa học kỹ thuật, của kỷ nguyên số luôn được các toà soạn đặt lên hàng đầu trong sự cạnh tranh số lượng độc giả, nhưng không vì thế các toà soạn quên việc giáo dục đạo đức cho phóng viên của mình. Bởi lẽ, các phóng viên có luôn tâm niệm được trách nhiệm, vai trò xã hội của mình, ngòi bút của họ mới uyển chuyển, trong sáng, hấp dẫn và lay động lòng người.

Vậy chúng ta, liệu có cần phải tổ chức một cuộc thi sát hạch đối với các phóng viên, nhà báo hay không, hay chỉ cần xây dựng được bộ quy tắc ứng xử nghề nghiệp, để mỗi khi nhìn vào đó, các nhà báo có dịp soi rọi lại mình, điểm lại hành trình đã đi qua và vững tâm vào định hướng nghề nghiệp trong công việc sắp tới. Thiết nghĩ, câu trả lời nằm chính trong bản thân các nhà báo chúng ta./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực