Nhân lực - khâu đột phá quan trọng nhất của Hà Nội

Thứ sáu, 05/08/2011 16:17

(ĐCSVN) -  Chính phủ vừa phê duyệt qui hoạch chung xây dựng Thủ đô từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 và việc xác định ba khâu đột phá của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 vừa được Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng công bố trong bài viết trên các đài, báo. Bài viết của Thủ tướng có nội dung liên quan đến cả nước nhưng với Hà Nội, đó cũng là định hướng cho quá trình phát triển của Thủ đô trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Những vấn đề được đề cập trong các văn kiện trên rất đa dạng, phong phú, ở đây chỉ xin bàn vấn đề khai thác nguồn nhân lực của Hà Nội như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất.

Trong bài viết của mình, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng xác định ba đặc diểm kinh tế của thời đại ta đang sống là: Khoa học, công nghệ phát triển rất nhanh, rất mạnh; Toàn cầu hoá ngày càng sâu rộng; Tình trạng cạn kiệt dần các nguồn tài nguyên không tái tạo được. Những đặc điểm trên đòi hỏi phải thay đổi mô hình phát triển từ chủ yếu dựa vào vốn và tài nguyên thiên nhiên, nhân lực rẻ tuy chất lượng thấp sang nền kinh tế trí thức dựa trên chất lượng lao động cao, trình độ quản lý cao. Muốn có điều đó, nhân tố trung tâm là con người, thể hiện cụ thể là lao động chất lượng cao. Bởi vậy, trong ba khâu đột phá của nhiệm kỳ này, Chính phủ xác định phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, gắn kết chặt chẽ với ứng dụng và phát triển công nghệ là một đột phá chiến lược, là nhân tố quyết định, là khâu quan trọng nhất trong ba khâu đột phá, có vai trò chi phối các khâu đột phá khác trong quá trình xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao trong điều kiện hội nhập kinh tế ngày càng mở rộng.

Từ định hướng chiến lược đó, nhìn vào Hà Nội, nhất là Hà Nội trong xu hướng phát triển từ qui hoạch chiến lược chung, có thể khẳng định: Thủ đô vừa có rất nhiều điều kiện thuận lợi, đồng thời cũng đang tiềm ẩn những thách thức to lớn về nhân lực. Giải quyết tốt vấn đề nhân lực chính là một khâu đột phá quan trọng nhất để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XI.

Nếu xét về nguồn nhân lực chất lượng cao, có lẽ không đâu bằng Hà Nội. Thủ đô hiện nay là nơi đóng trụ sở của các cơ quan Trung ương Đảng, Nhà nước và các đoàn thể xã hội; nơi tập trung với mật độ rất cao các trí tuệ hàng đầu của đất nước. Hà Nội còn có hàng trăm viện nghiên cứu, hàng trăm trường đại học và cao đẳng, hàng nghìn trường cấp phổ thông, chưa kể các trung tâm trí thức khác. Ngoài lực lượng tại chỗ, Hà Nội còn có sức hút mạnh mẽ các nguồn chất xám từ khắp nơi trong cả nước về hội tụ. Lực lượng lao động chất lượng cao của Hà Nội còn được bổ sung dồi dào từ truyền thống hiếu học, lao dộng trí óc của người dân thành phố. Hà Nội còn có trên nửa triệu người từ các địa phương lân cận về kiếm sống. Đây là nguồn lao động cơ bắp và trí tuệ to lớn nếu biết tổ chức, khai thác tốt.

Tuy nhiên, Hà Nội cùng gặp những trở ngại rất lớn trong việc đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Sau khi mở rộng địa giới hành chính, dân số Hà Nội tăng lên 6,5 triệu người, gấp ba lần trước đây, tương lai không xa sẽ lên 9 triệu người. Mật độ dân số rất cao là một thách thức rất lớn cho công tác giáo dục từ cơ sở hạ tầng đến qui mô trường lớp, nội dung giảng dạy. Việc tập trung dày đặc các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề cũng là thách thức trong giao thông, quản lý đô thị, công ăn việc làm, chăm sóc sức khoẻ, vui chơi giải trí. Việc mở rộng địa giới hành chính cũng thu nạp vào Hà Nội một lượng lao động chất lượng thấp rất lớn. Quá trình đô thị hoá và phát triển công nghiệp cũng đặt ra nhiều trở ngại xã hội về mặt nhân lực.

Rất phấn khởi là có sự thống nhất cao độ giữa ba khâu đột phá của Chính phủ với các chủ trương lớn của Đảng bộ, chính quyền thành phố trong trước mắt cũng như lâu dài. Trong vấn đề phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chủ trương của thành phố đầu tư mạnh mẽ vào công tác giáo dục từ cấp mầm non bao gồm trường lớp, cán bộ giảng dạy và quản lý, nội dung giáo dục, môi trường giáo dục rất phù hợp với tâm tư, nguyện vọng người dân; Đầu tư vào giáo dục là đầu tư vào con người, là bước căn cơ để có lao động chất lượng cao. Cùng với mục đích đào tạo lâu dài, việc sắp xếp lại lao động trong thành phố, khuyến khích chất xám phát triển, thu hút được nguồn lao động từ nhiều nơi đồng thời đào tạo nguồn lao động chất lượng cao cho nhiều nơi là trách nhiệm đồng thời cũng là lợi ích của Thủ đô. Nhân lực tuy còn nhiều trở ngại nhưng là lợi thế quan trọng nhất của Hà Nội. Mở khâu đột phá và phát huy thế mạnh từ đây, nhất định việc xây dựng một thủ đô văn minh, hiện đại sẽ sớm thành công ./.

 

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực