Nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch!

Thứ sáu, 27/08/2021 17:58
(ĐCSVN) – Cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 một lần nữa lại thử thách bản lĩnh, sự gan góc, kiên cường bất khuất của dân tộc Việt Nam, nhưng với tinh thần đoàn kết, "chống dịch như chống giặc", “mỗi người dân là một chiến sĩ”, “mỗi gia đình, cơ quan, đơn vị, địa phương là một pháo đài chống dịch”, nhất định chúng ta sẽ thắng trong cuộc chiến này!

Có đi qua chiến tranh mới hiểu được giá trị của hòa bình! Được sống trong hòa bình, chúng ta càng trân trọng những hy sinh to lớn của biết bao thế hệ cha ông và những mất mát đau thương mà đất nước đã trải qua bởi các cuộc chiến tranh! Giờ đây, chúng ta lại đang đứng trước một cuộc chiến mới giữa thời bình - cuộc chiến chống đại dịch COVID-19, cuộc chiến không tiếng súng nhưng cũng đầy cam go và thách thức, những hiểm nguy mà lực lượng tuyến đầu luôn phải đối diện với nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh bất cứ lúc nào.

Có đi qua những khó khăn, hiểm nguy mới thấu hiểu những giá trị của sự bình yên. Có chứng kiến những nỗi đau tột cùng khi mất đi những người thân yêu nhất mới có thể hiểu được những giây phút đau thương để giành giật lại sự sống cho người bị nhiễm dịch bệnh, để cảm thông, sẻ chia với những chiến sĩ áo trắng có những lúc bất lực khi phải chứng kiến những cái chết vì COVID...

Đại dịch COVID-19 thật đáng sợ! Nó làm đảo lộn cuộc sống của toàn nhân loại. Chưa bao giờ con người lại có cảm giác giữa sự sống và cái chết mong manh đến thế! Nhân loại đã rơi nhiều nước mắt bởi hàng triệu người trên trái đất này đã chết bởi vi rút Corona.

leftcenterrightdel

“Sài Gòn cố lên” như một thông điệp không chỉ cho mỗi y, bác sĩ đang trực tiếp cứu chữa cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 mà có ý nghĩa sâu sắc với tất cả người dân TPHCM. Ảnh: VGP/Minh Hạnh

Và cả những giọt nước mắt xúc động của cộng đồng sẻ chia với những xa cách, chia ly giữa thời bình: Vợ phải xa chồng, con phải xa mẹ..., để rồi có những người đã ngã xuống, có những đám cưới phải hoãn lại, có những người con không thể về nhà chịu tang và tiễn biệt cha/mẹ về cõi vĩnh hằng... Bấy nhiêu thôi là chưa đủ để thấu hiểu hết những gian nan, vất vả, những sự hy sinh thầm lặng mà lực lượng quân đội, công an và các chiến sĩ áo trắng đang ngày đêm làm nhiệm vụ ở nơi tuyến đầu phòng chống đại dịch COVID-19. Chỉ có thể là những nhiệm vụ thiêng liêng vì sự an toàn và bình yên của nhân dân mới xứng để các anh, các chị hy sinh bản thân mình nhiều đến thế. Mỗi khi đất nước cần, những người lính lại hành quân xung kích đến nơi tuyến đầu, những y, bác sĩ lại tự nguyện khăn gói cấp tốc lên đường... cùng hướng về một mục tiêu cao cả vì nước quên thân, vì nhân dân phục vụ.

Cuộc chiến này đâu phải của riêng ai. Vậy mà các y, bác sĩ, những chiến sĩ công an, bộ đội vẫn không một lời kêu than, gác lại việc riêng, xung phong tham gia đến nơi tuyến đầu phòng chống đại dịch COVID-19. Chỉ biết khâm phục thay triệu lời cảm ơn, chứ đâu thể kể hết những gian nan vất vả của ngành y tế, công an, bộ đội phải gánh vác trong cuộc chiến này. Thật cảm động với hình ảnh những chiến sĩ áo trắng với bảo hộ kín mít đang chạy đua với lưỡi hái của tử thần để giành lại sự sống cho người bệnh; các chiến sĩ công an, bộ đội ngày đêm trực chốt, điều phối, giữ gìn an ninh trật tự xã hội, an ninh trật tự tại các khu cách ly, khu vực lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng... trong điều kiện thời tiết nắng nóng 39-40 độ C cũng đủ thấy thách thức là không nhỏ. Không chỉ có vậy, các chiến sĩ áo trắng còn tham gia hỗ trợ chữa trị tại nhà cho các bệnh nhân. Các chiến sĩ bộ đội, công an còn tham gia trao quà, tặng nhu yếu phẩm; phổ biến, tuyên truyền nhân dân thực hiện nghiêm giãn cách xã hội, sát cánh cùng các tổ chức chính trị, hội, đoàn thể chăm lo đời sống cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, giúp người dân đi chợ... Những hoạt động này đã tiếp sức kịp thời, hiệu quả, thiết thực chung tay cùng các địa phương thực hiện tốt công tác an sinh cho nhân dân, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

leftcenterrightdel

Chiến sĩ bộ đội thuộc Trung đoàn 88, Sư đoàn 302 (Quân khu 7) vận chuyển gạo, thực phẩm đến phát cho những người lao động nghèo, những người dân gặp khó khăn trên địa bàn P.9, Q.10 trong chiều 23.8. (Nguồn. Thanhnien.vn)

Cả nước hướng về những vùng dịch, hướng về thành phố Hồ Chính Minh, Bình Dương, Đồng Nai... để không ai sẽ bị bỏ lại phía sau trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 này. “Không để ai bị bỏ lại phía sau” là chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta đối với công tác an sinh xã hội, được cả hệ thống chính trị và cộng đồng xã hội đặc biệt quan tâm và chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn trong nhiều năm qua.

“Không để ai bị bỏ lại phía sau” đã trở thành mệnh lệnh trong mọi hoạt động, điều hành của Chính phủ đối với công tác phòng chống đại dịch COVID-19. Vì thế mà nhiều việc làm cụ thể nhằm đảm bảo cung ứng kịp thời, đầy đủ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu cho người dân, đặc biệt là đối với người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, người mất công ăn việc làm do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 đã và đang được thực hiện, triển khai có hiệu quả thiết thực đến với người dân tại vùng dịch ở các địa phương trong cả nước.

Cho đến tháng 4/2021, thành công trong ứng phó với đại dịch COVID-19 của Việt Nam được xem là kỳ tích đáng tự hào, được tổ chức y tế thế giới (WHO) và nhiều nhà lãnh đạo các quốc gia cũng như truyền thông quốc tế đánh giá cao. Và khi làn sóng bùng phát dịch bệnh COVID-19 lần thứ 4 với biến chủng Delta có tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm đã đang đặt ra những thách thức không nhỏ đối với các quốc gia trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam. Chỉ trong vòng 120 ngày, tính từ ngày 27/4/2021 đến 27/8/2021, theo số liệu công bố của Bộ Y tế, nước ta đã có 388.814 ca nhiễm mới, chiếm tương đương 98,9% so với tổng số 392.938 ca nhiễm được ghi nhận từ đầu dịch đến ngày 27/8/2021, trong đó đã có 9.667 ca tử vong, chiếm tỷ lệ 2,4% so với tổng số ca mắc và tương đương với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới.

Nhìn vào những con số cho thấy tốc độ lây nhiễm nguy hiểm của đại dịch COVID-19 là khó lường và không thể chủ quan, khi mà WHO và nhiều nhà khoa học nhận định COVID-19 nguy hiểm hơn một số dịch bệnh gây chết người đã từng xuất hiện trong lịch sử nhân loại. Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước ta liên tục có những giải pháp, biện pháp để ứng phó với đại dịch COVID-19 kịp thời nhằm bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết. Các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt để cả hệ thống chính trị vào cuộc với tinh thần khẩn trương, cấp bách ứng phó với đại dịch COVID-19, với mục tiêu tất cả vì sự an toàn của người dân, hạn chế thấp nhất tử vong cho người bị nhiễm dịch bệnh.

Và để đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả, một số tỉnh, thành đã thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Việc hạn chế người dân đi lại cũng có những bất tiện trong thói quen sinh hoạt thường ngày là không thể tránh khỏi, nhất là ở thành phố Hồ Chí Minh vốn được mệnh danh là “thành phố không ngủ”. Hơn nữa, khi giãn cách xã hội dài ngày sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, lao động tự do..., nhưng để chống lại sự lây nhiễm nguy hiểm của biến chủng Delta, không có sự an toàn nào hơn là "ai ở đâu ở yên đó", nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly tổ dân phố, khu phố - ấp cách ly khu phố - ấp, phường - xã - thị trấn cách ly phường - xã - thị trấn vẫn là biện pháp tối ưu nhất, bởi chỉ một chút lơ là, sơ suất nhỏ, một người thiếu ý thức, vô trách nhiệm thì biết bao công sức phòng chống dịch sẽ đổ bể, gánh nặng lại đè thêm lên đôi vai của lực lượng tuyến đầu...

Cho đến hiện tại, chưa ai có thể khẳng định chắc chắn dịch bệnh COVID-19 sẽ kết thúc trong một sớm, một chiều, ngay cả khi có đủ vắc xin cho người dân. Vì vậy, mỗi người chúng ta cần nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện nghiêm “Thông điệp 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang – Khử khuẩn – Khoảng cách – Không tụ tập – Khai báo y tế” để tự bảo vệ mình, gia đình mình và cộng đồng xã hội cùng chung sống an toàn với đại dịch COVID-19; phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân, tương ái, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm là rách nhiều, nhất là lòng yêu nước, thương nòi phải được khơi dậy trong mỗi con người; tuân thủ và đồng hành với các giải pháp, biện pháp phòng chống đại dịch COVID-19 của Chính phủ cũng là sẻ chia với lực lượng tuyến đầu.

Hãy hưởng ứng Lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự điều hành của Chính phủ trong công tác phòng chống đại dịch COVID-19. Nhất định chúng ta sẽ thắng! Đúng như khẳng định của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong lời kêu gọi: “Tôi tin tưởng sâu sắc rằng, cả nước góp sức, toàn Đảng, toàn dân đồng lòng, thống nhất ý chí và hành động, cùng với sự giúp đỡ chí tình của đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế, nhất định chúng ta sẽ chiến thắng đại dịch COVID-19 và phải chiến thắng cho bằng được, góp phần xứng đáng vào sự nỗ lực chung của toàn nhân loại vì một thế giới an toàn, lành mạnh, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và thịnh vượng, xứng đáng với truyền thống anh hùng vẻ vang của Đất nước ta, Dân tộc ta!”./.

Khắc Trường

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực