Nỗ lực trả lại đúng nghĩa công viên ở Thủ đô

Thứ tư, 07/12/2022 09:14
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Thành phố Hà Nội sẽ tìm mô hình đầu tư để công viên không còn hàng rào, không bán vé và người dân được thụ hưởng, đặt quyết tâm năm 2023 phải làm sống lại các công viên ở Thủ đô.

Trên cơ sở phát biểu mới đây của Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh, Sở Xây dựng đã đề nghị UBND thành phố dừng bán vé vào công viên Thống Nhất từ ngày 01/01/2023 do doanh thu không đủ chi cho nhân viên bán vé.

Thoạt nghe thông tin này, dư luận chắc chắn có nhiều luồng suy nghĩ, nhưng thực tế theo Quyết định 1467 ngày 20/10/2008 của UBND thành phố, mức phí trẻ em là 2.000 đồng/lượt, người lớn 4.000 đồng/lượt. Số tiền thu được mỗi năm khoảng 700 triệu đồng, chỉ đáp ứng hơn 50% kinh phí trả lương cho nhân viên.

Đại diện Công ty TNHH MTV Công viên Thống Nhất cho biết, việc thu vé thực chất để đảm bảo an ninh cho công viên là chính. Quan điểm của đơn vị là ủng hộ chủ trương không thu phí vào công viên, tuy nhiên cần có lộ trình, kế hoạch cụ thể để quản lý tốt sau khi thành công viên mở.

Tiền bán vé năm 2019 gần 700 triệu đồng, năm 2020 trên 500 triệu đồng, năm 2021 hơn 300 triệu đồng và 10 tháng đầu năm 2022 là 630 triệu đồng, trong khi phải bố trí 24 nhân viên bán vé theo ba ca tại 7 cổng. Quỹ lương hàng năm cho nhân viên bán vé vào khoảng 1,3 tỷ đồng.

leftcenterrightdel

Một phần công viên Thống Nhất sẽ trở thành không gian mở từ ngày 01/01/2023 (Ảnh: Nguyễn Trọng Tài)

Trải qua 60 năm, chứng kiến biết bao thăng trầm của lịch sử, công viên Thống Nhất rộng khoảng 50 ha sở hữu diện tích mặt nước hơn 20 ha, thực sự là nơi gắn bó quá nhiều kỷ niệm của nhiều người dân. Đã từ lâu, khi nhắc tới “lá phổi xanh” của Thủ đô, người ta không thể không nhắc tới công viên Thống Nhất.

Quay trở lại câu chuyên bán vé vào công viên, không ít người dân cho rằng chưa hợp lý khi "thu phí quần dài, miễn phí quần đùi". Ai vào tập thể dục, mặc quần áo thể thao, quần áo ở nhà "ung dung, đàng hoàng" đi qua cổng, còn học sinh, người đi làm mặc quần áo chỉnh tề "mặc định" bị thu 4.000 đồng/lượt.

Đáng chú ý, theo lãnh đạo thành phố Hà Nội, cùng với việc dỡ bỏ hàng rào bao quanh, công viên Thống Nhất còn được "mở" cả về cơ chế quản lý và nâng cấp, qua đó hình thành không gian đi bộ dọc phố Trần Nhân Tông, nâng tầm giá trị  cảnh quan khu vực trung tâm Thủ đô.

Hiện hệ thống công viên, vườn hoa của Hà Nội gồm 3 loại hình chủ yếu: 19 công viên văn hóa tổng hợp (chiếm khoảng 29%), 4 công viên chuyên đề (chiếm khoảng 6%), và 43 vườn hoa, vườn dạo (chiếm khoảng 65%).

Việc quản lý thực hiện theo phân cấp rất rõ ràng từ năm 2016. Cụ thể, Sở Xây dựng quản lý, duy tu, duy trì các công viên cấp thành phố (Bách Thảo, Thủ Lệ, Hòa Bình, Thống Nhất, Tuổi trẻ...), UBND các quận, huyện quản lý duy tu, khai thác công viên, vườn hoa, thảm cỏ trong khu dân cư, dải phân cách trên những tuyến đường khu vực theo địa bàn hành chính do quận, huyện được giao quản lý và chủ đầu tư các dự án đầu tư xây dựng đô thị mới quản lý quỹ đất cây xanh trong phạm vi dự án.

Theo kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới các công viên, vườn hoa trên địa bàn giai đoạn 2021 - 2025, công viên Thống Nhất được nghiên cứu theo hướng mở trong khi công viên Thủ Lệ và Bách Thảo do có tính chất đặc thù bảo tồn chim, thú, cây quý nên được cải tạo, nâng cấp nhưng vẫn có hàng rào như hiện nay (công viên đóng).

Rõ ràng, cùng với sự phát triển về kinh tế, xã hội, nhu cầu hưởng thụ của người dân ngày càng cao trong đó có nhu cầu về công viên, và thực tế là Hà Nội đang thiếu công trình đúng nghĩa công viên. Thành phố đặt mục tiêu đến 2025 xây dựng mới 9 công viên nhưng đến nay đều đang chậm tiến độ.

Các công viên cây xanh phục vụ công ích thuộc trách nhiệm Nhà nước đầu tư, duy trì phục vụ Nhân dân không thu phí. Do ngân sách chưa đáp ứng được nên từ năm 2013, Hội đồng Nhân dân thành phố đã có nghị quyết khuyến khích đầu tư theo hình thức xã hội hóa. Và chính điều này ít nhiều đặt ra những bất cập, thậm chí phát sinh sai phạm.

Đơn cử như công viên thiên văn học (chủ đầu tư là Tập đoàn Nam Cường) khởi công xây dựng từ năm 2017, nằm trong khu đô thị mới Dương Nội, quận Hà Đông có tổng diện tích lên tới 12ha, tổng vốn đầu tư khoảng 260 tỷ đồng đã hoàn thành hai năm nhưng chưa đưa vào sử dụng. Lý do theo Phó Chủ tịch UBND Dương Đức Tuấn là... sai với quy hoạch 1/500 của khu đô thị.

Rút kinh nghiệm từ việc công viên nước Thanh Hà (Tập đoàn Mường Thanh) bị tháo dỡ hoàn toàn ngày 15/01/2020, thành phố sẽ cân nhắc phương án giải quyết với công viên thiên văn học, trên quan điểm nếu một số hạng mục không phù hợp với quy hoạch nhưng phù hợp với tổng thể thì vẫn đưa vào sử dụng.

Công viên là nơi người dân tìm đến sau những giờ làm mệt nhọc, gia đình đưa con đến vui chơi nghỉ ngơi và người dân tập thể dục, nên dừng bán vé là đúng, việc chi trả các khoản chăm sóc cây cỏ, bảo vệ và tu sửa vệ sinh nên dùng ngân sách. Hiện nhiều địa phương đã không còn tổ chức bán vé vào cổng mà chỉ bán vé vào những khu dịch vụ vui chơi những trò chơi có tích chất đầu tư thu phí, người nào, gia đình nào có nhu cầu và khả năng tài chính cho con em vui chơi thì mua dịch vụ.

Không nói đâu xa, ngay như Singapore trong khu vực ASEAN, dù quỹ đất hạn chế (diện tích vẻn vẹn 710 km2) nhưng nhà chức trách vẫn dành đất xây dựng hơn 300 công viên và vườn thực vật cùng 4 khu bảo tồn thiên nhiên có tổng diện tích trên 2.300 ha, trong đó có những công viên rất lớn nằm giữa trung tâm như vườn bách thảo Singapore (74 ha) hay Gardens by the bay (101 ha).

Ở bên kia bán cầu, với diện tích khổng lồ lên đến 341 ha, công viên Central Park được mở cửa năm 1859, hoàn thành năm 1873 và được trao danh hiệu công trình lịch sử quốc gia Mỹ năm 1963, là niềm tự hào của người dân New York nói riêng và nước Mỹ nói chung. Dưới bàn tay ảo thuật của nhà thiết kế phong cảnh nổi tiếng Frederick Law Olmsted và kiến trúc sư Calvert Vaux, Central Park sở hữu một số lượng lớn hồ, ao, những lối đi trải dài bất tận và những hàng cây xanh mướt, có thời điểm thu hút khoảng 250.000 lượt người mỗi ngày.

Tất nhiên, nói đi phải nói lại, với những điều kiện cụ thể về sức mạnh kinh tế, hai quốc gia nói trên không vướng gì nhiều khi quy hoạch, xây dựng và quản lý, vận hành các hệ thống công viên cây xanh.

Do đó, trong bối cảnh nguồn lực vẫn còn hạn hẹp, đồng thời thực hiện chủ trương khuyến khích xã hội hóa công tác phát triển công viên, vườn hoa, sân chơi, Hà Nội cần tiếp tục có những cơ chế khuyến khích, huy động các nguồn lực xã hội khác nhau tham gia xây dựng và quản lý công viên, đặc biệt là xây dựng sân chơi sáng tạo, giá rẻ với sự tham gia của cộng đồng.

Ngoài ra, cần tiếp tục nghiên cứu, thay đổi cách quản lý hệ thống công viên hiện nay theo hướng mở để mọi người dân đều có quyền tiếp cận mà không phải trả phí vào cổng, nhưng vẫn đảm bảo công tác điều hành giao thông cũng như kiểm soát trật tự an ninh, an sinh xã hội. Có thể phát triển các dịch vụ công ích có thu phí kèm theo như trông giữ xe, cho thuê xe đạp, bán nước uống, đồ ăn vặt, cho thuê sân bãi để học sinh cắm trại ngoại khóa....

Đặc biệt, khi dự án Vành đai 4 đang được tích cực triển khai thì người dân hoàn toàn có quyền hi vọng vào sự xuất hiện ngày một nhiều hơn công viên, vườn hoa, đảm bảo diện tích các loại công viên theo tiêu chuẩn và tăng cường các loại hình công viên chuyên đề, giúp giảm tình trạng quá tải tại các công viên trong kỳ nghỉ lễ hay dịp cuối tuần.

Hà Nội cũng cần làm rõ lộ trình di dời các cơ sở công nghiệp, bệnh viện, trường đại học trong nội thành theo định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030, trên cơ sở đó dành quỹ đất phù hợp cho không gian xanh, giúp hiện thực hóa mức 18 m2 diện tích cây xanh bình quân đầu người theo Quy hoạch hệ thống cây xanh, công viên, vườn hoa và hồ thành phố Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, để Hà Nội thực sự là trái tim của cả nước, là thành phố xanh, sạch, đẹp, và đáng sống./.

Anh Tuấn

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực