Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 - Quỹ của sức mạnh đoàn kết toàn dân

Thứ tư, 16/06/2021 08:50
(ĐCSVN) – Sau 10 ngày phát động Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19, theo thống kê mới nhất của Kho bạc Nhà nước, tính đến tối 15/6, Quỹ đã nhận được số tiền đóng góp qua tổng đài 1408 được trên 1,6 triệu tin nhắn với số tiền ủng hộ là trên 76,7 tỷ đồng. Cùng với đó, số tiền ủng hộ của các tổ chức, doanh nghiệp, đơn vị… là trên 5.100 tỷ đồng.

Quỹ của lòng dân

leftcenterrightdel

Huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương tiếp nhận sự ủng hộ của gia đình ông Lê Văn Đệ và bà Nguyễn Thị Đào 4,5 tỷ đồng mua vắc xin phòng chống COVID-19. (Ảnh: TTXVN) 

Hưởng ứng lời kêu gọi của Nhà nước, chỉ trong một thời gian ngắn, hàng trăm nghìn tổ chức, cá nhân đã tham gia đóng góp với tổng giá trị hàng nghìn tỷ đồng vào Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19 Việt Nam. Thật xúc động khi được biết trong những đóng góp đó có những em bé dành tiền ăn sáng, các cụ già dành tiền lương hưu, tiền tiết kiệm, những phụ nữ tiết kiệm chi tiêu, những công chức, viên chức, công nhân, người lao động tiết kiệm một ngày lương để ủng hộ Quỹ, kiều bào ta ở nước ngoài trực tiếp hoặc nhờ người thân đóng góp Quỹ với tinh thần “Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại thành hòn núi cao”.

Những ngày qua, trên cả nước, nhiều tập thể, đơn vị, cá nhân…đã nhiệt tình tham gia ủng hộ, đóng góp vào Quỹ vắc xin do Chính phủ phát động. Có thể thấy từ vùng núi tới đồng bằng, miền biển; từ thành thị tới nông thôn, vùng sâu vùng xa; từ trong nước đến ngoài nước, người dân Việt Nam đã tự nguyện góp một phần sức lực, vật chất của mình cho công tác phòng chống dịch bệnh.

Cụ Nguyễn Thị Thảo, năm nay đã 77 tuổi, người dân TP Hồ Chí Minh đã đến Ủy ban Mặt trận Tổ quốc quận 5 để ủng hộ tiền vào Quỹ vắc xin. Cụ Thảo đã đóng góp trên 81 triệu đồng để Thành phố mua vắc xin phòng dịch cho bà con. Theo cụ Nguyễn Thị Thảo, đây là số tiền phúng của chồng bà mới mất. “Trước lúc nhắm mắt, chồng cụ đã dặn, số tiền mọi người phúng điếu, hãy mang đến ủng hộ cho Thành phố phòng, chống COVID-19”- cụ Thảo rưng rưng nói.

Ba mẹ con chị Ngô Thị Thúy Diễm người dân thị trấn Củ Chi, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh đã có một câu chuyện đẹp trong hành trình ủng hộ cho Quỹ vắc xin. Theo đó, hai con của chị Diễm là Võ Diễm Sang- 5 tuổi và Võ Triệu Sang- 4 tuổi đã tự bảo mẹ đập heo đất lấy tiền tiết kiệm ủng hộ Quỹ. Xúc động trước suy nghĩ của hai cô con gái, chị Diễm đưa hai con của mình tới Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Củ Chi để thực hiện niềm vui nho nhỏ của các bé.

Tại đây, các bé đã cùng cán bộ Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện “làm lễ” đập heo đất, mọi người cùng đếm số tiền, tổng cộng được 4,1 triệu đồng. Chị Ngô Thị Thúy Diễm cũng quyết định trích một triệu đồng tiền lương tháng của mình, cùng hai cô con gái ủng hộ số tiền 5,1 triệu đồng cho Quỹ vắc xin của Thành phố…

Tại huyện Cao Lãnh tỉnh Đồng Tháp, cụ Nguyễn Thị Châu, 80 tuổi, nguyên là Trưởng ban Nữ công, Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Tháp đã ủng hộ 10 triệu đồng cho Quỹ vắc xin, số tiền này được cụ Châu dành dụm từ lương hưu của mình trong thời gian qua.

Ở tỉnh Quảng Trị, những ngày qua, người ta hay nhắc đến tấm lòng của vợ chồng ông Hà Khoa, người dân thôn Tân Linh, xã Hướng Tân, huyện miền núi Hướng Hóa, đây là một gia đình nông dân đã mang 100 triệu đồng đến ủng hộ quỹ phòng chống dịch của Quảng Trị.

Ông Khoa cho hay, hưởng ứng lời kêu gọi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về đoàn kết để chiến thắng đại dịch và lời kêu gọi của Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Trị ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19, gia đình ông bà đã thống nhất trích 100 triệu đồng từ tài sản tích lũy được qua nhiều năm để ủng hộ. Ông Khoa muốn thông qua việc làm kịp thời của gia đình khích lệ nhiều người tạo ra một phong trào hưởng ứng mạnh mẽ, người có ít góp ít, người có nhiều góp nhiều, ai cũng cần phải có một phần trách nhiệm của mình chung sức để quê hương, đất nước có được nguồn lực bảo vệ an toàn sức khỏe cho nhân dân, sẵn sàng đối phó với COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Hướng Hóa Nguyễn Văn Tư chia sẻ, bản thân ông cũng bất ngờ, vì số tiền 100 triệu đồng đối với một gia đình nông dân là không hề nhỏ…

Những câu chuyện trên đã diễn ra suốt trong thời gian qua, nó đã chứng tỏ tinh thần đoàn kết, muôn người như một của dân tộc Việt Nam mỗi khi có biến cố, khó khăn xảy ra. Không chỉ mỗi cá nhân, mà đó còn là các doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân Việt Nam, những đầu tàu kinh tế của đất nước. Dù đang phải vật lộn với rất nhiều khó khăn do đại dịch gây ra, nhưng các tập đoàn kinh tế, các doanh nhân đã nhiệt tình đáp lại lời kêu gọi của Chính phủ, trong đó phải kể đến những tập đoàn "trăm tỷ" như Viettel, PVN, EVN, VNPT, Vinataba, Golf Long Thành, T&T, Sovico và HD Bank… Làm kinh tế nhưng không quên trách nhiệm cộng đồng, trách nhiệm xã hội, đó có thể coi là một nét đẹp văn hóa của giới doanh nhân Việt Nam.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ: "Là lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, chúng tôi thật sự cảm động và trân trọng sự sẻ chia, đồng hành của toàn dân và toàn xã hội; đây là động lực tiếp thêm sức mạnh cho chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".

Những quyết sách vì dân

leftcenterrightdel

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Lễ ra mắt quỹ vắc xin phòng chống COVID-19. (Ảnh: TTXVN)

Năm 2020, đại dịch COVID-19 bùng phát và lan rộng trên toàn cầu, tác động sâu sắc toàn diện tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia. Ngày 30/3/2020, với tinh thần coi sức khỏe và tính mạng của nhân dân là trên hết, lần đầu tiên kể từ sau chiến tranh, người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta đã ra Lời kêu gọi toàn thể đồng bào, đồng chí và chiến sĩ cả nước, đồng bào ta ở nước ngoài hãy đoàn kết một lòng, thống nhất ý chí và hành động, thực hiện quyết liệt, hiệu quả, đồng bộ những chủ trương của Đảng và Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh.

Hưởng ứng lời kêu gọi đó, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc; cả hệ thống chính trị tham gia tích cực, quyết liệt, đồng bộ, được nhân dân đồng lòng ủng hộ, mỗi người dân đã thật sự trở thành một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch bệnh; đất nước ta đã từng bước kiểm soát có hiệu quả đại dịch COVID-19. Trải qua ba đợt dịch, Việt Nam trở thành điểm sáng về phòng, chống dịch trên bản đồ thế giới, là quốc gia hiếm hoi duy trì được mức tăng trưởng dương. Trong bối cảnh dịch bệnh, điều này càng thể hiện rõ “ý Đảng” chính là sự cụ thể hóa đường lối lãnh đạo từ “lòng dân”.

Trước tình hình dịch bệnh có diễn biến mới, kế thừa và phát huy kết quả của những đợt phòng, chống dịch COVID-19 trước đó, ngay khi xuất hiện nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ tư, người đứng đầu Chính phủ đã xác định rõ, vấn đề cấp bách nhất hiện nay là ngăn chặn, đẩy lùi và giải quyết cơ bản đại dịch COVID-19. Đặc biệt, với những biến chủng virus mới có tốc độ lây lan nhanh, đòi hỏi phải có những giải pháp chống dịch theo phương châm mới “5K + Vắc xin” và ứng dụng công nghệ chặt chẽ, rộng rãi, nghiêm ngặt để tiếp tục thực hiện “mục tiêu kép”.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, Quỹ vắc xin  được thành lập với sứ mệnh huy động tổng hợp nguồn lực đóng góp xã hội để chia sẻ với ngân sách nhà nước nhằm phục vụ cho hoạt động mua, nhập khẩu vắc xin, nghiên cứu, sản xuấtvắc xin trong nước và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho người dân trên nguyên tắc đảm bảo sự tự nguyện đóng góp, hoạt động công khai, minh bạch và đúng quy định của pháp luật và thuận lợi nhất cho việc đóng góp.

Ngày 11/6, tại trụ sở Trung ương Đảng, Bộ Chính trị họp cho ý kiến về tình hình phòng, chống dịch COVID-19. Chủ trì cuộc họp, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, kể từ đầu năm 2020, khi xảy ra dịch COVID-19 đến nay, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ban chỉ đạo quốc gia Phòng chống dịch COVID-19 đã chủ động chỉ đạo sát sao, quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, tích cực để ngăn chặn dịch bệnh. Trước diễn biến dịch COVID-19 có mức độ ngày càng phức tạp, khó lường, Bộ Chính trị, Ban Bí thư tiếp tục có những chỉ đạo căn cơ, để phòng chống dịch hiệu quả hơn trong thời gian tới. Điều đó cho thấy, việc làm của chúng ta là khá sớm, kịp thời, liên tục, chứ không hề buông lỏng...

Tại Lễ ra mắt Quỹ vắc xin phòng chống COVID-19, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, Bộ Tài chính cam kết công khai, minh bạch số tiền hàng ngày, từng đợt ủng hộ và công khai quyết toán của Bộ Y tế sau từng đợt tiêm vắc-xin phòng, chống COVID-19.

Cũng tại Lễ ra mắt, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long khẳng định, trong những ngày tới, khi nguồn cung vắc xin dồi dào hơn, ngành Y tế sẽ huy động tổng lực với hơn 12 nghìn cơ sở y tế và hàng vạn cán bộ y tế trong cả nước thực hiện khẩn trương và hiệu quả chiến dịch tiêm chủng với phương châm “tiêm đến đâu an toàn đến đó”, “không bỏ phí bất cứ một liều vắc xin nào” và “không lãng phí bất cứ đồng nào từ Quỹ vắc xin phòng COVID-19 của Việt Nam”.

Chính phủ cũng đã cam kết về sử dụng Quỹ vắc xin "bảo đảm quản lý, giám sát hoạt động của Quỹ minh bạch và đúng tôn chỉ, mục đích, đúng pháp luật để phục vụ cho sức khỏe, hạnh phúc của nhân dân là trên hết, trước hết" cũng được dư luận hết sức đánh giá cao. Về bản chất, Quỹ vắc xin không chỉ là nơi nhận tiền và chi tiền mà còn là nơi lưu giữ sự nhân ái, niềm tin, tinh thần sẻ chia, sự kết nối trái tim của người đóng góp. Cam kết đó đã được Bộ Tài chính cụ thể hóa bằng Thông tư số 41/2021/TT-BTC, theo đó, Quỹ vắc xin sẽ công khai báo cáo tài chính hằng tháng, sáu tháng, cả năm và báo cáo quyết toán quỹ. Các nội dung công khai bao gồm: số tiền huy động, danh sách các tổ chức, cá nhân tài trợ, đóng góp, nội dung và số tiền đã chi, số dư quỹ còn lại… Sử dụng hiệu quả cũng là thể hiện tình cảm, trách nhiệm của Chính phủ với đóng góp của người dân và sẽ giúp cho Quỹ thu hút thêm nhiều nguồn lực hơn nữa./.

K.V(th)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực