Rất cần sự chung tay của bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân

Thứ tư, 04/08/2021 18:03
(ĐCSVN) – Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long từng chia sẻ: “Người thầy thuốc có trách nhiệm và bổn phận chăm sóc sức khoẻ Nhân dân. Vì vậy tôi rất thiết tha đề nghị các vị lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân tiếp tục chung tay, chung sức, chung lòng gánh vác cùng TP Hồ Chí Minh trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt trong điều trị, chăm sóc sức khoẻ người mắc COVID-19 để Thành phố vượt qua giai đoạn rất khó khăn này".
Những bệnh nhân đang được điều trị tại Trung tâm Điều trị COVID-19 của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ (Ảnh: Đinh Hằng)

Thời điểm này, cả nước đang dồn toàn lực cho phòng chống dịch bệnh COVID-19. Biến thể Delta với “sức mạnh hủy diệt” khiến dịch bệnh chưa có dấu hiệu dừng lại, thậm chí còn bùng phát nhanh, mạnh tại nhiều tỉnh, thành. Nó là thách thức không nhỏ đối với mọi nỗ lực từ trước tới nay của chúng ta - một đất nước được thế giới đánh giá đã từng đạt được nhiều kết quả tốt trong công tác phòng, chống đại dịch này.

Trước thực tế ấy, thời gian qua, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Bộ Y tế, cũng như chính quyền địa phương đã nhiều lần kêu gọi sự chung tay, góp sức của cả cộng đồng với thông điệp mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài để nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh. Trong cuộc chiến đấu cam go ấy, trách nhiệm không của riêng ai. Và, trách nhiệm lớn lao nhất, chính là của ngành y tế, của chính đội ngũ y, bác sĩ.

Tại TP Hồ Chí Minh, khi tình hình dịch bệnh có diễn biến phức tạp, Thành phố đã nhanh chóng chuyển đổi công năng của các bệnh viện đa khoa thành các bệnh viện chuyên tiếp nhận người bệnh COVID-19 và mở rộng thêm các cơ sở thu dung điều trị. Bên cạnh đó, Sở Y tế Thành phố đã kêu gọi toàn ngành y tế cùng tham gia công tác phòng chống dịch. Sở Y tế giao các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa, bệnh viện tuyến cuối sẵn sàng chi viện về nhân sự, trang thiết bị, thuốc, vật tư tiêu hao... cho Bệnh viện Hồi sức COVID-19 khi được điều động.

Trước khó khăn ấy, Thành phố cũng đã nhận được sự chi viện từ nhân lực tới vật lực của ngành y tế trong cả nước. Hàng nghìn y bác sĩ từ khắp các tỉnh thành đã xung phong hỗ trợ Thành phố; nhiều vật tư, trang thiết bị y tế hiện đại đã được Bộ Y tế, các địa phương, các mạnh thường quân gửi tới Thành phố để phục vụ cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19. Tuy nhiên, dịch bệnh vẫn chưa được đẩy lùi, trong khi hệ thống y tế của Thành phố đang đối mặt với sự quá tải. Với con số ca mắc mới mỗi ngày khoảng 4.000 ca như hiện nay; trong đợt dịch lần thứ 4, Thành phố đã ghi nhận khoảng 105.000 trường hợp mắc COVID-19 (trong đó 1.674 trường hợp tử vong), đòi hỏi cần có sự chung tay, vào cuộc tích cực hơn nữa của các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân.

Hệ thống các bệnh viện tư nhân trên cả nước nói chung và TP Hồ Chí Minh nói riêng hiện nay đang phát triển mạnh mẽ, với hạ tầng khang trang cùng các trang thiết bị y tế hiện đại và có chất lượng dịch vụ tương đối cao. Thời gian qua, các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân cũng đã đóng góp tích cực vào công cuộc đẩy lùi dịch bệnh nhất là việc tham gia công tác tiêm chủng cho người dân và bước đầu thiết lập các giường bệnh điều trị bệnh nhân COVID-19.

Những ngày qua, chúng ta vui mừng khi biết rằng, các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân đã chủ động lên phương án tách đôi để đảm bảo vừa chăm sức khoẻ Nhân dân vừa sẵn sàng tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19. TP Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước vận động hệ thống y tế tư nhân tham gia phòng, chống dịch COVID-19.

Hiện, trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có một số bệnh viện tư nhân đăng ký tham gia điều trị bệnh nhân COVID-19. Đây là những bệnh viện đều đủ năng lực để tham gia trong hệ thống điều trị bệnh nhân COVID-19 của Thành phố. Trong đó, Trung tâm Điều trị COVID-19 của Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ quy mô ban đầu 100 giường đã đi vào hoạt động và có thể nâng lên 200 giường khi cần. Bệnh viện Triều An hoạt động theo mô hình bệnh viện "tách đôi" với 100 giường chuyên tiếp nhận và điều trị COVID-19. Bệnh viện Xuyên Á cũng hoạt động theo mô hình "tách đôi", quy mô 125 giường. Bệnh viện Nam Sài Gòn sau thời gian tạm ngưng hoạt động để phòng chống dịch, cũng đăng ký với Sở Y tế Thành phố hoạt động trở lại tham gia điều trị COVID-19. Bệnh viện Quốc tế City được “tách đôi” điều trị với một khu khám chữa bệnh thông thường đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân và khu vực dành riêng cấp cứu cho bệnh nhân COVID-19. Khu vực này Bộ Y tế giao do trường Đại học Y dược TP Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm. Trước mắt bệnh viện này sẽ có 70 giường (dự kiến nâng lên 500 giường hồi sức)…

Trước sự gia tăng các ca nhiễm mới vẫn đang ở 4 con số mỗi ngày, số ca chuyển nặng vẫn tiếp tục nhiều lên, chúng ta hi vọng, trong thời gian tới, các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn Thành phố sẽ tiếp tục đăng ký tham gia điều trị, chăm sóc sức khoẻ người mắc COVID-19. Sự đồng hành của các bệnh viện tư nhân cùng với các bệnh viện công lập sẽ giúp Thành phố có thêm nhiều giường điều trị bệnh nhân, góp phần giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng và giảm tử vong.

Đây cũng là đề nghị thiết tha của lãnh đạo Bộ Y tế cũng như TP Hồ Chí Minh trong lúc Thành phố đang gặp khó khăn như hiện nay. Như Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long từng chia sẻ: "Chúng tôi hiểu rằng trong cuộc chiến phòng, chống dịch này, ai cũng có trách nhiệm, nhưng đối với ngành y tế thì trách nhiệm lớn lao hơn. Người thầy thuốc có trách nhiệm và bổn phận chăm sóc sức khoẻ Nhân dân. Vì vậy tôi rất thiết tha đề nghị các vị lãnh đạo các bệnh viện, cơ sở y tế tư nhân tiếp tục chung tay, chung sức, chung lòng gánh vác cùng Thành phố trong công tác phòng, chống dịch, đặc biệt trong điều trị, chăm sóc sức khoẻ người mắc COVID-19 để Thành phố vượt qua giai đoạn rất khó khăn này”./.

 

 

V.Lê

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực