Thị trường vàng: Lỗi nhịp do thiếu sự liên thông!

Thứ sáu, 26/03/2021 15:22
(ĐCSVN) – Việc không liên thông giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế đã dẫn đến tình trạng là chênh lệch giá mua – bán quá cao. Thực tế, giá vàng trong nước có nhiều thời điểm “lỗi nhịp”, thậm chí ngược chiều so với giá vàng thế giới.
Giá vàng trong nước có nhiều thời điểm “lỗi nhịp”, thậm chí ngược chiều so với giá vàng thế giới (Ảnh: M.P)

Ngân hàng Nhà nước, nhờ kiên định với mục tiêu chống “đô la hóa, vàng hóa”, từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP đi vào cuộc sống (từ năm 2012) đã đem lại lợi ích rất lớn cho nền kinh tế, kể cả cấp độ vĩ mô và vi mô. Cụ thể, giá vàng không còn “nhảy múa” như trước và không ảnh hưởng đến giá các loại hàng hóa khác, không ảnh hưởng đến tỷ giá ngoại tệ, tạo điều kiện cho sự ổn định của kinh tế vĩ mô. Vàng miếng, vàng nguyên liệu không phải là hàng hóa bình thường như những loại hàng hóa khác, mà vẫn là đối tượng được quản lý ngoại hối một cách chặt chẽ.

Song, trong hơn một tháng qua, trên thị trường quốc tế, giá vàng đã mất hơn 200 USD/ounce, từ ngưỡng 1.900 USD/ounce xuống dưới 1.700 USD/ounce. Điều này làm nhiều người mua vàng dịp đầu năm nay đứng ngồi không yên khi thấy giá liên tục có diễn biến giảm. Dù vàng luôn được coi là tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh lạm phát, song đang mất dần tính hấp dẫn trong mắt nhà đầu tư khi USD tăng trở lại.

Theo kết quả khảo sát mới nhất của Kitco News, đà tăng của USD và lợi suất trái phiếu đang tác động không nhỏ đến tâm lý đầu tư trên thị trường vàng. Hơn thế, áp lực chốt lời của các quỹ đầu tư vàng trên thế giới khiến giá vàng khó có thể tăng trong ngắn hạn. Đi xuống cùng với giá vàng quốc tế, song tốc độ thấp hơn nhiều, nên giá vàng tại Việt Nam gia tăng độ vênh lên 8,5 - 9 triệu đồng/lượng. Trong khi đó, đồng USD hiện có mức tăng gần 2,5% so đầu năm. Lợi suất trái phiếu Chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng lên 1,62%, cao nhất kể từ tháng 2/2020.

Trong đầu tư, lời lỗ là bình thường, nhưng khi đầu tư vào vàng hiện đang có sự bất cập lớn, tạo cơ hội kiếm lời cho doanh nghiệp vàng, đó là chênh lệch giá mua - bán có thời điểm lên tới gần hai triệu đồng/lượng. Với kiểu định giá hiện nay, giới đầu tư vàng khó có lãi, dù thấp, nhưng nếu lỗ thì rất lớn.

Giới chuyên gia nhận định, vàng giảm giá còn do tình hình dịch COVID-19 trên toàn cầu đang dần được kiểm soát khi số lượng người được tiêm vắc-xin tăng lên. Một số yếu tố hỗ trợ mạnh đối với giá vàng như trong năm trước không còn, trong khi kinh tế toàn cầu dần được cải thiện. Hơn thế, sự lên ngôi của các đồng tiền ảo đã thu hút một phần dòng tiền của các nhà đầu tư. Động thái “bơm tiền” thông qua các gói kích thích kinh tế quy mô lớn của Mỹ cũng như châu Âu sẽ khiến lạm phát có khả năng tăng mạnh trong thời gian tới, trong khi vàng luôn được xem là tài sản trú ẩn khi lạm phát tăng. Vả lại, kinh tế thế giới dự kiến sẽ mất một thời gian dài mới có thể hồi phục.

Việc không liên thông giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế đã dẫn đến tình trạng là chênh lệch giá mua – bán quá cao. Thực tế, giá vàng trong nước có nhiều thời điểm “lỗi nhịp”, thậm chí ngược chiều so với giá vàng thế giới. Mức chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước lên đến gần 9 triệu đồng/lượng gần đây được nhìn nhận góp phần khiến tỷ giá USD trên thị trường tự do tăng cao. Chênh lệch giữa giá vàng Việt Nam và quốc tế ở mức cao khó có thể tránh được tình trạng nhập lậu vàng, “chảy máu” ngoại tệ. Tỷ giá chợ đen đã tăng cao trong thời gian gần đây, lên 23.900 - 24.000 đồng/USD.

Thực tế, thị trường vàng trong nước không liên thông với quốc tế và được kiểm soát theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng nên nguồn cung hạn chế, trong khi các ngân hàng không được huy động vàng như trước. Do đó, giải pháp cho thị trường vàng hiện nay là thành lập sàn vàng và phát hành các chứng chỉ vàng ETF. Việc này sẽ không làm tăng mức độ “vàng hóa” như nhập khẩu vàng vật chất, hay cho các ngân hàng huy động và cho vay vàng, mà có lợi cho việc thu hút dòng vốn đầu tư gián tiếp vào thị trường tài chính Việt Nam. Đồng thời, tạo lập được sàn vàng quốc gia với các chứng chỉ ETF giúp bổ sung công cụ đầu tư, có lợi cho việc thu hút vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài.

Được biết, Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam cũng đã kiến nghị Ngân hàng Nhà nước cho phép được nhập vàng nguyên liệu để sản xuất vàng nữ trang trong nước, cân bằng cung - cầu. Đồng thời, đề xuất sửa đổi Nghị định 24/2012/NĐ-CP bởi Nghị định này ra đời cách đây gần 10 năm, cần được sửa đổi để phù hợp việc quản lý, điều hành thị trường vàng trong thời gian tới, nhất là khi Việt Nam đã ký kết thêm nhiều hiệp định thương mại tự do.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần thành lập sàn giao dịch vàng như nhiều nước trong khu vực, dưới sự quản lý và điều hành của Ngân hàng Nhà nước. Việc không có sàn giao dịch khiến hầu hết nhà đầu tư vàng trong nước chịu thiệt thòi. Cho dù giá vàng thế giới tăng hay giảm, dường như phần lợi luôn thuộc về các nhà kinh doanh vàng.

Hiện không thể coi vàng là kênh đầu cơ, lướt sóng, vì Chính phủ đã sớm đưa loại tài sản này vào quản lý chặt chẽ và ổn định giá từ năm 2014 đến nay. Hoạt động xuất nhập khẩu vàng cũng được cơ quan quản lý đưa về một mối là Ngân hàng Nhà nước. Nhưng chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế quá lớn là một điểm đáng lưu ý, dẫn tới nguy cơ đầu cơ và nhập lậu vàng vào Việt Nam.

Đã đến lúc, cơ quan quản lý cần có giải pháp để giá vàng trong nước có sự cân bằng, liên thông với giá vàng thế giới, thay vì “một mình một chợ”./.

Minh Phương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực