Thời COVID -19, nói chuyện về những cái ôm

Thứ tư, 02/06/2021 10:58
(ĐCSVN) – Trong cuộc sống hằng ngày, có biết bao thông điệp mà chúng ta muốn truyền cho nhau qua hành động, lời nói, việc làm, hay đơn giản chỉ là một cái ôm. Cái ôm giúp chúng ta cảm nhận được tình yêu thương, sự sẻ chia, tiếp cho chúng ta thêm năng lượng sống. Nhưng giữa bối cảnh dịch bệnh, khi mà vấn đề “khoảng cách” luôn được đưa ra để khuyến cáo thì trong nhiều tình huống, cái ôm lại trở thành một thứ thật xa xỉ!
 Truyền hình Hàn Quốc đưa tin về câu chuyện em bé bật khóc và  đòi mẹ bế khi thấy mẹ đi tham gia chống dịch trả lời phỏng vấn trên ti vi. (Ảnh chụp màn hình)

Trong những ngày qua, câu chuyện về bé gái 20 tháng tuổi bật khóc nức nở khi nhìn thấy mẹ trả lời phỏng vấn trên tivi đã nhận được sự quan tâm lớn của dư luận ngay khi được chia sẻ trên mạng xã hội. Người mẹ được nhắc đến là bác sĩ Nguyễn Thị Hạnh, là 1 trong 100 y bác sĩ của Bệnh viện 103 được điều động đến tâm dịch Bắc Giang để hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19. Khi mẹ đi, em bé vẫn chưa cai sữa nên rất nhớ và khóc đòi mẹ. Hành động có phần bản năng khi em bé khóc và liên tục đưa tay về phía màn hình đòi mẹ bế đã khiến người xem nghẹn ngào, xúc động.

Bác sĩ Hạnh chia sẻ: "Khi lên đến đây (Bắc Giang) tôi cũng bị căng sữa, tắc sữa và có khi sốt, những lúc như thế tôi lại nhớ con nhiều hơn. Những lúc rảnh rỗi cũng chỉ nghĩ đến con, thương con. Cả ngày, tôi chỉ dám gọi một cuộc video, lúc đầu thì con cười, nhưng chỉ một lúc lại đòi: “Mẹ ơi, bế!”, làm tôi không thể kiềm lòng nổi". Clip về hai mẹ con chị không chỉ khiến người xem trong nước xúc động mà còn làm lay động trái tim nhiều người dân Hàn Quốc khi truyền hình nước này đưa tin. Chắc hẳn em bé đã rất mong nhận được một cái ôm của mẹ, và bác sỹ Hạnh cũng mong được âu yếm, vỗ về con. Nhưng nhiệm vụ chống dịch của những y bác sỹ ở tuyến đầu như chị sẽ chưa thể kết thúc và mong muốn nhỏ nhoi đó còn cần thêm thời gian mới có thể thực hiện được.

Câu chuyện của mẹ con chị Hạnh chỉ là một trong số rất nhiều câu chuyện xúc động về sự “cách xa” trong bối cảnh đại dịch. Những trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 phải điều trị trong bệnh viện đã đành, kéo theo mỗi ca bệnh là rất nhiều trường hợp F1 phải đi cách ly tập trung để đảm bảo an toàn. Hình ảnh cậu bé M., 3 tuổi phải đi cách ly tại Khu cách ly 16, Tiểu đoàn 16, Trường Sĩ quan Chính trị (huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang) khi cả bố mẹ và các anh chị đều là F0 phải đi điều trị khiến chúng ta không khỏi nhói lòng. Tuy nhiên, trong hoàn cảnh như vậy nhưng em lại rất ngoan: nằm trên giường một mình, bịt khẩu trang ngủ trưa và tự mình ngồi ăn suất cơm được phát. Mong dịch bệnh sớm qua đi, để những em bé như  M. lại được trở về nhà, trong vòng tay ôm ấp, yêu thương của cha mẹ và người thân, để cuộc sống của hàng trăm gia đình được trở lại như nhịp bình thường…

 Cái ôm ấm áp của  Bà già Tuyết Fatima Sanson với một em bé. (Ảnh: AFP)

Có thể nói, đại dịch COVID-19 đã làm thay đổi cuộc sống, thói quen của tất cả mọi người trên thế giới chứ không riêng gì Việt Nam. Chúng ta đang học cách để thích nghi với sự thay đổi đó, ngay cả với cách để chia sẻ tình yêu thương, truyền cảm hứng qua những cái ôm.

 Hẳn chúng ta còn nhớ câu chuyện về bà Fatima Sanson, 61 tuổi, sống tại thành phố Belo Horizonte, Đông Nam Brazil. Bà duy trì trong suốt 50 năm qua việc hóa trang thành Bà già Tuyết vào mỗi dịp Giáng sinh để tặng đồ chơi cùng những cái ôm dành cho trẻ em nghèo ở nơi bà sinh sống. Bất chấp việc đang phải chiến đấu với căn bệnh ung thư vú và đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, vào mùa Giáng sinh năm 2020, bà vẫn duy trì hoạt động truyền thống của mình trong sự tuân thủ quy định về giãn cách xã hội để phòng dịch COVID-19. Bà đã tự thiết kế cho mình chiếc "rèm ôm" bằng nhựa và nhờ người khử trùng chiếc rèm sau mỗi lần ôm hôn mọi người. Điều này vừa đảm bảo an toàn cho những người bà tiếp xúc và cũng phòng ngừa cho bản thân bà khi bà thuộc nhóm có nhiều nguy cơ nhiễm COVID-19 (tuổi cao, có bệnh lý nền).

Bà Sanson cho rằng: “Thật tuyệt khi có thể ôm và được ôm. Chúng ta “lan truyền” cho nhau những cái ôm, tình yêu thương và sự cảm thông”. Như vậy, có thể thấy rằng, tấm rèm nhựa không làm cái ôm của “Bà già Tuyết” Sanson bớt ấm áp mà vẫn truyền được tinh thần và sức sống Giáng sinh đến với mọi người.

"Cái ôm đầu tiên"  - bức ảnh  của nhiếp ảnh gia Mads Nissen đoạt Giải Ảnh Báo chí thế giới năm 2021.

Cái ôm một lần nữa khẳng định được sức mạnh vô giá, khả năng truyền cảm hứng bất tận khi tác phẩm ảnh “Cái ôm đầu tiên" mang về cho nhiếp ảnh gia người Đan Mạch Mads Nissen Giải Ảnh Báo chí thế giới năm 2021. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc cụ bà Rosa Luzia Lunardi (85 tuổi) đang trong vòng tay của y tá Adriana Silva da Costa Souza tại viện dưỡng lão Viva Bem, TP São Paulo, Brazil, ngày 5/8/2020. Đây là cái ôm đầu tiên cụ Rosa nhận được trong vòng năm tháng sau thời gian bị cách ly vì dịch COVID-19. Bức ảnh đã thuyết phục được Ban Giám khảo và làm lay động trái tim của hàng triệu người xem trên khắp thế giới. 

Ai đó đã từng nói, tạo hóa hiểu được nỗi khát khao yêu thương trong lòng con người nên đã ban cho chúng ta những cái ôm. Trước cả ngôn ngữ, âm nhạc hay hội họa, ôm có lẽ là cách bày tỏ tình cảm sơ khai của nhân loại và vẫn giữ nguyên hình thức nguyên thủy cho đến tận bây giờ. Một cử chỉ đơn giản, chân phương nhưng vẫn gửi trao trọn vẹn xúc cảm và sức mạnh. Nhưng hơn thế, trong bối cảnh đại dịch như hiện nay, cái ôm còn là “câu chuyện về hy vọng và tình yêu trong lúc khó khăn nhất” như chia sẻ của nhiếp ảnh gia Mads Nissen qua bức ảnh đoạt Giải Ảnh Báo chí thế giới năm 2021./.

Kiều Giang

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực