Thực phẩm “tẩm” ma túy: Tinh vi, nguy hại

Thứ hai, 19/12/2022 20:45
(ĐCSVN) - Theo các chuyên gia, việc sử dụng các loại thực phẩm “tẩm” ma túy luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm với người dùng. Khác với sử dụng ma túy trực tiếp, lượng ma túy “tẩm”, trộn trong các loại đồ ăn thức, nước uống thường không cao nên sẽ tác động từ từ đến người dùng; tạo ra ở người dùng cảm giác vui vẻ, kích thích, từ đó tăng liều dần dần, khi tích lũy đủ sẽ gây ngộ độc, suy nhược thần kinh….

Thời gian qua, hàng loạt vụ việc người dân bị ngộ độc, thậm chí phải vào cơ sở y tế cấp cứu do sử dụng thực phẩm “tẩm” ma túy đã dấy lên lo lắng trong dư luận xã hội. Mới đây, nữ bệnh nhân P.T.C. (56 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) được chẩn đoán bị ngộ độc cần sa sau khi ăn bỏng ngô. Theo lời kể của người nhà, khoảng 16h30 ngày 29/11, bà C. ăn 2 miếng bỏng ngô (do con bà đặt mua trên mạng). Sau 1 tiếng, bà C. cảm thấy hoa mắt, chóng mặt, nôn ra thức ăn, sau đó ý thức lơ mơ nên được người nhà đưa vào kiểm tra và điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.

Trước đó, một học sinh lớp 10A2 trường THPT Hoành Bồ (TP Hạ Long, Quảng Ninh) đã mang 1 túi có nhiều gói dạng thanh (giống như kẹo dẻo) đến lớp. Học sinh này đã mời các bạn trong lớp cùng ăn. Kết quả, 10 em có biểu hiện ngộ độc, phải đưa đi cấp cứu; qua test nhanh, phát hiện 6 cháu dương tính với chất THC (một loại chất có trong cây cần sa). Công an tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo Công an TP Hạ Long phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ tiến hành xác minh loại kẹo trên là thực phẩm chức năng có nguồn gốc từ nước ngoài, được chiết xuất từ cây cần sa và chỉ được dùng theo chỉ định của bác sĩ.

leftcenterrightdel
 Bánh ngọt Lazy Cakes (bánh “lười”) có tẩm cần sa, gây ảo giác. Ảnh: T.N.

Mới đây nhất, ngày 4/12, Công an tỉnh Thanh Hóa đã có thông tin cảnh báo về bánh Lazy Cakes thường gọi là “bánh lười”. "Bánh lười" thực chất là một loại ma túy được chế dưới dạng bánh ngọt. Nguyên liệu để làm bánh là cần sa, chiết xuất thành dung dịch, sau đó tiếp tục trộn thêm bột mì, trái cây khô, sôcôla… rồi nướng, hấp thành bánh và đóng gói bán. Giá bán khoảng 200.000 - 300.000đồng/bánh. Điều đáng nói là loại “bánh lười” đã xâm nhập vào khá nhiều nơi, nhất là các cơ sở giáo dục, các tụ điểm vui chơi giải trí… Cơ quan chức năng khuyến cáo, đây là một dạng có chứa chất ma túy thuộc danh mục cấm. Loại bánh này được cảnh báo có thể gây suy hô hấp tạm thời và có thể khiến cho người dùng lâm vào trạng thái mê man.

Trước tình trạng trên, cơ quan chức năng tại nhiều địa phương đã phát hiện và thông tin cảnh báo về mức độ nguy hiểm của các loại ma túy trộn, “tẩm” trong thực phẩm. Điển hình như các loại bánh ngọt, bánh quy, kẹo có tẩm cần sa; các loại gói bột pha nước giải khát, có mùi thơm kích thích và chứa ma túy, gọi là nước nho, xoài, dâu, đông trùng; một số loại ma túy được ngụy trang dưới dạng chocolate ghi nhãn hiệu Chill Max... hay các loại nước biển chứa chất ma túy GHB, nước xoài “Crispy Fruit” có chứa chất ma túy Bromazepam, Nimetazepam…

leftcenterrightdel
 Ma túy được đóng gói với nhãn hiệu “Crispy Fruit” và hình minh họa là chùm nho bị Công an TP Đà Nẵng phát hiện. Ảnh: CTV.

Theo các chuyên gia, dù vô tình hay cố ý, việc sử dụng các loại thực phẩm “tẩm” ma túy luôn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm với người dùng. Khác với sử dụng ma túy trực tiếp, lượng ma túy “tẩm”, trộn trong các loại đồ ăn thức, nước uống thường không cao nên sẽ tác động từ từ đến người dùng; tạo ra ở người dùng cảm giác vui vẻ, kích thích, từ đó tăng liều dần dần, khi tích lũy đủ sẽ gây ngộ độc, suy nhược thần kinh. Với một số loại, khi sử dụng, ma túy sẽ ngấm nhanh vào máu khiến cho người sử dụng có cảm giác hưng phấn, ảo giác, dễ buồn ngủ hoặc chỉ thích nằm hay ngồi một chỗ và... cười. Nặng hơn có thể gây suy hô hấp tạm thời, khiến cho người dùng rơi vào trạng thái mê man… Chia sẻ với báo chí, BSCK I Triệu Đức Đường, Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viên Đa khoa Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) khuyến cáo, các sản phẩm có chứa chất gây nghiện, tiền chất ma túy, các loại cỏ sẽ gây ra tình trạng rối loạn, ảo giác, kích thích… nếu sử dụng nhiều có thể dẫn đến suy giảm trí nhớ, khó hồi phục.

Điều đáng nói, với các thủ đoạn tinh vi, quan sát bề ngoài bao bì sản phẩm thì hầu hết mọi người đều cho rằng đây là gói nước uống giải khát, bánh kẹo, thuốc lá thông thường, không hề liên quan đến ma túy. Người dùng cũng không cần dụng cụ mà có thể sử dụng các loại thực phẩm “tẩm” ma túy ở bất cứ đâu, không cần kín đáo, che giấu. Vì vậy, ma túy tổng hợp dễ dàng xâm nhập vào học đường, khu vui chơi, quán bar… với tác hại khôn lường, trong khi việc phát hiện, ngăn chặn, xử lý của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn hơn so với các loại ma túy thông thường.

leftcenterrightdel
 Ma túy dưới dạng nước xoài bị Công an TP Hồ Chí Minh phát hiện. Ảnh: Công nguyên.

Chị Nguyễn Thu Hương, một phụ huynh đang có con học THPT ở quận Đống Đa (Hà Nội) bày tỏ lo lắng: “Ma túy trộn lẫn với bánh kẹo, nước uống thì đúng là quá nguy hiểm. Vì lợi nhuận, các đối tượng tội phạm ma túy đã không từ một thủ đoạn nào. Tôi mong các cơ quan chức năng tăng cường hơn nữa việc đấu tranh truy quét, triệt phá các đối tượng này; đồng thời tuyên truyền cảnh báo kịp thời để người dân cảnh giác, phòng tránh”.

Trước những nguy cơ tiềm ẩn từ thực phẩm “tẩm” ma túy, thiết nghĩ các cơ quan truyền thông cần tăng cường hoạt động thông tin, tuyên truyền về sự nguy hiểm của thực phẩm “tẩm” ma túy và những loại sản phẩm thường bị trộn, “tẩm” ma túy. Qua đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, đề cao cảnh giác trong lựa chọn, sử dụng các sản phẩm bánh kẹo, đồ ăn, nước uống.

Cùng với đó, các cơ quan chức năng, trực tiếp là lực lượng Công an, Quản lý thị trường, cần bám nắm chắc địa bàn; kịp thời phát hiện các loại thực phẩm mới chứa ma túy để sớm cảnh báo, tránh gây hại đến người dân. Đồng thời, đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm sản xuất, buôn bán các loại thực phẩm “tẩm”, trộn ma túy; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Thực tế cho thấy, những loại thực phẩm “tẩm” ma túy thường hướng đến đối tượng là giới trẻ, học sinh, sinh viên… Vì vậy, để ngăn chặn, đẩy lùi sự xâm nhập của các loại thực phẩm nguy hiểm này, rất cần sự chung tay, góp sức của nhà trường và các bậc phụ huynh. Nhà trường, nhất là các trường có tổ chức nấu ăn bán trú cần kiểm soát chặt nguồn thực phẩm đầu vào; thường xuyên đưa ra cảnh báo về việc các loại ma túy được “tẩm” vào thực phẩm thường có chứa hỗn hợp của nhiều chất ma túy khác nhau, khi sử dụng sẽ dẫn đến ngộ độc, thậm chí có thể tử vong để giáo dục và phòng ngừa chung cho các em học sinh.

Các bậc cha mẹ, nhà trường cũng phải tăng cường quản lý, giáo dục con em mình, nhất là vào mỗi dịp nghỉ hè để kịp thời phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn sự xâm nhập của các loại chất ma túy dạng mới với hình thức ngày càng tinh vi. Cha mẹ nên quan tâm sát sao, lắng nghe tâm tư của con trẻ, đồng hành chia sẻ, phát hiện kịp thời các biểu hiện bất thường của con, cùng trao đổi với thầy cô, nói chuyện với bạn bè của con để biết con có liên quan đến ma túy và các tệ nạn xã hội khác không, từ đó có biện pháp phòng ngừa. Trường hợp phát hiện con trẻ có biểu hiện sinh hoạt không bình thường, hay cáu gắt đột ngột, giận dữ, mơ màng hoặc ngồi thẫn thờ… thì rất có thể trẻ đã sử dụng bánh kẹo, thực phẩm “tẩm”, trộn ma túy. Cần đưa ngay trẻ tới các bệnh viện lớn, cơ sở y tế tin cậy để xét nghiệm, có phương án điều trị phù hợp./.

TL

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực