Tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn Nghị quyết 11 của Chính phủ

Thứ bảy, 06/08/2011 16:23
 

 Ảnh minh họa

(ĐCSVN)Đó là khẳng định của tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ qua trao đổi với báo chí bên lề Quốc hội ngày 4-8 vừa qua. Bộ trưởng nhấn mạnh: “Trước mắt, ngành Tài chính cũng như ngành Ngân hàng phải tiếp tục thực hiện quyết liệt hơn Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ. Đó là một trong những công việc ưu tiên của tôi trên cương vị Bộ trưởng Bộ Tài chính”.

Có thể nói, tiếp tục thực hiện quyết liệt và có hiệu quả hơn Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ không chỉ là ưu tiên của riêng ngành tài chính mà đó còn là ưu tiên hàng đầu của cả nước trong việc thúc đẩy ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát và đảm bảo an sinh xã hội.

Những kết quả đã đạt được những tháng đầu năm đã thể hiện rõ nỗ lực của toàn Đảng, toàn dân trong 7 tháng vừa qua, càng trong khó khăn, càng thấy rõ nội lực Việt Nam, có lẽ chỉ có sự đồng thuận, chỉ có sự đoàn kết cùng một ý chí mới làm nên những thành công này. Đó là tình hình kinh tế xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm đã dần đi vào ổn định. Một số lĩnh vực đạt kết quả khả quan, nhất là kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng gấp 3 lần chỉ tiêu kế hoạch đề ra đạt hơn 51 tỷ USD trong 7 tháng qua. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái, sản xuất công-nông nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá cao, trong đó chỉ số sản xuất công nghiệp trong tháng 7 tăng 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 7 mặc dù tăng 1,17% so với tháng trước nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các tháng đầu năm nay.

Về sản xuất công nghiệp và nông nghiệp và khu vực dịch vụ trong tháng 7 và 7 tháng năm 2011 đều có sự tăng trưởng khá. Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng khá nhanh, chỉ số sản xuất công nghiệp đạt cao hơn cùng kỳ năm 2010. Các sản phẩm có chỉ số sản xuất công nghiệp tăng cao so với cùng kỳ gồm: năng lượng, vật liệu xây dựng… Trong sản xuất nông nghiệp cũng đã có bước chuyển biến đáng kể, đặc biệt là xuất khẩu các mặt hàng nông sản mạnh cả về sản lượng và giá cả giúp đời sống nhân dân ngày càng tốt hơn.

Vấn đề an sinh xã hội cũng đã được giải quyết đồng bộ, nhất là đời sống công nhân tại các khu công nghiệp. Cho đến nay, cả nước đã tạo việc làm cho trên 720 nghìn lao động. Điều chỉnh nâng mức tín dụng cho học sinh, sinh viên vay để học tập. Tổng dư nợ cho vay các chương trình, chính sách an sinh xã hội đến 30.6.2011 ước đạt gần 95 nghìn tỉ đồng, tăng 13,7% so cùng kỳ 2010. Hỗ trợ trên 56 nghìn tấn gạo cứu đói, khắc phục hậu quả thiên tai, tăng gần 9% so cùng kỳ năm 2011….

Có được kết quả ban đầu trên đây là sự đóng góp chung cả nước. Việc kiên trì thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, đảm bảo an sinh xã hội đã khẳng định những quyết sách mà Chính phủ đã đưa ra là đúng đắn, phù hợp trong hoàn cảnh hiện nay.

Từ nay đến cuối năm một số mục tiêu tiếp tục được chú trọng hàng đầu như: thực hiện chính sách thắt chặt tiền tệ, trong đó nhấn mạnh vấn đề an toàn hệ thống ngân hàng; tiếp tục thực hiện bội chi ngân sách giảm dưới 5%, tiết kiệm ngân sách 10% và tiếp tục cắt giảm đầu tư công. Cùng với đó, không ngừng đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất thực phẩm đẩy mạnh chăn nuôi; đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu; đảm bảo điện cho sản xuất và sinh hoạt.

Để đạt được những mục tiêu trên, các bộ, ngành, địa phương cần tiếp tục bám sát thực hiện theo Nghị quyết số 11/NQ-CP, đồng thời, ưu tiên nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư chiều sâu nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa. Ngoài ra, tích cực đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn; nhanh chóng tăng số lượng con giống, ổn định giá thức ăn chăn nuôi… bảo đảm đáp ứng nhu cầu, không để thiếu hàng, sốt hàng, giá thực phẩm tăng cao hoặc diễn biến bất thường. Chủ động ứng phó có hiệu quả với thiên tai dịch bệnh… có như vậy, mới từng bước hoàn thành được những mục tiêu đã đề ra./.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực